(HNM) - Nước sạch phập phù, lúc có lúc không và mất nước thường không… hẹn trước để người dân có kế hoạch dự phòng là tình trạng chung của nhiều khu chung cư cao tầng ngay giữa Thủ đô Hà Nội. Nhìn bề ngoài những tòa chung cư đẹp, hiện đại, ít ai có thể ngờ rằng, mặc dù mùa đông đã đến, cao điểm thiếu nước đã qua,
Thiếu nước sạch là vấn đề mà cư dân tại nhiều chung cư đang phải đối mặt. Trong ảnh: Chung cư B4 Kim Liên, quận Đống Đa. Ảnh: Anh Tuấn |
Mùa đông vẫn khổ
Nhà B4 Kim Liên, tọa lạc ở vị trí khá đẹp tại quận Đống Đa, song cư dân nhiều tháng nay phải sống chung với cảnh nước sạch phập phù, lúc có lúc không. Ông Nguyễn Sỹ Cương (tầng 16, nhà B4) cho biết: Tình trạng thiếu nước sạch đã kéo dài từ khoảng tháng 4-2015 đến nay. Theo thông tin từ bộ phận kỹ thuật của tòa nhà, nguyên nhân là nguồn cấp nước cho tòa nhà không đủ, phải bơm rất nhiều lần trong ngày. Thế nhưng trên thực tế, bất cứ tòa nhà cao tầng nào khi thiết kế cũng phải tính đến nguồn nước cấp bảo đảm nhu cầu sử dụng của cư dân cũng như nước dự trữ khi xảy ra sự cố mất nước và phục vụ cứu hỏa. “Tại nhà B4, nước mất là mất luôn, người dân không được báo trước. Máy giặt là phương tiện thiết yếu, gia đình nào cũng có nhưng hầu như để không, bởi nước cấp cho các hộ gia đình chảy quá yếu, không thể sử dụng được. Thậm chí, chất lượng nước cũng chưa bảo đảm. Hầu hết các gia đình phải mua máy lọc nước để có nước sạch ăn uống hằng ngày” - ông Nguyễn Sỹ Cương nói.
Bà Trần Thị Thanh (phòng 701, tháp số 1, nhà B4 Kim Liên) chia sẻ, nước tuy không cắt hẳn nhưng chỉ có theo giờ. Những hộ ở tầng cao rất bất tiện bởi không có nước tắm giặt và sinh hoạt. Vào mùa hè, nhiều người phải tắm ở cơ quan hoặc nhờ người thân. Nhà nào cũng sắm thêm thùng nhựa vài trăm lít để trữ nước. Khi trữ nước mới phát hiện, khi để lắng nước có cặn bẩn, chất lượng nước chưa sạch như mong muốn của người dân.
Theo phản ánh của người dân, các khu vực lân cận nhà B4 Kim Liên như nhà B3, B5, B10, B16… việc cấp nước cũng trong tình trạng tương tự. “Điện và nước là hai nhu cầu thiết yếu hằng ngày. Nước cấp không đủ dùng trong khi giá nước sạch trong khu chung cư khá cao là chưa thực sự công bằng” - ông Nguyễn Xuân Chi (phòng 505, tháp số 2, nhà B4 Kim Liên) bức xúc.
