Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vô cùng oanh liệt của dân tộc ta.
Thắng lợi huy hoàng đó ghi vào lịch sử dân tộc như một trang vàng chói lọi nhất, biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, của lòng dũng cảm và trí tuệ con người Việt Nam. Để làm nên chiến thắng ấy là sự tổng hòa của nhiều nhân tố, trong đó nhân tố quyết định nhất là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng.
Đường lối đúng đắn, phương pháp sáng tạo
Ngay từ đầu sự nghiệp giải phóng miền Nam, tháng 9-1954, Bộ Chính trị đã chủ trương đoàn kết rộng rãi mọi lực lượng dân chủ và hòa bình, đấu tranh đánh đổ Chính phủ Ngô Đình Diệm. Đến năm 1959, Hội nghị lần thứ mười lăm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam là đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và gây chiến, đánh đổ tập đoàn Ngô Đình Diệm tay sai, thành lập Chính quyền liên hiệp dân tộc, dân chủ ở miền Nam, thực hiện độc lập dân tộc và các quyền tự do dân chủ…
Nghị quyết này xác định về “chuyển chiến lược” từ đấu tranh chính trị đơn thuần sang đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng của kẻ địch. Từ đây, ở miền Nam bắt đầu nổ ra các trận đánh lớn tiến tới Đồng Khởi của Bến Tre và nhanh chóng lan khắp miền Nam, dẫn đến sự ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam (20-12-1960)…
Tháng 9-1960, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III đã xác định và chỉ rõ kẻ thù mới của dân tộc ta là đế quốc Mỹ và tay sai; vạch ra hai chiến lược cách mạng; khẩn trương ổn định tình hình, củng cố miền Bắc làm hậu phương vững chắc, là trung tâm lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng cả nước; vạch ra đường lối, phương pháp đấu tranh cách mạng đúng đắn, có lợi nhất; giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa giải phóng miền Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng quốc tế.
Khi đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, với đường lối chiến tranh nhân dân, phương pháp đấu tranh của Đảng và chính sách của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, quân và dân ta đã giành nhiều thắng lợi khiến đế quốc Mỹ phải toan tính đưa quân Mỹ và đồng minh vào miền Nam Việt Nam trực tiếp tham chiến. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị chính trị đặc biệt (ngày 27-3-1964). Hội nghị biểu thị quyết tâm chiến đấu bảo vệ miền Bắc, đẩy mạnh cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Cuối năm 1967, dù Mỹ tiếp tục tăng quân và phương tiện chiến tranh để mở cuộc phản công lần thứ ba nhưng đã bắt đầu lộ rõ sự dao động, lúng túng. Lúc đó, lãnh đạo Đảng đã quyết định giáng một đòn bất ngờ, thật mạnh vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ bằng cách chọn hướng chiến lược hiểm; dùng cách đánh mới làm thay đổi cục diện chiến tranh bằng đòn tiến công Tết Mậu Thân năm 1968.
Với những phán đoán đúng và dự kiến sớm, ta đã chuẩn bị tốt và đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai tại miền Bắc, nổi bật là đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ trên bầu trời Thủ đô Hà Nội (tháng 12-1972), buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút hết quân ra khỏi miền Nam Việt Nam.
Tại Hội nghị lần thứ hai mươi mốt (tháng 7-1973), Trung ương Đảng ra Nghị quyết chỉ đạo các địa phương ở miền Nam tiếp tục con đường bạo lực cách mạng, tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ để tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam. Sau hơn một năm đẩy mạnh đấu tranh vũ trang, hỗ trợ trực tiếp cho đấu tranh chính trị và binh vận, bắt quân địch phải thi hành Hiệp định Paris và chặn đứng kế hoạch “Tràn ngập lãnh thổ” của chúng, ta đã vạch ra kế hoạch tiến công mùa khô 1974-1975, tiến tới tổng tiến công và nổi dậy.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tháng 7-1974, Bộ Tổng Tham mưu khởi thảo kế hoạch giải phóng miền Nam. Tháng 10 và tháng 12-1974, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương cùng Bộ Tư lệnh miền Nam họp bàn về quyết tâm, kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976 và dự kiến: Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975.
