Nông nghiệp

Nông dân Hà Nội hiến kế không “rau hai luống, lợn hai chuồng”

Bạch Thanh 20/07/2023 - 17:51

Chiều 20-7, Hội Nông dân thành phố Hà Nội phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội và huyện Thanh Oai tổ chức Diễn đàn "Tuyên truyền vận động nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm chất lượng an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững năm 2023”. Diễn đàn thu hút đông đảo hội viên nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn thành phố tham dự.

hnd-atvstp1.jpg
Quang cảnh diễn đàn.

Tại diễn đàn, đại diện Hội Nông dân thành phố cho hay: Các cấp Hội Nông dân thành phố đã vận động, hướng dẫn nông dân phát triển mô hình kinh tế tập thể sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn chất lượng. Đến nay, đã có 28 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu tập thể do Hội Nông dân các cấp là chủ sở hữu nhãn hiệu; 8 sản phẩm khác được UBND thành phố có quyết định cho phép sử dụng địa danh để đặt nhãn hiệu tập thể và giao Hội Nông dân làm chủ sở hữu nhãn hiệu.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vấn đề bảo đảm sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng an toàn vì sức khỏe cộng đồng còn nhiều hạn chế. Hiện tượng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật quá liều trong cây trồng… vẫn diễn ra. 

Tham luận tại diễn đàn, ông Trương Việt Anh, Hội Nông dân xã Thanh Văn (huyện Thanh Oai) đưa ra những kinh nghiệm, sáng kiến của địa phương trong việc thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng là đi đôi với xây dựng các mô hình trang trại sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ thì chính quyền địa phương cương quyết xử lý mạnh cá nhân, tập thể sử dụng chất cấm trong sản xuất và chăn nuôi như xử phạt theo quy định của pháp luật, công bố công khai danh sách, địa chỉ để người tiêu dùng tẩy chay…

Tương tự, bà Nguyễn Như Hằng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cao Dương kiến nghị, đối với cá nhân, tập thể sản xuất, kinh doanh cần kiểm tra chéo, nêu cao vai trò hội đoàn thể địa phương nhằm giám sát, phát hiện, ngăn chặn kịp thời ngay từ cơ sở.

atvs-tp-hnd.jpg
Đại biểu tham quan gian hàng nông sản thực phẩm an toàn tại thị trấn Kim Bài (huyện Thanh Oai).

Còn ông Đỗ Xuân Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cao Viên hiến kế: Hội Nông dân thành phố và ngành Nông nghiệp cần có chính sách hỗ trợ hơn nữa cho các mô hình nông nghiệp xanh, tuần hoàn; đồng thời tuyên truyền vận động người tiêu dùng nhận diện đúng nông sản thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Tại diễn đàn, Bí thư huyện ủy Thanh Oai Bùi Hoàng Phan nhấn mạnh, trên địa bàn còn nhiều chợ cóc, chợ tạm, hàng rong nên việc kiểm soát chất lượng, nguồn gốc nông sản thực phẩm còn nhiều khó khăn. Để không còn tình trạng sản xuất phân biệt giữa để ăn và để bán, kiểu “rau hai luống, lợn hai chuồng”, huyện Thanh Oai tiếp tục dành nguồn lực đầu tư cho các mô hình nông sản an toàn, chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát... nhằm phát hiện, xử lý kịp thời trường hợp vi phạm. Mặt khác, huyện mở các lớp tuyên truyền quy định của pháp luật liên quan đến sản xuất nông sản thực phẩm an toàn để người dân nắm được; những trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý hình sự theo quy định... 

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội Lê Thị Thanh Nhàn cho hay, thời gian tới, các cấp Hội và cán bộ, hội viên nông dân Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất, từ chú trọng sản lượng sang chú trọng chất lượng và giá trị... Ngành Nông nghiệp tiếp tục chủ động tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị để hỗ trợ chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ; đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động “Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, tiêu dùng và bán ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp an toàn"...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân Hà Nội hiến kế không “rau hai luống, lợn hai chuồng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.