Đi tìm nguyên nhân
Ông Nguyễn Xuân Giang, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển dịch vụ và Thương mại Sông Hồng, Trưởng ban Quản lý tòa nhà cho biết: Nhà B4 hiện có 256 hộ dân, với 2 bể chứa ngầm có tổng dung tích 500m3, 8 bể chứa mái có tổng dung tích 200m3. Khoảng hơn 2 tháng trở lại đây, nguồn cấp nước từ hệ thống thành phố cho tòa nhà ít đi dẫn đến tình trạng thiếu nước. Mỗi ngày thường xảy ra mất nước 2-3 giờ đồng hồ. Để khắc phục, bộ phận kỹ thuật của tòa nhà đã trực đêm để bơm nước phục vụ người dân. Ngày 26-10, Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Đống Đa và Ban Quản lý tòa nhà B4 Kim Liên đã kiểm tra lưu lượng cấp nước sạch cho nhà B4 và phát hiện một số bất cập như cốt ống lên đến miệng bể chứa ngầm chênh 1,2m, gây tổn thất áp lực nước vào bể; đồng thời, sử dụng đồng hồ D50, trung bình lưu lượng nước qua đồng hồ khoảng 150m3/ngày đêm. Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Đống Đa và Ban Quản lý thống nhất biện pháp hạ cốt ống cấp nước vào bể ngầm và thay đồng hồ nước mới; yêu cầu Ban Quản lý tòa nhà thường xuyên kiểm tra hệ thống cấp nước sau đồng hồ, thau rửa bể chứa định kỳ để bảo đảm vệ sinh nguồn nước. Sau những giải pháp cấp thiết này, đến nay, hệ thống bể nước ngầm đã đủ cho chạy bơm cấp lên bể mái. Nhưng với 8 bể mái hiện có, tổng dung tích là 200m3, trong khi nhu cầu sử dụng nước của 256 hộ dân ước tính khoảng... 250m3/ngày đêm!
Ở bình diện chung, câu chuyện bất cập về cấp nước không chỉ là cá biệt đối với riêng một khu đô thị có nhiều nhà cao tầng nào. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tổng lượng nước từ các nhà máy nước tập trung cung cấp cho khu vực đô thị của thành phố hiện là 960.000m3/ngày đêm, cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng trong mùa thấp điểm. Tuy nhiên, một số khu vực, nhất là chung cư cao tầng, do bất cập về thiết kế kỹ thuật nên lưu lượng nước vào bể ngầm không đủ phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân.
Nhận xét về việc thiết kế các tòa nhà chung cư cao tầng, trong đó có hệ thống cấp nước sạch, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, khi thiết kế các tòa nhà cao tầng, chủ đầu tư thường vẽ ra nhiều viễn cảnh, song khi thực hiện, nhiều hạng mục không đúng với thiết kế ban đầu và không hướng đến nhu cầu sử dụng của cư dân. Chính điều này đã gây ra những bất cập khi các chung cư cao tầng này đi vào sử dụng. Để khắc phục tình trạng này, cần có một bộ phận giám sát chặt chẽ từ khâu thiết kế đến thi công, bảo đảm các chung cư được xây dựng đúng như phê duyệt.
Mặt khác, câu chuyện về nước sạch cho khu đô thị có nhiều nhà cao tầng, nhất là khi lại được hình thành từ cái nền những khu tập thể cũ đòi hỏi phải được đánh giá và giải quyết một cách tổng thể. Nếu chỉ tính riêng về việc bảo đảm lợi nhuận để thu hút đầu tư các khu đất vàng, rất có thể sẽ tạo ra bất cập trong quản lý đô thị, khi nhiều nhà cao tầng được cấp phép xây dựng trong nội đô, dẫn đến chất tải hạ tầng kỹ thuật - xã hội. Ngay cả khi hạ tầng khung được bảo đảm, thì việc kết nối từ mỗi công trình với nguồn cung - cũng cần phải tính toán trên cơ sở khoa học, thỏa mãn những nhu cầu cần thiết. Nói cách khác, giải quyết tận gốc vấn đề phải từ khâu quy hoạch; hạ tầng kỹ thuật phải bảo đảm "sức tải" cho nhu cầu cuộc sống mới cấp phép xây dựng; bảo đảm xây dựng đúng với quy hoạch được duyệt, hạn chế việc điều chỉnh quy hoạch cho tăng chiều cao công trình. Chỉ có vậy, mới chấm dứt được nỗi niềm "khát" nước có thể xảy ra vào bất kỳ lúc nào ở các khu đô thị có nhiều chung cư cao tầng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.