Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nội thành hỗ trợ ngoại thành xây dựng nông thôn mới: Giúp nhau cùng phát triển

Nguyễn Mai| 22/04/2022 06:13

(HNM) - Với tinh thần "nội thành hỗ trợ ngoại thành", những năm qua, các quận thuộc thành phố Hà Nội đã ủng hộ các huyện, thị xã (gọi chung là huyện) hàng trăm tỷ đồng để thực hiện các công trình, dự án xây dựng nông thôn mới. Thời điểm hiện tại, cùng với việc tiếp tục hỗ trợ nguồn lực cho các huyện để nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới, các quận mong muốn mở rộng hợp tác, liên kết với các huyện trên nhiều lĩnh vực nhằm khai thác lợi thế của mỗi địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…

Năm 2021 và quý I-2022, 9 quận của thành phố Hà Nội đã hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí là 386,3 tỷ đồng. Trong ảnh: Diện mạo làng quê khang trang, sạch đẹp tại xã Viên An (huyện Ứng Hòa). Ảnh: Nguyễn Quang

Hiệu quả từ nguồn vốn hỗ trợ

Trường Tiểu học Tảo Dương Văn (xã Tảo Dương Văn, huyện Ứng Hòa) đã được khởi công xây dựng theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia. Chủ tịch UBND xã Tảo Dương Văn Đỗ Văn Chiến cho biết: Toàn bộ số vốn đầu tư xây dựng ngôi trường lên tới 35,8 tỷ đồng do quận Tây Hồ hỗ trợ với tinh thần nội thành hỗ trợ ngoại thành xây dựng nông thôn mới. Dự kiến năm 2023, ngôi trường sẽ được đưa vào hoạt động, không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn giúp xã Tảo Dương Văn củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Thực tế, nguồn vốn đầu tư cho các tiêu chí hạ tầng luôn là “bài toán” nan giải với các huyện, đặc biệt với những huyện xa trung tâm thành phố còn nhiều khó khăn. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trương Anh Tuấn, trong giai đoạn 2016-2020, huyện Mỹ Đức đã được các quận: Long Biên, Ba Đình, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Hà Đông hỗ trợ tổng kinh phí 87,5 tỷ đồng để đầu tư xây dựng trường học, nhà văn hóa... Năm 2021, huyện tiếp tục nhận được 50 tỷ đồng do hai quận Hoàn Kiếm và Tây Hồ hỗ trợ để xây dựng 2 trường mầm non ở xã Bột Xuyên và xã Hợp Tiến… Nguồn vốn đầu tư của các quận giúp Mỹ Đức hoàn thành xây dựng nông thôn mới tại 21/21 xã.

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, tính riêng năm 2021 và quý I-2022, có 9 quận đã hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí là 386,3 tỷ đồng. Trong đó, quận Tây Hồ hỗ trợ 175,8 tỷ đồng, quận Thanh Xuân 75 tỷ đồng, quận Ba Đình 57 tỷ đồng, quận Hoàn Kiếm 31,9 tỷ đồng...

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí nhận định: Nguồn vốn hỗ trợ của các quận đã tiếp thêm sức mạnh để các xã nghèo đủ lực hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đến nay, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 47 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…

Năm 2022, thành phố giao chỉ tiêu cho các địa phương có thêm 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tuy nhiên, các huyện, thị xã đã đăng ký thêm 58 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Bên cạnh nguồn vốn của thành phố, vốn của các huyện, rất cần sự tiếp tục chung sức của các quận.

Một số quận của thành phố Hà Nội mong muốn liên kết với các huyện để tạo liên kết chuỗi trong việc tiêu thụ đặc sản, nông sản sạch. Trong ảnh: Chăm sóc dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao, xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Trọng Hiếu

Hợp tác để cùng phát triển

Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều cho biết, năm 2022, huyện phấn đấu hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới. Để thực hiện mục tiêu này, vấn đề quan tâm nhất hiện nay là nguồn lực đầu tư để hoàn thành các tiêu chí về cơ sở hạ tầng. Trong quý I-2022, huyện Mỹ Đức tiếp tục được quận Hà Đông hỗ trợ 2,5 tỷ đồng để xây 2 nhà văn hóa tại thôn Áng Hạ (xã Lê Thanh) và thôn Phúc Lâm Trung (xã Phúc Lâm).

Thời gian qua, Tây Hồ là quận đã bố trí nguồn kinh phí tương đối lớn để hỗ trợ các huyện. Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến thông tin, giai đoạn 2016-2020, quận đã hỗ trợ các huyện 105,8 tỷ đồng; giai đoạn 2021-2025, quận Tây Hồ dự kiến tiếp tục hỗ trợ các huyện khoảng 160 tỷ đồng.

Không chỉ hỗ trợ các huyện về nguồn vốn, nhiều quận đang mở rộng hợp tác, liên kết với các huyện để khai thác lợi thế của mỗi địa phương. Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho hay, trên địa bàn quận có rất nhiều phố nghề; các hoạt động du lịch, thương mại rất phát triển… Hoàn Kiếm mong muốn phối hợp với các huyện để lựa chọn sản phẩm làng nghề đặc sắc, quảng bá, giới thiệu đến du khách, tạo thêm sản phẩm phát triển du lịch; đồng thời đưa khách du lịch lưu trú trên địa bàn tham quan, trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn Hà Nội.

Ngoài ra, một số quận cũng mong muốn liên kết với các huyện tạo mối liên kết chuỗi trong việc tiêu thụ nông sản, đặc biệt là các mặt hàng nông sản đặc sản, nông sản sạch…

Khẳng định ý nghĩa của việc hợp tác, liên kết giữa nội thành và ngoại thành, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 - CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” sớm tổ chức phát động phong trào các quận ủng hộ các huyện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Kết luận tại hội nghị giao ban quý I-2022 Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Nguyễn Thị Tuyến đã đề nghị các quận tiếp tục hỗ trợ các huyện, đặc biệt là các huyện còn nhiều khó khăn như: Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa và các huyện phấn đấu hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới năm 2022; tăng cường kết nối với các huyện, thị xã vì mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nội thành hỗ trợ ngoại thành xây dựng nông thôn mới: Giúp nhau cùng phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.