(HNM) - Căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ với một loạt quốc gia trên thế giới - nhất là các đồng minh phương Tây do bê bối nghe lén điện thoại chưa kịp lắng thì mối quan hệ giữa hai quốc gia đồng minh là Australia và Indonesia cũng đứng trước những cơn sóng gió vì nguyên nhân tương tự.
Căng thẳng bùng phát sau khi các tài liệu do tập đoàn truyền thông ABC (Australia) và tờ The Guardian (Anh) thu thập từ cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden được công bố (18-11). Theo đó, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, phu nhân và 9 quan chức cấp cao của đất nước Vạn đảo là "mục tiêu" bị theo dõi và đây được xem là một phần trong chiến dịch được Australia và Mỹ phối hợp để do thám Indonesia nhân cuộc họp về khí hậu do Liên hiệp quốc tổ chức tại Bali năm 2007.
Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono và phu nhân là mục tiêu theo dõi điện thoại của Australia. |
Không chỉ Cơ quan tình báo Australia tìm cách nghe lén các cuộc điện đàm, các tài liệu mật còn tiết lộ Cục Tín hiệu Quốc phòng - một cơ quan tình báo điện tử của Australia cũng nghe lén các cuộc điện đàm trên di động của Tổng thống S.B.Yudhoyono trong 15 ngày hồi tháng 8-2009 dưới thời cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd. Thật ngạc nhiên khi trong danh sách mục tiêu được Australia "quan tâm" còn có Phó Tổng thống Indonesia Boediono - người vừa tới Australia tuần trước, cựu Phó Tổng thống Yussuf Kalla, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng An ninh và Bộ trưởng Thông tin Indonesia...
Tiết lộ chấn động trên được công bố trong bối cảnh quan hệ song phương giữa hai nước đồng minh chiến lược đang căng thẳng xung quanh những cáo buộc do thám trước đó cũng như những rắc rối về vấn đề di cư bất hợp pháp bằng tàu thuyền tới Australia qua đường Indonesia. Sau khi vụ nghe lén bí mật "lộ sáng", ngay lập tức Tổng thống S.B.Yudhoyono đã triệu hồi đại sứ tại Canberra về nước; đồng thời cảnh báo quan hệ song phương giữa hai nước có thể bị tổn hại. Trong phát biểu mới nhất ngày 20-11, được truyền hình cả nước, Tổng thống S.B.Yudhoyono tuyên bố nước này đã ngừng hợp tác về quân sự và tình báo với Australia, trong đó gồm cả vấn đề về người tìm kiếm tị nạn. Nhà lãnh đạo Indonesia một lần nữa yêu cầu Chính phủ Australia chính thức giải thích về những thông tin truyền thông trích dẫn từ tài liệu do cựu nhân viên tình báo Snowden tiết lộ.
Tuy nhiên, các đảng đối lập tại Indonesia không hài lòng với việc Tổng thống S.B.Yudhoyono chỉ triệu đại sứ Australia tại Jakarta để chất vấn, họ thúc giục Chính phủ phản ứng mạnh mẽ hơn như trục xuất đại sứ Australia để chứng tỏ Indonesia là đất nước có chủ quyền. Cho rằng Australia đã hành động thiếu khôn ngoan, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa trong một phát biểu với báo giới khẳng định, Jakarta đang xét lại các chương trình trao đổi thông tin giữa hai nước trong mục tiêu bài trừ khủng bố. Theo ông Marty, vụ việc này sẽ dẫn tới những "hậu quả nghiêm trọng" trong quan hệ song phương.
Vụ bê bối nghe lén đang không chỉ làm "nóng" nghị trường hai nước mà còn được các phương tiện thông tin đại chúng của Indonesia và Australia quan tâm nhiều ngày qua. Một số tờ báo của Indonesia cho rằng, việc Australia cho theo dõi đường dây điện thoại cá nhân của Tổng thống S.B.Yudhoyono và đệ nhất phu nhân đã vượt quá giới hạn. Một số tờ báo của Australia bình luận rằng, một loạt động thái của Indonesia vừa qua cho thấy sự đi xuống nghiêm trọng trong mối quan hệ hai nước và có thể là điềm báo cho những rắc rối khác như những tiết lộ của Snowden từng gây ra.
Điệp vụ không dây tại Indonesia chỉ là một trong chuỗi sự kiện xảy ra thời gian qua do các tài liệu rò rỉ từ cựu nhân viên tình báo Snowden, người được Nga cho tị nạn tạm thời, trong khi Mỹ đang truy bắt gắt gao do tiết lộ bí mật quốc gia. Một số chuyên gia phân tích cho rằng, nghe lén điện thoại không còn là điều mới lạ, nhưng hành động của Australia với một đồng minh chiến lược như Indonesia quả là đáng tiếc. Hệ lụy của vụ việc có thể khiến Thủ tướng Abbott gặp khó khăn trong nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận thương mại tự do với Indonesia. Bên cạnh đó, Chính phủ Australia còn cần sự giúp đỡ của Jakarta trong ngăn chặn tàu thuyền chở người tị nạn đến nước này.
Sau một loạt động thái của Indonesia, Thủ tướng Abbott bày tỏ "lấy làm tiếc" trước thông tin Tổng thống S.B.Yudhoyono và các quan chức cấp cao nước này bị nghe lén điện thoại. Nhưng, Thủ tướng Abbott nhấn mạnh "Australia không thể nói lời xin lỗi vì những nỗ lực bảo vệ đất nước" mà thay vào đó là cam kết sẽ không có hành động hoặc những phát ngôn gây tổn hại quan hệ song phương đang được cải thiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.