Trước tình thế cách mạng và tận dụng thời cơ, Đảng ta quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên với trận đột phá chiến lược Buôn Ma Thuột (ngày 10-3-1975). Với chiến thắng này, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương kịp thời bổ sung quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975. Sau khi Huế được giải phóng (ngày 26-3-1975), Đà Nẵng được giải phóng (ngày 29-3-1975), đến ngày 3-4-1975, ta giải phóng hoàn toàn các tỉnh đồng bằng ven biển miền Trung. Tiếp đó, ngày 8-4-1975, tại Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh Miền, Nghị quyết của Bộ Chính trị thành lập Bộ Tư lệnh chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định (sau được mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh) được công bố. Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu từ ngày 26-4-1975. Đến 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập.
Thắng lợi của khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng, nhất là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng và nhân dân ta đã đoàn kết thành một khối vững chắc bằng những mối liên hệ vô cùng bền chặt.
Mối quan hệ máu thịt đó đã tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến tất cả các giai cấp, tầng lớp nhân dân và các dân tộc ở cả hai miền Nam - Bắc. Ngay khi Hiệp định Giơnevơ (năm 1954) được ký kết, đất nước ta tạm thời chia làm hai miền, nhưng giới tuyến sông Bến Hải chỉ có thể tạm thời ngăn cách đồng bào ta về mặt địa lý, tuyệt nhiên không thể chia cắt tình ruột thịt, sự đoàn kết của đồng bào hai miền.
Nhờ sự sáng tạo của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập đã tập hợp lực lượng toàn dân tộc, chĩa mũi nhọn vào đế quốc Mỹ xâm lược và bọn tay sai phản động. Đồng bào miền Bắc đau đáu với nỗi đau của đồng bào miền Nam, luôn tìm mọi cách “chia lửa”, chi viện đắc lực sức người, sức của với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” cho tiền tuyến miền Nam đánh Mỹ.
Đồng bào miền Nam luôn hướng về hậu phương lớn miền Bắc - nơi cội nguồn sức mạnh. Kết quả là, tổng sản phẩm xã hội năm 1974 tăng 1,3 lần so với năm 1965; tổng sản lượng lương thực tăng 75 vạn tấn; giá trị tổng sản lượng công nghiệp tăng 1,5 lần, riêng ngành cơ khí tăng 2 lần… Đây thực sự là yếu tố bảo đảm vững chắc để hậu phương miền Bắc chi viện nhiều hơn cho tiền tuyến miền Nam.
Đặc biệt, khi thời cơ “ngàn năm có một” xuất hiện, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương quyết định thành lập Hội đồng chi viện chiến trường do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch (tháng 3-1975), ngay lập tức đã có 238.646 cán bộ, chiến sĩ thần tốc hành quân vào chiến trường. Đó là chưa kể hàng chục vạn nam, nữ thanh niên khác tham gia vào lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, trực tiếp phục vụ chiến đấu và chiến đấu…
Nhờ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân và nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố và ngày càng phát triển vững chắc. 54 dân tộc anh em đã đoàn kết với nhau làm nên thành công của sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhờ đó, chúng ta chẳng những chiếm ưu thế tuyệt đối về nhân tố chính trị, tinh thần đối với Mỹ - ngụy, mà còn tạo sức mạnh áp đảo chúng về lực lượng trong những thời điểm cần thiết, tiêu biểu là trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 cũng như thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thời đại Hồ Chí Minh. Để phát huy bài học đó, từ sau ngày đại thắng đến nay, Đảng ta đã không ngừng bổ sung, hoàn thiện về quan điểm, nhận thức, nội dung, biện pháp xây dựng, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong điều kiện mới. Đó là thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng, coi trọng xây dựng Đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng; thường xuyên củng cố mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.
Tiếp tục phát huy giá trị của bài học đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình hiện nay, Đảng phải dựa vào dân, dân một lòng đi theo Đảng; phải tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với Đảng và Đảng cần mở rộng dân chủ, thường xuyên trao đổi, đối thoại với dân bằng nhiều hình thức. Đảng cần có hệ thống chính sách đồng bộ về an sinh xã hội, đặc biệt là về xóa đói, giảm nghèo để mọi người dân chẳng những được hưởng thành quả của công cuộc đổi mới, mà không ngừng củng cố niềm tin vào Đảng, vào chế độ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.