(HNM) - Nhiều khu vực nông thôn đang chịu tác động tiêu cực do ô nhiễm môi trường do các nguyên nhân: Một bộ phận nông dân vẫn có thói quen vứt rác thải, súc vật chết ra nơi công cộng, tình trạng lạm dụng hóa chất trong canh tác nông nghiệp, nguồn nước mặt và nước ngầm ngày càng ô nhiễm…
Nông dân huyện Gia Lâm thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật nhằm bảo vệ môi trường |
Trước đây, khu vực cầu Đổ (xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì) dài khoảng 1,5km, là "điểm đen" về rác thải sinh hoạt và chăn nuôi, gây phản cảm cho người tham gia giao thông, ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân quanh khu vực. Trước thực trạng này, HND huyện Thanh Trì đã vận động nông dân xã Đông Mỹ tình nguyện thu gom và vận chuyển đến khu tập kết 17 khối rác. Nhờ việc làm này, đến nay khu vực cầu Đổ được phong quang, sạch sẽ.
Tại huyện Thanh Trì, HND các xã phụ trách, duy trì tự quản tại 12 trục đường liên thôn, liên xã, hằng tháng tổ chức dọn vệ sinh môi trường, trồng và chăm sóc, cắt tỉa cây xanh. Ngoài ra, các hội viên cũng tổ chức nạo vét kênh mương, vệ sinh 36 điểm tập kết rác và vận chuyển hơn 70 khối rác tồn đọng nhiều năm. Đặc biệt, HND 4 xã Ngũ Hiệp, Liên Ninh, Đông Mỹ và Ngọc Hồi ra quân hằng tuần trên các tuyến đường và trên sông Tô Lịch để thực hiện nạo vét, thu gom rác thải, phát quang cây cối...
Tương tự huyện Thanh Trì, ở Ba Vì, ô nhiễm môi trường cũng giảm hẳn khi có sự góp sức của HND trong tuyên truyền, hỗ trợ hàng nghìn hội viên nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư xây hầm biogas... Mô hình hiệu quả này đã được HND thành phố hỗ trợ, nhân rộng ra nhiều địa phương. Trong số hơn 40.000 hầm biogas trên địa bàn thành phố, hiện có hơn 15.000 hầm được các cấp HND thành phố phối hợp với Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội hỗ trợ, hướng dẫn hội viên nông dân xây dựng. Cùng với đó, Hội cũng đã có biện pháp hỗ trợ triển khai mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn tại các hộ có quy mô nhỏ, lẻ...
Ngoài các mô hình kể trên, trong năm 2015-2016, HND Hà Nội đã xây dựng thành công mô hình “Thu gom phân loại rác thải tại nguồn, hướng dẫn xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón cây trồng” tại xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức); tổ chức chương trình “Ngày thứ bảy nghĩ xanh - mua sạch”... Những mô hình này đã được nhân rộng tại các huyện Ứng Hòa, Thanh Trì, Thường Tín... Trong trồng trọt, ngoài phối hợp với các đơn vị liên quan tập huấn, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, các cấp hội đã ra quân thu gom vỏ, bao bì thuốc nhằm làm sạch đồng ruộng, điển hình là các huyện Thanh Oai, Gia Lâm, quận Hoàng Mai…
Theo bà Dương Thị Hằng, Phó Chủ tịch HND thành phố, môi trường nông thôn đang đối mặt với nhiều vấn đề nan giải. Đây không còn là hồi chuông cảnh báo, mà đã và đang ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống dân sinh. Vì thế, HND thành phố đã triển khai và hiện 100% cơ sở hội đã xây dựng được mô hình điển hình về nông dân tham gia bảo vệ môi trường và mỗi cơ sở hội xây dựng một mô hình điểm chi hội sản xuất gắn với bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề đang "quá sức" đối với các quận, huyện và các cấp HND về cách thức xử lý như: Ô nhiễm nguồn nước, chất thải công nghiệp... Đi đôi với các giải pháp cụ thể, người dân mong muốn các cơ quan chức năng quan tâm hơn tới công tác xử lý ô nhiễm môi trường nguồn nước, quản lý chặt chẽ chất thải từ đô thị tập kết tại nông thôn...
Thời gian tới, HND thành phố tiếp tục vận động các trang trại chăn nuôi, các khu chế biến cam kết quản lý chất thải không gây ô nhiễm môi trường, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; duy trì, phát triển câu lạc bộ nông dân tự quản; phát động thu gom, phân loại, xử lý, tái chế chất thải, khơi thông cống rãnh, quét dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khu phố vào thứ bảy hằng tuần...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.