Hằng ngày, Moses bơi dưới lòng đại dương mà không có đồ bảo hộ, len lỏi qua những con cá mập để đánh bắt cá.
Tại hòn đảo xa xôi Owarigi thuộc quần đảo Solomon ngoài khơi nam Thái Bình Dương, hơn 1.000 người dân bản địa đang sinh sống hòa bình với loài cá mập có chiều dài lên đến 3 m từ bao đời nay.
Hằng ngày, họ lặn biển với những thiết bị thô sơ để đánh bắt cá kiếm sống, vây xung quanh là đàn cá mập khổng lồ với nanh vuốt đáng sợ. Trong số đó là cá búa nhám và cá mập vi trắng đại dương - hai sát thủ luôn nằm trong top nguy hiểm nhất thế giới.
Nhà làm phim Gordon Bucanan của BBC đã dành thời gian để tìm hiểu đời sống của người dân nơi đây. Anh tham gia đánh cá cùng hai ngư dân để mang tới cho độc giả cái nhìn chân thực hơn về sự nguy hiểm mà hằng ngày họ phải đối mặt.
Theo Gordon, việc chạm trán với một trong những loài cá mập đáng sợ nhất đại dương có thể là nỗi ám ảnh cả đời đối với một người. Nhưng với cư dân trên đảo Owarigi, việc bơi lội hằng ngày giữa đàn cá mập ăn thịt người là một phần trong thói quen. Và không ai cảm thấy sợ hãi.
Gordon cũng được hai cư dân là Moses và Sosimo hướng dẫn các kỹ thuật đánh bắt cá cổ xưa của họ, cách người dân có thể tồn tại giữa các sát thủ đại dương.
"Họ là những người có mối quan hệ gần gũi với cá mập nhất thế giới", Gordon cho biết.
Trong thế chiến thứ hai, một chiếc tàu có tên là Nova Scotia bị tàu ngầm Đức đánh chìm ngoài khơi Nam Phi. Một phần tư trong số 750 quân lính bị thiệt mạng đều do bị cá mập vi trắng đại dương tấn công. Loài vật này cũng liên quan tới một loạt vụ tấn công du khách ở khu du lịch Biển Đỏ, gần Sharm El Sheikh, Ai Cập năm 2010.
Vậy, làm cách nào để người dân Owarigi có thể bơi lội tự do xung quanh các tử thần này?
Theo Moses, họ thường tắt đồng hồ và đèn pin khi bơi lội vào ban đêm để tránh việc thu hút sự chú ý của cá mập. "Nếu nhìn thấy một con cá mập, hãy nhìn vào mắt nó", Moses tiết lộ bí kíp.
Một lý do đáng buồn nữa khiến người dân bản địa ngày càng bớt bị đe dọa bởi cá mập, đó chính là việc đánh bắt và buôn bán vây cá mập ngày nay khiến loài cá này ngày càng giảm.
Một người dân cho biết, họ cũng tham gia vào việc bắt cá mập. Thịt của chúng được dùng để làm thực phẩm, còn vây thì bán cho các thương lái đến từ Trung Quốc - nơi người dân rất chuộng súp vi cá mập.
"Tôi biết trong tương lai, biển sẽ bị đe dọa. Sẽ chẳng còn gì cho thế hệ con cái của chúng tôi khai thác", Moses trầm ngâm nói.
Gordon cho biết, anh đã thuyết phục các ngư dân đi cùng mình trở về làng và nói với những người đứng đầu về việc ngừng đánh bắt cá mập. Và may mắn thay, hành động này đã được các già làng chấp thuận.
"Họ quan tâm sâu sắc tới văn hóa, truyền thống của họ. Nhưng điều quan trọng hơn cả, họ rất quan tâm tới đại dương và sinh vật sống dưới lòng biển. Do đó, nếu còn có những người như họ, tôi vẫn hy vọng đại dương sẽ được bảo vệ", Gordon cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.