(HNMĐT) - Chiều nay 1-12, QH tiếp tục buổi chất vấn và trả lời chất vấn thứ tư tại Hội trường với Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển. Các vấn đề về tiêu cực trong phân bổ quota dệt may; tình hình lạm phát giá cả và giải pháp khắc phục; việc xây dựng chợ đầu mối chưa có hiệu quả... được Bộ trưởng nêu lên trong buổi chất vấn chiều nay.
Bộ trưởng Trương Đình Tuyển đang giải trình |
(HNMĐT)
- Chiều nay 1-12, QH tiếp tục buổi chất vấn và trả lời chất vấn thứ tư tại Hội trường với Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển. Các vấn đề về tiêu cực trong phân bổ quota dệt may; tình hình lạm phát giá cả và giải pháp khắc phục; việc xây dựng chợ đầu mối chưa có hiệu quả... được Bộ trưởng nêu lên trong buổi chất vấn chiều nay.Tiền, quan hệ bẻ cong cơ chế phân bố quota !
Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển tập trung giải trình 2 nội dung chính. Đó là vụ tiêu cực trong phân bổ quota dệt may và trách nhiệm của Bộ trưởng cũng như tình hình lạm phát giá cả năm 2004 và giải pháp khắc phục.
Về vụ tiêu cực, sai phạm trong phân bổ quota dệt may, quy mô và tính chất còn chờ kết luận cơ quan điều tra nhưng nói chung thuộc 2 nhóm chính: cố tình phân phối sai quy định để nhận hối lộ và lạm dụng quyền hạn. Về cá nhân, ông Tuyển khẳng định, mình sẽ chịu trách nhiệm về sai phạm thuộc Bộ mình mặc dù không trực tiếp gây ra. Ông than phiền ngành thương mại gặp rất nhiều khó khăn vào thời điểm tháng 9/2002 khi kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động, Hoa Kỳ áp đặt mức thuế chống bán phá giá cá basa và tôm đối với Việt Nam.
Riêng về dệt may, năm 2003 cũng có nhiều chuyển đổi lớn. Hiệp định dệt may với EU hết hiệu lực, buộc phải đàm phán hết sức gay go và phức tạp với phía bạn trong khi Hoa Kỳ yêu cầu nước ta phải đàm phán hiệp định về hạn ngạch sau 1 năm tự do xuất khẩu thương mại. Từ đó, vấn đề đặt ra là phải phân phối quota rất nhanh, nếu không sẽ gây ra những hiệu ứng tác động dây chuyền tiêu cực. Dệt may là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, sử dụng nhiều lao động nên việc tìm ra tiêu chí phân bổ quota hợp lý là cần thiết.
Số doanh nghiệp đăng ký phân bổ là rất lớn, lại trong thời gian ngắn nên việc phân bổ là khó khăn. Trong bối cảnh đó, tỷ lệ xuất khẩu vào Hoa Kỳ là trên 60%, đòi hỏi bộ máy làm việc lớn và căng thẳng. Bộ trưởng yêu cầu rõ ràng phải công bố công khai trên mạng nhưng lại không thể kiểm soát được tình hình. Tháng 4/2004, Bộ ra lệnh kiểm tra khâu phân phối quota để đảm bảo tính minh bạch, công khai. Nhưng do doanh nghiệp tư nhân có tiền, có mối quan hệ nên việc sai phạm trong quota là khó tránh khỏi.
Thái độ của ông Bộ trưởng là nghiêm khắc, không thể sống chung với vi phạm mà cần rút ra bài học từ đó. Đó là chưa tìm ra cơ chế, lập ra tổ giám sát song hành với tổ phân phối trực thuộc Bộ trưởng. Mặt khác, cần nghiêm túc cải cách quy trình hành chính cũ để thích ứng với tình hình mới. Khi vi phạm xảy ra, với khối lượng công việc nhiều như vậy nên các thứ trưởng đều từ chối, không nhận bàn giao công việc của cựu thứ trưởng Mai Văn Dâu. Ông Tuyến một lần nữa khẳng định là riêng cá nhân minh không có bất kỳ một sai phạm nào.
