Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực kìm giá và “gồng mình”với nạn hàng giả

Thanh Mai| 09/03/2013 07:40

(HNM) - Đúng như dự báo, nhu cầu phân bón cho vụ đông xuân ở miền Bắc tăng cao, tình hình tiêu thụ tốt. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất phân bón lại đang đau đầu do giá nguyên liệu đầu vào tăng (khoảng 15%), trong khi giá bán ra chỉ tăng 4%, là tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường.


Áp lực tăng giá

Giá nguyên liệu phân bón trên thị trường thế giới đang tăng mạnh: giá điện tăng 15,28%, giá xăng tăng 2.900đ/lít, giá các nguyên liệu phải nhập khẩu như SA, lưu huỳnh, kali… đều tăng 30%, thậm chí tăng gấp đôi. Vì vậy, dù lượng phân bón nhập khẩu chỉ tăng xấp xỉ 3%, nhưng giá trị lại tăng tới 40%.

Sản xuất phân bón tại Công ty Phú Mỹ.Ảnh: Cao Thăng



Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam cho biết, tiền điện chiếm khoảng 9% giá thành sản phẩm quặng apatit. Khi giá điện tăng thêm 15,28%, tiền điện mỗi năm tăng khoảng 17,5 tỷ đồng, kéo theo giá thành quặng apatit cũng tăng. Ngoài ra, trong tháng 3-2013, chi phí vận tải đường biển sẽ tăng thêm phụ thu nhiên liệu khoảng 7% nữa. Giá hạt nhựa nhập khẩu tăng khoảng 20% làm giá thành bao bì tăng theo. Giá quặng apatit tăng cao ảnh hưởng tới giá thành sản xuất phân bón của nhiều doanh nghiệp. Từ đầu năm 2011, các nguyên liệu đầu vào như SA, kali, lưu huỳnh, quặng apatit đều tăng. Cụ thể, giá lưu huỳnh tăng từ 189 USD/tấn lên 230 USD/tấn, giá SA nhập khẩu tăng gần gấp đôi so với thời điểm thấp nhất của 3 tháng trước, giá quặng apatit tăng lên 7%. Tất cả các nguyên liệu nhập khẩu đều phải chi trả bằng ngoại tệ, trong khi đồng USD đã tăng mạnh so với thời điểm trước Tết. Những chi phí này đã đẩy giá thành lên khoảng 14%. Thực tế trên cho thấy có nhiều áp lực đặt ra với các DN sản xuất phân bón trong thời điểm này. Không tăng giá thì không có lãi, mà tăng để bù đắp chi phí thì ảnh hưởng tới nông dân.

Vấn nạn hàng giả

Trong bối cảnh tiêu dùng ngày càng khó khăn, sự cạnh tranh gay gắt của các mặt hàng trên thị trường như luồng "gió độc" thổi vào các doanh nghiệp sản xuất phân bón. Phân bón bị làm giả nhiều nhất rơi vào nhóm phân urê, kali và NPK, khiến thị phần các loại phân bón này bị giảm sút. Nguyên nhân là do phân bón giả, kém chất lượng tràn ngập trên thị trường, không những đe dọa đến thương hiệu của các doanh nghiệp chân chính, mà còn gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Trên thực tế, đã có tình trạng thương nhân lấy nước lã đóng thùng 5 lít, cho vào một ít urê rồi bán cho nông dân và quảng cáo là urê nước (giá bán 50.000 đồng/bình). Cho dù, Bộ Công thương đã có Thông báo số 177/TB-BCT, giao Cục Hóa chất chủ trì phối hợp với Cục Quản lý thị trường, Vụ Công nghiệp nặng, Vụ Tài chính và các đơn vị của các bộ liên quan tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón, với mục đích kiểm tra ngăn chặn và xử lý triệt để nạn sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng, đầu cơ găm hàng, tăng giá quá mức, nhưng trên thị trường vẫn tràn ngập sản phẩm kém chất lượng. Một số cơ sở ở Bình Thuận, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh làm phân bón kém chất lượng và nhái nhãn hiệu của Tập đoàn Quốc tế Năm Sao. Kể cả phân bón nhập khẩu cũng bị làm giả và nhái bao bì phân kali của các Công ty CP: Xuất nhập khẩu Hà Anh, Vật tư Nông sản, Vật tư Kỹ thuật Cần Thơ… Đặc biệt, trong các vụ làm giả phân kali của Công ty TSC Cần Thơ, khi kiểm tra, phân tích sản phẩm chỉ có muối và phẩm màu.

Tình hình sản xuất phân bón giả, kém chất lượng ngày càng nhiều. Việc quản lý trong lĩnh vực phân bón hiện nay còn lỏng lẻo. Nguyên nhân chính là do các cơ quan chức năng chưa thật sự vào cuộc để giải quyết, xử lý vấn nạn này.

Do nhu cầu phân bón tăng lên tại phía Bắc, giá urê đã nhích lên sau Tết. Tại Hải Phòng, giá lên ở mức 9.300 VND/kg, tương đương 410 USD/tấn, trong khi trước đó giá chỉ 8.900-9.000 VND/kg. Nhà cung cấp ở phía Nam cũng đẩy giá urê lên ở mức 9.400 VND/kg. Nhu cầu tăng mạnh ở phía Bắc khiến nhà sản xuất trong nước bất ngờ khi trước đó họ dự đoán nguồn cung thừa và hướng đến xuất khẩu trong tháng 2. Cả hai nhà máy đạm Cà Mau và đạm Phú Mỹ vì thế ngần ngại chào các lô hàng mới. Nhà máy đạm Cà Mau đang nhắm mục tiêu sản xuất 730.000 tấn urê hạt đục trong năm 2013…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực kìm giá và “gồng mình”với nạn hàng giả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.