(HNM) - Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về phong trào xây dựng nông thôn mới với 19 xã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí NTM.
Hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư cho "tam nông"
Chưa bao giờ nông thôn Hà Nội được quan tâm đầu tư đồng bộ như thời gian qua. Theo chân các thành viên trong đoàn công tác của Thành ủy Hà Nội đi kiểm tra thực tế việc thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở một loạt địa phương mới thấy rõ điều này. Nông thôn phát triển có quy hoạch và quy củ. Cơ sở hạ tầng khang trang, nhà văn hóa, trạm xá, giao thông, trường học... được xây dựng đồng bộ, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Nông thôn Hà Nội đang thay da đổi thịt từng ngày.
Để có cơ sở xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, thành phố đã phê duyệt hàng loạt quy hoạch chuyên ngành và các đề án, dự án liên quan đến phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân. 5 năm qua thành phố đã huy động được 60.304 tỷ đồng đầu tư triển khai các dự án xây dựng cơ bản khu vực nông thôn; trong đó riêng vốn ngân sách thành phố là 50.074 tỷ đồng (chiếm 83%). Như vậy, bình quân ngân sách thành phố đã đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn tới 10.050,7 tỷ đồng/năm, tăng 17,8%/năm.
Với mọi nguồn lực huy động được, UBND TP đã phê duyệt 78 dự án đầu tư XDCB với tổng mức đầu tư hơn 22.513 tỷ đồng, trong đó có 4 dự án trọng điểm với tổng mức đầu tư hơn 17.900 tỷ đồng. Đến nay, 46 công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, trong đó có 22 dự án đê, kè, 16 dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi và 8 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Hệ thống giao thông được cải thiện đáng kể, tỷ lệ xã có đường ô tô đến trụ sở được cứng hóa đã tăng từ 83,8% lên 100%; đường liên thôn được cứng hóa đã tăng từ 84% lên 95%. Cũng trong 5 năm qua, thành phố đã tập trung nâng cấp, cải tạo, xây mới được 19 nhà văn hóa, khu thể thao xã đạt chuẩn; 437 nhà văn hóa, khu thể thao thôn...
Nhiều xã đã cán đích
Được triển khai vào năm 2009 với xã điểm được Trung ương chọn là Thụy Hương (huyện Chương Mỹ), phong trào xây dựng NTM trên địa bàn Thủ đô nhanh chóng được nhân rộng tại 19 huyện ngoại thành với 3 xã làm điểm của thành phố và 15 xã làm điểm của các huyện, thị xã. Không những thế, Hà Nội còn chỉ đạo tất cả các xã còn lại triển khai xây dựng quy hoạch, lập đề án xây dựng NTM cấp xã, đề án xây dựng NTM cấp huyện và phân rõ lộ trình đầu tư. Sau 3 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến nay, Hà Nội đã hoàn thành quy hoạch và đề án xây dựng NTM từ thành phố đến cơ sở. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo, số tiêu chí đạt NTM đã dần tăng. Trong đó, 19 xã đã cán đích như Thụy Hương (Chương Mỹ), Mai Đình (Sóc Sơn), Đại Đồng (Thạch Thất)... Nhiều xã không phải làm điểm cũng đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí như: Đông Ngạc, Minh Khai, Xuân Đỉnh, Cổ Nhuế, Thượng Cát (huyện Từ Liêm), Đông Mỹ (huyện Thanh Trì)...
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Hoàng Thanh Vân, ngoài 19 xã đã cán đích, Hà Nội còn có 95/401 xã cơ bản đạt từ 14-18 tiêu chí; 158/401 xã đạt và cơ bản đạt 10-13 tiêu chí. Dự kiến đến hết năm 2013, Hà Nội sẽ có 48 xã đạt 19/19 tiêu chí. Chương trình NTM cũng đã góp phần nâng cao thu nhập cho cư dân khu vực nông thôn (đến nay thu nhập bình quân đầu người của thành phố đã đạt 23,712 triệu đồng/người/năm, tăng gần 3 lần so với năm 2008). Nông thôn không còn nhà dột nát, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm 1,5%, đến nay chỉ còn 3,55%; tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt khoảng 42%; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, 100% trạm y tế xã có bác sỹ, chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao. Trên 90% số hộ có vô tuyến truyền hình; trên 95% số xã và 30% số thôn có máy tính kết nối internet; 70% số hộ có điện thoại... Có thể thấy nguồn sinh khí mới đang lan tỏa sâu rộng ở ngoại thành Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.