Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nội địa hóa - thách thức của ngành da giày

Thanh Hiền| 04/08/2014 06:01

(HNM) - Việt Nam đứng trong hàng ngũ 10 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về da giày, đứng thứ hai về xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, nhưng phát triển ngành da giày vẫn tồn tại những yếu tố chưa bền vững.

May giày xuất khẩu tại Công ty Giày Thụy Khuê. Ảnh: Khánh Nguyên


Thực tế sản xuất kinh doanh của ngành da giày nửa đầu năm 2014 khá ổn định. Xuất khẩu sản phẩm giày dép sang các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Bỉ, CHLB Đức… vẫn rất khả quan; kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường khác như Chile, Hy Lạp, Ba Lan cũng tăng mạnh. Theo nhận định của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp (DN), ngành da giày sẽ có không ít cơ hội phát triển, nhất là trong bối cảnh Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được ký kết vào cuối năm nay; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, Việt Nam với Liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan đang trong giai đoạn đàm phán. Sản phẩm da giày Việt Nam có khả năng cạnh tranh về giá so với các quốc gia khác và đã hiện diện tại hầu hết thị trường lớn như Bắc Mỹ, EU, Nhật Bản… Thêm vào đó, mức tiêu thụ lớn với chất lượng ngày càng cao của ngành hàng này đủ để bảo đảm "đầu ra" cho các vật tư chiến lược. Ngoài ra, để đón đầu cơ hội mở rộng thị trường khi Việt Nam chính thức ký kết các hiệp định thương mại tự do, hiện đã có nhiều nhà đầu tư của các nước xúc tiến đầu tư phát triển sản xuất ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành, mở ra nhiều triển vọng cho sự phát triển. Với kinh nghiệm tích lũy và tiềm lực tài chính mạnh, các DN nước ngoài đang ráo riết triển khai các dự án đầu tư để sớm thụ hưởng những ưu đãi và tăng thu lợi nhuận. Xu hướng chuyển đơn hàng từ Trung Quốc, Bangladesh vào Việt Nam cũng là một trong những thuận lợi để phát triển xuất khẩu của ngành.

Bên cạnh những tín hiệu khả quan, ngành da giày đang đối mặt với không ít khó khăn. Theo báo cáo của Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam (LEFASO), tỷ lệ nội địa hóa của ngành mới chỉ chiếm 40-45% (chủ yếu là đế giày và chỉ khâu), trong khi nguyên liệu quan trọng nhất là da thuộc và da nhân tạo vẫn phải nhập khẩu. Đối với da thuộc thành phẩm, tỷ lệ nội địa hóa dưới 30%. Phần lớn nguyên liệu mũ giày vẫn phải nhập khẩu … Một số DN đã xúc tiến đầu tư, xây dựng nhà máy sản xuất, nâng tỷ lệ nội địa hóa da tổng hợp, da nhân tạo đạt khoảng 35%. Việt Nam chỉ cung ứng được vải cho sản xuất loại giày vải cấp thấp, các chủng loại vải cao cấp đều phải nhập khẩu.

Ngoài ra, hầu hết máy móc thiết bị sản xuất sử dụng trong ngành đều phải nhập khẩu… Ngành còn thiếu năng lực kỹ thuật và thiết kế để xây dựng thương hiệu và các dây chuyền sản phẩm. Bên cạnh đó, mặc dù chi phí lao động thấp nhưng đại bộ phận công nhân đều có tay nghề hạn chế, năng suất lao động thấp. Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam cho biết, nếu không thể gia tăng giá trị và sản lượng ở phân khúc thiết kế, nghiên cứu tạo sản phẩm mới; tạo năng lực sản xuất; phân phối sản phẩm thì 5 năm nữa ngành sẽ không thể tăng trưởng được.

Ngoài những chính sách vĩ mô nhằm tạo điều kiện cho ngành phát triển, Hiệp hội và các DN cần chủ động đề ra những nhóm giải pháp trước mắt và lâu dài để phối hợp đồng bộ, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững. Trong đó, việc chủ động cung ứng nguyên phụ liệu đóng vai trò quan trọng. Để nâng tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu như da thuộc, da tổng hợp, đế giày đạt tỷ lệ 50% vào năm 2020 và 70% vào năm 2025, cần khẩn trương đẩy mạnh chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng khu công nghiệp thuộc da và cụm công nghiệp nhỏ tại các khu vực trọng điểm góp phần gia tăng giá trị sản phẩm. DN cần tăng cường năng lực cạnh tranh bằng việc ứng dụng công nghệ quản lý hiện đại nâng cao năng suất lao động và quản trị DN hiệu quả; nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nội địa hóa - thách thức của ngành da giày

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.