Chiều 26-1-2021, trong chương trình nghị sự của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đoàn đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ và thống nhất, đánh giá cao nội dung các dự thảo văn kiện Đại hội lần này.
Thảo luận ở đoàn về các văn kiện Đại hội, các đại biểu Đoàn đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội đều thống nhất cho rằng, nội dung Báo cáo chính trị và các báo cáo chuyên đề không chỉ tổng kết một cách sâu sắc, đầy đủ các kết quả, bài học kinh nghiệm của hơn 35 năm đổi mới, nhiệm kỳ 2015-2020 mà còn rút ra nhiều bài học kinh nghiệm mang tầm lý luận và vạch ra chiến lược, tầm nhìn phát triển lâu dài cho dân tộc Việt Nam đến năm 2045...
Tiếp tục hoàn thiện thể chế
Đóng góp ý kiến về 5 quan điểm chỉ đạo; 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; 3 đột phá chiến lược được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đưa ra trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, đại biểu Nguyễn Lan Hương (Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội) cho rằng, thời gian qua, với quan điểm vì nhân dân phục vụ, nhiều cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước được ban hành và thực hiện đã cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Với tinh thần đó, các chủ trương, mục tiêu, giải pháp đề ra trong các dự thảo văn kiện tại Đại hội XIII của Đảng đều xuất phát từ nguyện vọng chính đáng, từ lợi ích thiết thân của nhân dân. Quan điểm "Dân là gốc" đã được nêu lên trong nghị quyết đầy đủ các nội hàm, cụ thể và rõ ràng, thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng ta.
Đồng chí Nguyễn Lan Hương khẳng định: “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội”.
Về xây dựng thể chế, các đại biểu: Trần Thị Phương Hoa (Bí thư Quận ủy Cầu Giấy), Lê Thị Thu Hằng (Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ) và một số đại biểu khác đánh giá cao các nội dung, bài học, giải pháp đưa ra trong các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đều xuất phát từ thực tiễn, gắn với thực tiễn và giải quyết các vấn đề đặt ra một cách rõ ràng, khúc chiết.
Theo các đại biểu, 5 năm qua, Đảng ta đã quan tâm hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hơn. Điều đó không chỉ giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước, mà còn tăng tính hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị, qua đó phục vụ nhân dân tốt hơn...
Cùng quan điểm trên, đại biểu Đỗ Đình Hồng (Bí thư Huyện ủy Mê Linh), đại biểu Nguyễn Anh Tuấn (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Điện lực Hà Nội) cho rằng, việc hoàn thiện thể chế, đề ra các giải pháp phù hợp, công khai, minh bạch trong thực hiện cơ chế, chính sách chính là đòi hỏi bức thiết để khơi thông các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thời gian qua, vấn đề này đã được quan tâm, nhưng còn nhiều việc cần phải làm để tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng hơn...
Hoạch định chiến lược phát triển đất nước
Đóng góp ý kiến cho vấn đề phát triển giáo dục, khoa học công nghệ, đại biểu Nguyễn Thanh Sơn (Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng thành phố Hà Nội), đại biểu Nguyễn Kim Sơn (Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội), đại biểu Nguyễn Thị Lan (Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đề cập tầm quan trọng của các lĩnh vực này trong việc phát triển đất nước. Về chính sách, các đại biểu cho rằng, Đảng, Nhà nước đã ban hành khá đầy đủ các chính sách, nhưng cần đưa ra các giải pháp cụ thể hơn nữa để thúc đẩy thực hiện, nhất là chính sách đầu tư, bố trí nguồn lực, hạ tầng... Theo các đại biểu, nếu có cơ chế cụ thể hơn nữa, thì những lĩnh vực quan trọng này mới có thể phát triển, phát huy được vai trò, tầm quan trọng trong phát triển đất nước. Đại biểu Nguyễn Kim Sơn đề nghị, cần quan tâm, có chính sách cụ thể hơn, thiết thực hơn với chủ trương đào tạo và sử dụng nhân tài...
12 đại biểu của Đoàn đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội góp ý, thảo luận dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng đều đánh giá cao việc đề ra chiến lược phát triển đất nước không chỉ trong nhiệm kỳ 2020-2025, đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Nhiều vấn đề về cải cách hoàn thiện thể chế, quản trị xã hội, phát triển kinh tế... với những quan điểm, cách nhìn nhận vấn đề mới, có tính chất dài hạn, dự báo đã được đưa vào dự thảo Nghị quyết, thể hiện tầm nhìn, trí tuệ của Đảng ta trong việc hoạch định chính sách, vạch ra con đường phát triển dài hạn cho dân tộc Việt Nam.
Các đại biểu cũng tâm đắc và đồng tình cao với 3 đột phá chiến lược mà văn kiện Đại hội XIII của Đảng đưa ra, nhất là vấn đề phát triển hạ tầng xã hội và hạ tầng đô thị.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Báo Kinh tế & Đô thị) cho rằng, vấn đề phát triển đô thị trong thời gian tới là một xu thế lớn, đòi hỏi cần có nghị quyết riêng, có kế hoạch cụ thể cho việc hoạch định chính sách phát triển đô thị... Với các vấn đề mới như cải cách thể chế, phát triển kinh tế số, xã hội số, đại biểu cho rằng, ngay sau khi nghị quyết được ban hành, cần có nghiên cứu, xây dựng kế hoạch cụ thể để đưa nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.
Chủ trì buổi thảo luận tại đoàn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Trưởng đoàn đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội đánh giá, các ý kiến rất tâm huyết, trí tuệ, sâu sắc, nhất là các vấn đề về xây dựng Đảng, xây dựng thể chế, giáo dục, khoa học công nghệ, văn hóa, tầm nhìn... Căn cứ vào thực tiễn sinh động và kết quả của 35 năm đổi mới, nội dung các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã kết tinh trí tuệ trong Đảng, trong dân. Các văn kiện không chỉ rút ra những bài học kinh nghiệm mà quan trọng là đưa ra các giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, xây dựng đất nước giàu mạnh, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.