Về tình trạng lạm phát giá cả thời gian qua, theo nhìn nhận của ông Bộ trưởng, 11 tháng qua, chỉ số giá tiêu dùng tăng 8,8%, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống ở những mức độ khác nhau. Mức sống nước ta thấp, cơ cấu tiêu dùng chủ yếu là lương thực và thực phẩm trong khi mức tăng lại tập trung chủ yếu ở hai lĩnh vực này. Đó là các nhóm hàng thực phẩm tăng 16,3%, lương thực 13,1%, phương tiện vận tải 5,5%... Chỉ riêng mặt hàng thực phẩm, nguyên nhân quan trọng là do dịch cúm gà làm chết 24 triệu con gà và từ đó, thịt gà trở nên khan hiêm. Trong khi đó, thịt gà chiếm 17% cơ cấu thực phẩm. Khi giá thịt gà tăng sẽ tăng tới các loại thịt khác. Chính phủ đã chi 270 tỷ để khôi phục đàn gà, góp phần hạn chế mức tăng giá thực phẩm. Quan trọng là Chính phủ phải giải quyết mâu thuẫn, tìm ra điểm cân bằng hợp lý, vừa có lợi cho nông dân, vừa không đẩy tỷ giá tiếp tục lên cao. Thị trường trong nước hiện phụ thuộc vào giá xuất khẩu thị trường thế giới và lượng xuất khẩu.
Ngay sau đó, các đại biểu bắt đầu chất vấn Bộ trưởng:
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết
* Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái): Xin Bộ trưởng cho biết hướng khắc phục việc sử dụng các chợ đầu mối hoạt động không hiệu quả ? Tại sao Bộ trưởng đưa ra nhiều biện pháp như cải cách hành chính, công bố thông tin trên mạng...nhưng hiệu quả không cao ? Trách nhiệm của Bộ trưởng đối với những sai phạm trên cụ thể ra sao ?
Bộ trưởng Trương Đình Tuyến: Bộ đã có báo cáo cụ thể thống kê số lượng chợ đầu mối không hiệu quả. Dù chợ này do địa phương đầu tư nhưng Bộ vẫn phải chịu một phần trách nhiệm. Nhưng ông cũng cho rằng, khả năng khắc phục việc không hiệu quả này hoàn toàn có thể như dự án khác vì chỉ cần tác động, thuyết phục đến tập quán, tâm lý người dân. Bộ cũng đề nghị Thành phố dành cho TCty Dệt may chuyển đổi chợ đầu mối nông sản Bắc Thăng Long thành chợ nguyên liệu. Về trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng, ông cho biết mình đã có báo cáo kiểm điểm gửi Bộ Chính trị và cho rằng nếu Quốc hội kiểm điểm trách nhiệm thì sẵn sàng chịu trách nhiệm.
Đại biểu HLuôc NTơr
Trả lời câu hỏi của đại biểu HLuôc NTơr, Bộ trưởng Bộ Thương Mại Trương Đình Tuyển cho rằng trước đó Bộ trưởng đã nghe dư luận về chuyện có tiêu cực trong việc phân bổ hạn ngach (quota) dệt may, và từ năm 2003 Bộ trưởng đã định cho tiến hành thanh tra,nhưng do Bộ bận nhiều việc nên chưa làm được. Bản thân cơ chế phân bổ hạn ngạch dệt may là cơ chế xin - cho, và theo Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, tự cơ chế này sẽ sinh sinh ra tiêu cực. Về quan điểm xử lý các quan chức vi phạm trong Bộ Thương Mại, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển tỏ thái độ dứt khoát và thẳng thắn nếu tìm đủ chứng cứ tham nhũng, ăn hối lộ, và bản thân Bộ trưởng không e ngại hay cả nể gì. Bộ trưởng Bộ Thương mại cũng đã thừa nhận rằng, đây là một bài học đau đớn cho Bộ và rất cần có sự giám sát thêm của người dân và cá cơ quan chức năng. Về vấn đề giá cả đầu vào cho các vật tư nông nghiệp liên tục tăng, ảnh hưởng tới đời sống nhân dân, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cho rằng đây là một vấn đề khó vì giá cả này phụ thuộc vào giá cả thế giới... Đại biểu Neáng Kim Cheng * Đại biểu Neáng Kim Cheng hỏi: Có nhận định cho rằng, việc tăng giá chỉ một phần là do giá thế giới tăng, còn chủ yếu do công tác dự báo, phân tích giá, khiến các công ty thao túng thị trường, làm tăng giá. Xin Bộ trưởng cho biết nhận định này là đúng hay sai và đây có phải là nguyên nhân gây tăng giá?
