(HNMO) - Thời điểm này, nông dân các địa phương tập trung xuống giống dứt điểm các loại hoa rau màu và cây vụ đông phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Tuy nhiên, giá cây giống, vật tư, thuốc bảo vệ thực vật... đều tăng cao so với mọi năm khiến nông dân bất an.
Áp lực lớn cho sản xuất vụ cuối năm
Vụ hoa tết này, hộ gia đình chị Nguyễn Thị Hương (ở xã Mê Linh, huyện Mê Linh) xuống giống 100 chậu cúc mâm xôi và gần 5.000 gốc hoa ly... Theo chị Hương, giá vật tư, cây giống, phân bón đều tăng mạnh nên đã tăng gánh nặng cho người trồng hoa như gia đình chị và nông dân trên địa bàn, chi phí tăng tới 20 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước. Đây là đợt thứ 3 trong năm tăng giá phân bón các loại 20.000-30.000 đồng/bao tùy loại. Trong khi đó, các loại giá thể khác như xơ dừa, trấu mục, tro trấu cũng tăng 20-30%.
Mặc dù giá vật tư tăng mạnh nhưng người trồng hoa vẫn phải mua vì đây là những vật liệu không thể thiếu để cây phát triển. Anh Trần Văn Thành - hộ dân trồng hoa quy mô lớn của xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh) chia sẻ: "Giá cả vật tư năm nay đều tăng nhưng nông dân vẫn cố gắng chăm sóc để cây hoa phát triển tốt, hoa ra đẹp thì bán mới có giá".
Theo thống kê của UBND huyện Mê Linh, vụ hoa Tết Quý Mão 2023, nông dân trên địa bàn huyện dự kiến xuống giống khoảng 600ha, diện tích không tăng nhiều so với những năm trước. Thời điểm này, nông dân cơ bản xuống giống gần dứt điểm các loại hoa, cây cảnh. Mặc dù gặp nhiều khó khăn ở thời điểm đầu vụ nhưng với tinh thần chịu khó, sáng tạo, nông dân làng hoa vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào vụ hoa Tết này...
Đối với hoa, cây cảnh là vậy, còn việc sản xuất rau màu vụ đông xuân, chăm sóc cây ăn quả dịp cuối năm cũng chịu nhiều áp lực. Ông Vũ Văn Sáu - hộ trồng rau màu lớn của xã Vân Phúc (huyện Phúc Thọ) chia sẻ, thị trường phân bón không ổn định cùng giá tăng cao khiến nông hộ đã vất vả càng thêm khó khăn. Với gần 1 mẫu ruộng, trong đó chủ lực là rau màu, cây ăn quả các loại, chi phí phân bón mỗi vụ trước đây khoảng hơn 2 triệu đồng nhưng nay tăng lên hơn 3,5 triệu đồng/vụ, chưa kể chi phí giống, thuốc bảo vệ thực vật, công sức 3-4 tháng/vụ, tiền thu về sau khi trừ các chi phí không còn được bao nhiêu", ông Sáu nói.
"Về tiêu thụ rau màu vụ đông thời điểm này, giá cả ở mức tốt, nông dân vẫn có lãi nhưng nếu cung vượt cầu, rau màu rẻ như một số năm trước thì nông dân sẽ bị lỗ nặng. Đông xuân thường là vụ thời tiết thuận lợi cho rau màu phát triển nên khi gặp lứa rau giá rẻ, nông dân vẫn xoay xở được nhưng năm nay thì khác", Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lưu Thị Hằng nhận định.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Để việc tiêu thụ rau mùa, hoa, cây cảnh của nông dân được thuận lợi, ngành chuyên môn thành phố đã có những kế hoạch dự phòng hỗ trợ. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Mạnh Phương cho biết: "Chúng tôi đã khuyến cáo nông dân nên có bước chuẩn bị ngay từ đầu vụ về dự trữ phân bón để tránh cầu vượt cung, giá bị đẩy lên; vận động nông dân linh hoạt thay thế nguyên liệu như trộn các loại giá thể (tro trấu, xơ dừa...) để giảm giá thành; thực hiện "4 đúng" để giảm lượng phân hóa học, giảm chi phí".
Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Dương Thị Hằng, việc sử dụng phân bón hữu cơ, giảm thiểu dần phân bón vô cơ cũng là một trong những giải pháp để chuyển đổi sản xuất xanh, sạch, bền vững. Trong đó, cần tận dụng phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp nhằm giảm giá thành sản xuất và tránh được tác hại do phân bón giả, kém chất lượng gây ra.
Để ổn định thị trường, kiểm soát biến động giá vật tư nông nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương để đánh giá cân bằng cung - cầu nông sản, điều tiết xuất - nhập khẩu vật tư đầu vào; tăng cường kiểm tra công khai giá, chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi...
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT kiểm tra, kiểm soát chất lượng và giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá nguyên liệu và giá thành sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động nhập khẩu (nguồn hàng, ưu tiên về giá, chất lượng, vận chuyển, lưu thông), tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân yên tâm tái đàn, phục hồi sản xuất; thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giống, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất; tăng cường sử dụng thức ăn tinh, giảm thức ăn thô; tận dụng tối đa phụ phẩm trong sản xuất, chế biến nông sản.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề cao việc giảm chi phí đầu vào bằng cách lựa chọn các mô hình kinh tế tuần hoàn, tận dụng phế, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp - cách làm này giúp nông dân giảm đáng kể tiền mua phân bón, mua vật tư nông nghiệp. Bên cạnh đó, nông dân có thể vào hợp tác xã mua chung, mua sỉ các loại vật tư nông nghiệp để tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả trong sản xuất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.