Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) chiều 24-6, quy định chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang nhóm áp dụng mức thuế suất 5% được các đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc những tác động đến nông nghiệp, nông dân.
Giá phân bón luôn là vấn đề “nóng”
Vấn đề được đa số đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận là quy định chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang nhóm hàng hóa áp dụng mức thuế suất 5%. Đối với vấn đề này, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị, Chính phủ đánh giá kỹ từ góc độ tác động đối với các ngành sản xuất trong nước cũng như từ góc độ tác động đối với người nông dân.
Đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) cho biết, các kỳ tiếp xúc cử tri, các đại biểu Quốc hội đều tiếp nhận tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của cử tri liên quan đến chi phí đầu tư cho mỗi kỳ canh tác gồm giá phân bón, giá thuốc bảo vệ thực vật, giá xăng dầu, giá thuê nhân công, vận chuyển tăng nhiều lần.
“Sự mâu thuẫn giữa giá nông sản và giá phân bón kéo dài thời gian qua vẫn luôn là vấn đề nóng của nông nghiệp”, đại biểu nói.
Do đó, đại biểu Tô Ái Vang kiến nghị, Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng theo hướng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế suất giá trị gia tăng 0%. Như vậy, nông dân sẽ được giảm đáng kể chi phí đầu vào. Quốc hội và Chính phủ nên đặt lợi ích của người nông dân thể hiện rõ trong các chính sách sẽ được luật hóa.
Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn Kiên Giang) nhận thấy, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành sản xuất phân bón trong nước là vô cùng cần thiết và cần tiếp tục cân nhắc, nghiên cứu kỹ việc chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế suất 5%.
“Vì phân bón là một trong những hàng hóa đầu vào quan trọng của sản xuất nông nghiệp, là hàng hóa sử dụng thiết yếu, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, đặc biệt là người nông dân sẽ chịu tác động lớn bởi quy định này”, đại biểu nói và đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục cân nhắc, đánh giá tác động kỹ lưỡng nhiều mặt, từ phía các doanh nghiệp sản xuất phân bón cũng như phía người nông dân trực tiếp sử dụng phân bón trong sản xuất nông nghiệp.
Cho rằng lập luận áp thuế giá trị gia tăng để giá phân bón giảm xuống của cơ quan soạn thảo là không thuyết phục, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, ngay trong báo cáo đánh giá của Bộ Tài chính đã chỉ ra từ tháng 1-2015 giá phân bón liên tục giảm trong nhiều năm khi thuế suất từ 5% về 0%. Đại biểu cho rằng, nếu áp thuế giá trị gia tăng 5% sẽ thu được 5,7 nghìn tỷ đồng, trong đó bù trừ cho các doanh nghiệp khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng.
“Số tiền này lấy ở đâu ra? Rõ ràng tiền này lấy ở nông dân, bà con phải trả tiền nhiều hơn. Đây là điều bất hợp lý”, đại biểu Đoàn Hà Nội đề nghị áp dụng thuế suất giá trị gia tăng 0% và các doanh nghiệp sản suất phân bón được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào.
Tăng thuế giá trị gia tăng có hạ được giá phân bón?
Một số ý kiến đại biểu Quốc hội nhận định, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu. Theo xu thế và khuyến cáo, hướng đi tất yếu của nông nghiệp Việt Nam hiện nay là tăng cường sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ. Bên cạnh giá phân bón vô cơ diễn biến phức tạp, thị trường phân bón hữu cơ được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ kép. Vì vậy, nếu dự thảo Luật đưa mặt hàng phân bón là đối tượng chịu mức thuế suất 5% như dự kiến thì tăng áp lực cho nông dân trong điều kiện ngành nông nghiệp chịu nhiều tổn thương nhất.
Bên cạnh các ý kiến đề nghị cân nhắc tăng 5% thuế giá trị gia tăng đối với phân bón, phát biểu tranh luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Cà Mau) nêu rõ, việc đưa mặt hàng phân bón trở thành đối tượng chịu thuế là hoàn toàn phù hợp, giúp cho doanh nghiệp được khấu trừ đầu vào, tạo sự bình đẳng với phân bón nhập khẩu, qua đó giúp cho doanh nghiệp giảm giá bán cho nông dân, tăng thu nhập cho ngân sách nhà nước. Đại biểu cũng nêu rõ, hầu hết các nước trên thế giới đều coi phân bón là đối tượng chịu thuế như Nga, Trung Quốc, Thái Lan,...
Tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội về quy định nêu trên, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay, sản lượng phân bón trong nước là 73,3%, nhập khẩu là 26,7% (khoảng 4 triệu tấn/năm). Việc chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang nhóm áp dụng mức thuế suất 5% để bảo đảm không mất bình đẳng đối với các doanh nghiệp nhập khẩu; việc hoàn thuế giá trị gia tăng cũng tạo nguồn lực cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, hạ giá thành sản phẩm.
Bộ trưởng cho biết, nếu áp thuế giá trị gia tăng 5% đối với phân bón sẽ thu được 5,7 nghìn tỷ đồng, sau khi hoàn thuế cho các doanh nghiệp khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng sẽ còn khoảng 4,2 nghìn tỷ đồng. Như vậy, mỗi hộ nông dân mỗi năm sẽ trả thêm 461 nghìn đồng tiền phân bón, mỗi tháng khoảng 38 nghìn đồng, đồng thời nguồn cung phân bón tăng, giá thành sản phẩm sẽ hạ. Bộ trưởng Tài chính cho biết sẽ đánh giá tác động để trình Quốc hội phương án phù hợp về thuế suất đối với mặt hàng phân bón tại kỳ họp cuối năm.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan, nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường và các ý kiến phát biểu tại tổ để tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ tám.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.