(HNM) - Thứ bảy vừa qua, 23-11, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với các ngành liên quan về vấn đề thực hiện chính sách giảm nghèo trong 5 năm qua.
Tại buổi làm việc này, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình bày báo cáo về công tác xóa nghèo, theo đó, chỉ tính riêng từ năm 2008 đến năm 2012, tổng chi cho công tác giảm nghèo là hơn 560 nghìn tỷ đồng. Khoản tiền nói trên được tập trung cho một số mặt công tác như tạo việc làm, dạy nghề, chăm sóc y tế, nhà ở, hỗ trợ sản xuất… cho người nghèo. Nhìn tổng thể, dù trong bối cảnh khó khăn nhưng Việt Nam vẫn ưu tiên nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo, tạo ra thành quả đáng khích lệ: Tỷ lệ bình quân cả nước về giảm nghèo đạt mức 2%/năm và Việt Nam được công nhận là hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xóa nghèo cùng cực - sớm 2 năm so với dự kiến.
Tuy nhiên, phía sau những con số đáng khích lệ và sự thừa nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế đối với nỗ lực giảm nghèo của Việt Nam, cần phải thừa nhận rằng người nghèo và công tác xóa nghèo ở nước ta đang đối diện với một loạt khó khăn mang tính thách thức.
Những ngày vừa qua, thiên tai gây họa lớn ở Philippines, Việt Nam và nhiều nước khác. Đó là một chủ đề lớn, liên quan đến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và một cuộc chiến khác, gian nan không kém, là chống đói nghèo. Bão, lũ qua đi sau khi gieo họa chết chóc, để lại một hậu quả dài lâu. Bao người mất gia sản, sinh kế, những người hứng chịu thiên tai đối diện với nguy cơ bệnh tật, thất học, bao hộ gia đình đối diện với nguy cơ nghèo hóa hoặc tái nghèo. Đó là một nguy cơ hiển hiện bởi Việt Nam nằm trong số quốc gia được dự báo là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của sự biến đổi khí hậu.
Cách nay hơn một tháng, trong khuôn khổ một diễn đàn về chủ đề giảm nghèo, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, trong 10 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia đã giảm từ gần 60% xuống còn 10%, nhưng vấn đề là tốc độ giảm không đồng đều và vẫn còn tiềm ẩn nỗi lo tái nghèo. Số liệu chỉ ra rằng, số hộ nghèo ở vùng dân tộc thiểu số vẫn ở mức cao - chiếm gần một nửa số hộ nghèo trong toàn quốc và thu nhập bình quân ở khu vực này thua xa số liệu chung của cả nước.
Thách thức không chỉ bao gồm những vấn đề nói trên, mà còn có từ nhận thức về chuẩn nghèo, cách xác định tiêu chí nghèo hiện có còn phù hợp thực tế hay không. Vấn đề nghèo đói đa chiều đang đặt ra yêu cầu nhìn nhận thực tế hơn về chuẩn nghèo, tính toán kỹ hơn về xu hướng nghèo thành thị, nó có thể làm phát sinh bài toán bổ sung khung chính sách nhằm giải quyết vấn nạn một cách bền vững.
Những ngày gần đây, ngày càng có thêm ý kiến về sự cần thiết phải rà soát lại hệ thống chính sách, chương trình phục vụ mục tiêu giảm nghèo, dừng triển khai thực hiện những gì không đem lại hiệu quả, hoặc giả là khiến cho việc đầu tư giảm nghèo bị "pha loãng", không đủ nguồn lực cho những vấn đề cần tập trung đầu tư. Đó là một quan điểm đúng, đúng với định hướng của Chính phủ là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho địa bàn nghèo, vùng dân tộc thiểu số và cũng đúng với tình hình hiện nay. Tuy nhiên, việc bổ sung, hoàn thiện khung chính sách cần thực hiện đồng thời với tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi tư duy hành động trong công tác xóa nghèo, hướng tới sự chủ động nhằm tận dụng nguồn lực tại chỗ thay vì ỷ lại, trông chờ trung ương; xóa bỏ tư tưởng lạ đời… thích được công nhận là hộ nghèo để được xếp vào diện chính sách.
Về cơ bản, chính sách giảm nghèo đúng đắn cần phải hướng tới sự thúc đẩy ý thức thoát nghèo của người nghèo, bằng việc tạo ra cơ hội và trợ giúp quá trình hiện thực hóa ý thức đó. Giảm nghèo bền vững là phải như vậy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.