(HNM) - Trong hai ngày liên tiếp 15 và 16-5, nhiệt độ cao nhất ở Hà Nội là 39 độ C - theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc bộ. Trên thực tế, nhiệt độ đo tại trạm Láng hai ngày này đạt 40 độ C, các nơi khác phổ biến ở mức 39-40 độ C.
Hà Nội trải qua những ngày nóng kỷ lục trong suốt 30 năm qua, chỉ thấp hơn năm nóng kỷ lục 1983 có 0,1 độ C. Tuy nhiên, đây mới là nhiệt độ đo trong lều khí tượng. Ngoài trời, nhiều nơi còn nóng hơn 2-3 độ C; đặc biệt, nơi ít cây xanh và khu vực có mật độ xây dựng cao, nhiệt độ lên tới 44-45 độ C. Điển hình, có thể kể đến Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, khu vực Kim Liên, Khu tái định cư Nam Trung Yên, các tuyến đường Giải Phóng, Phạm Hùng... Có mặt ở những khu vực này quãng thời gian từ 12h đến 14h chiều, không ai có thể chịu nổi khi hơi nóng hầm hập bủa vây như "lò bát quái". Tuy nhiên, những khu vực khác như Khu đô thị Linh Đàm, Định Công... với nhiều cây xanh, hồ nước, thời tiết dễ chịu hẳn.
Trời nóng là do tự nhiên nhưng tại sao cùng thời điểm, nơi quá oi ả, nơi lại dễ chịu hơn rất nhiều. Câu trả lời nằm ở chỗ quy hoạch có... lỗi. Tại những khu vực như Kim Liên, Trung Hòa - Nhân Chính... mật độ cây xanh cực thấp. Hầu hết mặt bằng bị chủ đầu tư tận dụng để chồng tầng (chung cư), xây liền kề, biệt thự...
Giữa một "rừng bê tông" như thế, trời nóng lại càng nóng cũng là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, có thể kể đến một nguyên nhân khác: Trong những năm qua, hàng loạt "lá phổi tự nhiên" - hệ thống ao hồ - của thành phố hoặc bị thu hẹp hoặc bị "tiêu diệt" bởi lấn chiếm, san lấp... phục vụ các mục đích khác nhau. Hậu quả thấy rõ: Người già đổ bệnh, trẻ con nhập viện, thậm chí ngay cả người trẻ khỏe cũng "nóng trong người".
Trong Thông tư hướng dẫn về nội dung Thiết kế đô thị của Bộ Xây dựng (ban hành ngày 13-5-2013), cây xanh, mặt nước là những yếu tố được đặc biệt chú trọng. Không gian xanh của đô thị bao gồm hành lang xanh, vành đai xanh, công viên hoặc rừng tự nhiên, nhân tạo trong đô thị; để bảo đảm không gian mặt nước, cần bảo tồn, khai thác, phát huy cảnh quan tự nhiên, đồng thời xây dựng các hồ nước nhân tạo bổ sung (Điều 5). Tương tự, quan điểm của TP Hà Nội là xây dựng Thủ đô theo hướng đô thị xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại. Tại các nước phát triển, không gian cây xanh, mặt nước được triệt để tận dụng. Thậm chí, ngay trong khu vực, nhiều nước như Singapore, Thái Lan... đã phải nghiên cứu, phát triển không gian xanh theo chiều đứng để giảm thiểu cái nóng... song trớ trêu thay, ở ta, điều này không mấy được chú trọng. Quy hoạch, đặc biệt là tại các khu đô thị mới, dường như "bỏ quên" yếu tố này. Trong khi đó, theo Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, trong những năm tới, Châu Á, trong đó có Việt Nam, sẽ trải qua những thời gian nóng hơn rất nhiều hiện tại.
Vậy thì tại sao cái lỗi trong công tác quy hoạch từng khu, phân khu nói riêng và đô thị nói chung, lại không được chú ý?
Hà Nội từng tự hào là đô thị có mật độ cây xanh cao hàng đầu khu vực Châu Á. Tiếc thay, giờ đây điều này không còn nữa. Đáng tiếc hơn, sai sót trong quy hoạch của Hà Nội lại đang là tình trạng khá phổ biến ở các thành phố lớn, nhỏ trong cả nước như ở TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ... với hàng loạt khu hành chính, khu dân cư mới thưa thớt màu xanh, vắng bóng không gian mặt nước.
Muộn còn hơn không. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần nghiên cứu chỉnh sửa bổ sung quy hoạch phát triển đô thị với một quy hoạch bài bản đồng bộ, để người dân được sống trong một môi trường xanh, sạch đẹp và an toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.