Trước chất vấn của đại biểu Neáng Kim Cheng, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cho biết, việc biến động giá một số mặt hàng như lương thực, sắt thép chủ yếu do nguyên nhân thị trường thế giới tăng giá, tuy nhiên cũng có những nguyên nhân chủ quan thuộc về chỉ đạo, điều hành và tổ chức hệ thống phân phối. Bộ trưởng thừa nhận có những yếu kém trong quản lý, điều hành, đặc biệt là những yếu kém tồn tại từ lâu. Chính những yếu kém này đã làm cho tình hình biến động giá trở nên phức tạp thêm. Nhưng Bộ trưởng cũng khẳng định, ngay cả khi ta tổ chức hệ thống phân phối tốt thì cũng không thể nào giữ được việc tăng giá thép, giá tăng là theo giá thế giới.
Năm 2003, Bộ Thương mại nhận thấy có nguy cơ giá dầu tăng, nếu không tổ chức lại hệ thống quản lý sẽ không thể đối phó được với các biến động. Chính vì vậy, trong năm này, Bộ đã tập trung củng cố hệ thống quản lý, Chính phủ cũng thông qua quyết định mới về quản lý xăng dầu, tạo điều kiện khống chế giá mặt hàng này tốt hơn. Theo Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, khi hàng hoá tăng giá trước những biến động của thị trường thế giới, Chính phủ không thể quy định lại giá tràn lan theo những biến động đó được, trong nền kinh tế thị trường, giá cả phải được điều tiết theo thị trường. Ta có thể quản lý giá với một số mặt hàng nhưng không thể mở rộng diện quy định giá. Ông Lê Quốc Dũng * Đại biểu Lê Quốc Dũng (Thái Bình) cho rằng một số giải trình của Bộ trưởng Trương Đình Tuyển chưa thỏa đáng nên yêu cầu trả lời lại về hai vấn đề: Thời gian gần đây, giá cả tăng nhanh ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là khu vực miền núi và nông thôn. Với những người sống bằng đồng lương thì đã có lương tăng bù đắp lại, nhưng với người nông dân thì khó khăn hơn nhiều. Hiện nay giá cả, phân bón... tăng gấp 2 lần, trong khi giá thóc chỉ tăng 1,5 lần, có nghĩa là sản phẩm bị lỗ vốn, dẫn đến tình trạng tăng nhanh khoảng cách chênh lệch về thu nhập, chất lượng sống giữa vùng nông thôn và đô thị. Vậy chính sách của Bộ Thương mại đối với người dân vùng nông nghiệp nông thôn như thế nào?Câu hỏi thứ hai là Bộ trưởng cho rằng giá cả trong nước tăng là do biến động giá cả của thế giới, nhưng có yếu tố tác động của trong nước không? Bộ đã tổ chức lại hệ thống phân phối của các nhà phân phối trong nước ra sao để làm giảm chi phí lưu thông, hạ giá thành?
Bộ trưởng Trương Đình Tuyển đang trả lời chất vấn.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa
Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Khi đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, có một thực tế là các nước vào trước luôn áp đặt điều kiện đối với các nước vào sau. Đó là sự bất bình đẳng. Một mặt, nước ta phải đấu tranh để có lộ trình hợp lý, mặt khác phải chấp nhận thực tế đó. Do vậy, nếu các doanh nghiệp tuyển dụng những nhà quản lý có tài, có trình độ thì việc gia nhập WTO là hoàn toàn khả thi.
Ông Huỳnh Văn Chính
Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Việc phân bổ hạn ngạch cần phải dựa theo thành tích xuất khẩu của chính doanh nghiệp. Giải pháp cho chuyển nhượng quota lẫn nhau giữa các doanh nghiệp là tất yếu mặc dù Chính phủ đã có văn bản cấm. Trước tình hình đó, Bộ đã có văn bản cho phép các doanh nghiệp có thể cho vay quota. Thời gian tới, cần thúc đẩy giải pháp này để tránh tình trạng khê đọng hạn ngạch. Nếu xảy ra việc mua bán quota thì Bộ sẽ kiên quyết xử lý. Doanh nghiệp muốn tham gia triển lãm ở nước ngoài phải có giấy phép đăng ký kinh doanh triển lãm. Thường xảy ra tình trạng các doanh nghiệp không đủ điều kiện nhưng vẫn đươc phép đưa doanh nghiệp đi nước ngoài. Đây là trách nhiệm của các địa phương không theo dõi sát sao, quản lý chặt chẽ doanh nghiệp từ cơ sở.
Ngày mai theo dự kiến, QH tiếp tục phiên chất vấn tại Hội trường với phần trả lời của thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải. HNMĐT sẽ tiếp tục tường thuật ngày chất vấn và trả lời chất vấn quan trọng và cuối cùng này đến bạn đọc.
Nhóm PV Thời sự - Chính trị HNMĐT
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.