(HNM) - Nợ xấu từng là nỗi ám ảnh của nền kinh tế, nhưng hiện đã dần được xử lý. Từ ngưỡng 17,2% trên tổng dư nợ, đến nay con số nợ xấu đã xuống mức an toàn.
Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là giải pháp góp phần tích cực giảm nợ xấu. Ảnh: Mạnh Hà |
Nhìn lại tỷ lệ nợ xấu vào thời điểm tháng 9-2012, không ai tránh khỏi tâm lý bất an, bởi "gánh nặng" của nền kinh tế có thể sẽ phải kéo dài. Sau hàng loạt giải pháp, như tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu được coi là nhiệm vụ trọng tâm không chỉ của ngành Ngân hàng, mà là của cả nền kinh tế.
Từ việc ra đời Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), đến Nghị quyết 42/2017/QH14 (ngày 21-6-2017) của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu ở các tổ chức tín dụng, những khoản nợ xấu đã dần bị loại bỏ. Mặc dù phải đánh đổi với một số ngân hàng bị xóa tên, một số tổ chức tín dụng bị mua với giá 0 đồng, hay tiến hành tái cơ cấu toàn bộ hệ thống ngân hàng, nhưng "nợ xấu" đã không còn trở thành mối nguy hại.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến nay nợ xấu vào khoảng 7,4% trên tổng dư nợ và dự báo đến cuối năm 2018 chỉ còn khoảng 6%. Với những nỗ lực đáng ghi nhận thì dự kiến đến năm 2020, nợ xấu có thể được đẩy xuống dưới 3,5%. Tính riêng quý IV-2017, VAMC được Chính phủ cấp 2.000 tỷ đồng và đã mua nợ xấu trên thị trường hơn 3.000 tỷ đồng, xử lý thu hồi được 3/4 số nợ đã mua. Năm 2018, VAMC mua 3.500 tỷ đồng nợ xấu.
Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch VAMC cho rằng, suốt một thời gian dài, nợ xấu từng bị gắn với một tư duy như "mặc định": Nợ xấu của ngân hàng do ngân hàng và tự cơ quan này phải trả giá, chịu trách nhiệm và xử lý. Tư duy đó như một điểm ngăn cách, cô lập yêu cầu xử lý nợ xấu với trách nhiệm chung của toàn nền kinh tế. Với Nghị quyết 42/2017/QH14, tư duy đã thay đổi, từ nợ xấu của ngành Ngân hàng thành nợ xấu của nền kinh tế.
Qua đó đã hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng, để các ngành, các cấp chính quyền cùng vào cuộc xử lý, tái tạo nguồn lực chung cho nền kinh tế. Sau 9 tháng Nghị quyết số 42/2017/QH14 đi vào thực tiễn, tạo các khung khổ pháp lý hỗ trợ cần thiết, cũng như gỡ nhiều "nút thắt" trước đây, kết quả xử lý nợ xấu đã có chuyển biến.
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Đông, cùng với sự phối hợp tốt hơn giữa các ban, ngành chức năng, ý thức trả nợ của khách hàng đã chuyển biến tích cực hơn trước. Nhiều trường hợp VAMC mới chỉ có giấy mời làm việc, nhưng khách hàng đã mang tiền đến trả. Ý thức và tâm lý vay - trả đã sòng phẳng hơn.
Từ kết quả đạt được trong xử lý nợ xấu, theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, để nợ xấu được giải quyết triệt để hơn, trước hết phải có sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ, định giá để đấu giá, bởi có những phiên đấu giá chưa xong vì định giá chưa chuẩn. Bên cạnh đó là vấn đề tài sản cần xử lý, hiện nay ngành Tòa án tổng kết có hơn 100 vướng mắc.
Vấn đề khác cần rút kinh nghiệm là sự phối hợp giữa các tổ chức tín dụng với nhau, giữa VAMC với các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, hồ sơ xử lý nợ xấu phải được lưu trữ cẩn thận, bởi khi xảy ra tranh chấp giữa khách hàng với ngân hàng - giữa tổ chức tín dụng với VAMC phải có cơ sở pháp lý để giải quyết phù hợp...
Từ năm 2018 trở đi, VAMC sẽ hạn chế việc mua nợ xấu và phát hành bằng trái phiếu đặc biệt. Thay vào đó, VAMC sẽ tổ chức phân tích, phân loại các khoản nợ 10 tỷ đồng trở lên, gắn với đó là tiến hành "mua đứt, bán đoạn" theo cơ chế thị trường.
Tới đây, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng, VAMC sẽ xây dựng kế hoạch phát hành trái phiếu của công ty, tiến tới mua bán nợ xấu hoàn toàn theo cơ chế thị trường, từ đó giúp việc xử lý nợ xấu đúng thực chất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.