Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nợ xấu khó bán do... không tìm được người mua

Ngân Hạ - Ảnh: Như Ý| 26/05/2017 17:28

(HNMO) - Thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu chiều 26-5, với kinh nghiệm 20 năm

ĐB Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội)


Theo ĐB Nguyễn Văn Thắng, do nợ xấu được xác định là một loại hàng hoá nên cần có thị trường với người mua, người bán... Nhưng thực tế, hàng hoá rất nghèo nàn hoặc không đưa ra được thị trường để bán. Những hàng hoá người mua quan tâm như các khoản nợ gắn với bất động sản, gắn với quyền sử dụng đất lại chưa giao dịch được... Về người mua nợ trong thời gian qua, theo đại biểu Thắng, do quy định chỉ tổ chức, cá nhân được cấp quyền, có chức năng kinh doanh mua bán nợ mới được tham gia nên đến thời điểm này, chỉ có 2 đơn vị chính tham gia mua bán nợ là DATC (Công ty mua bán nợ của Bộ Tài chính) và VAMC (Công ty quản lý tài sản), trong đó VAMC vận hành từ năm 2013 hiện chưa có đủ nguồn lực và cơ chế để mua theo thị trường, chủ yếu là mua theo chỉ định.

"Thị trường khó bán, không tìm được người mua. Nếu tìm được thì chỉ có một đơn vị nên đàm phán rất khó. Nhiều khi không đàm phán được giá và giá thường do đơn vị mua ấn định" - ĐB Nguyễn Văn Thắng nêu thực trạng.

Do đó, việc ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu là rất cần thiết, giúp giải quyết những vấn đề cơ bản của thị trường, đặc biệt, có những loại hàng hoá, nếu Nghị quyết được ban hành, có thể bán được với giá tốt hơn hiện nay rất nhiều.

Nhiều ĐB của đoàn Hà Nội cũng  thống nhất cao với mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết để ban hành Nghị quyết, tạo hành lang pháp lý để các cơ quan thu hồi nợ, các tổ chức tín dụng khắc phục những vướng mắc, bất cập trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, để bảo đảm tính hợp hiến và khả thi của dự thảo Nghị quyết, nhiều ĐB đề nghị làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, thời hạn giải quyết nợ xấu... Các ĐB Đào Thanh Hải và Vũ Thị Lưu Mai cùng thống nhất đề nghị bổ sung nguyên tắc không sử dụng nguồn ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu.

Mua bán nợ xấu theo giá trị trường: Cẩn thận để không "hợp thức hóa" sai phạm

Tại đoàn TP.Hồ Chí Minh, nhiều đại biểu lo ngại việc quy định “mua bán nợ xấu theo giá thị trường” có thể bị lợi dụng, đem lại lợi ích nhóm.


ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm phân tích, điểm vướng nhất hiện nay là việc thu hồi nợ xấu qua tài sản thế chấp rất khó khăn, không thu hồi được.

“Chúng tôi đi giám sát được nghe phản ánh chủ dự án đi vay ngân hàng để làm dự án, lấy sổ đỏ của dự án thế chấp ngân hàng, giờ nợ ngân hàng không trả được, thế nhưng ngân hàng cũng không xử lý khoản nợ xấu này được bởi đất dự án của họ đã được chia ra bán cho dân hết rồi. Trường hợp này rõ ràng còn tài sản thế chấp mà không xử lý được" – ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm dẫn chứng.

Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, bản thân các ngân hàng không xử lý được khoản nợ xấu này, giờ dự thảo Nghị quyết lại dùng từ mua bán nợ xấu “theo giá thị trường” thì sẽ khó khả thi bởi nếu làm được , các ngân hàng đã tự giải quyết.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.Hồ Chí Minh)


“Chính phủ, các cơ quan liên quan cần làm rõ khái niệm mua bán nợ xấu theo giá thị trường, liệu có làm được không? Ai định giá thị trường, liệu có chuyện thao túng không? Thực tế công tác bán đấu giá, đấu thầu tài sản của chúng ta thời gian qua có rất nhiều vấn đề… Nếu mình không làm tốt việc này thì rất có thể sẽ bị lợi dụng, đem lại lợi ích cho một nhóm nào đó, không khéo còn hợp thức hóa các sai phạm và khoản nợ xấu đó không ai chịu trách nhiệm. Như vậy nó sẽ làm méo mó mục đích mà dự thảo Nghị quyết đề ra” – Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh lo ngại.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng đề nghị, cần xử lý nghiêm minh trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra nợ xấu, không để lọt tội nhằm tạo niềm tin của nhân dân với Quốc hội. Đồng thời, Quốc hội cũng phải giám sát chặt chẽ trong suốt quá trình xử lý nợ xấu.

Phát biểu trước đó,  ĐB Trần Hoàng Ngân phân tích,  nợ xấu đang là điểm nghẽn, nóng, cần tập trung xử lý để hỗ trợ phát triển kinh tế. Bởi lẽ ở Việt Nam, hệ thống ngân hàng có vai trò quan trọng vì dư nợ lớn hơn nhiều so với các nước trong khu vực ASEAN, gánh nặng đè lên nền kinh tế là rất lớn. 

ĐB Trần Hoàng Ngân


Sau 5 năm triển khai Đề án 843 về xử lý nợ xấu, các ngân hàng thương mại đã trích lập dự phòng và giải quyết khoảng 350.000 tỷ đồng; nợ chuyển cho Công ty Quản lý tài sản VAMC là 250.000 tỷ đồng và đã xử lý được 50.000 tỷ đồng. Ước tính nợ xấu hiện chiếm 2,65% tổng dư nợ, tương đương khoảng 150.000 tỷ đồng, và nếu cộng với số nợ còn tại VAMC là 200.000 tỷ đồng thì hiện nợ xấu còn khoảng 350.000 tỷ đồng, tương đương 6%. Tuy nhiên, nếu tính cả những khoản nợ có thể thành nợ xấu thì tỷ lệ này có thể lên tới 10% như tờ trình của Chính phủ. 

Từ việc dẫn giải các số liệu trên, ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng, để giải quyết nợ xấu cần có sự hợp lực của Chính phủ, Quốc hội và phải có cơ chế pháp lý đủ mạnh để xử lý, vì nếu nợ xấu tiếp tục tồn tại sẽ đe dọa sự an toàn của hệ thống ngân hàng, an ninh tài chính quốc gia. 

“Nếu xử lý tốt nợ xấu, chúng ta sẽ giải quyết được nhiều mục tiêu: giảm chi phí hoạt động kinh doanh tiền tệ, lãi vay khoảng 1%”, ĐB Trần Hoàng Ngân nói. Tuy nhiên, điểm khiến ĐB này lo ngại là tài sản thế chấp cầm cố có còn không bởi vì nếu sau 5 năm không xử lý được thì “nó xấu lắm rồi”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nợ xấu khó bán do... không tìm được người mua

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.