(HNM) - Là đội bóng đá đầu tiên của Việt Nam phát triển dựa trên mô hình bóng đá cộng đồng của Nhật Bản, chỉ sau 3 năm, Câu lạc bộ Bóng đá Phù Đổng (Phù Đổng FC) đã từ giải hạng Ba vươn lên thi đấu tại giải hạng Nhất.
Các thành viên Phù Đổng FC tại buổi ra mắt mùa giải 2019. Ảnh: Minh Thu |
Có được bước tiến ấy là nhờ sự bền bỉ, quyết tâm thực hiện khẩu hiệu: "Hãy nỗ lực, và thành công sẽ đến!" - như chia sẻ của huấn luyện viên trưởng Lê Đức Tuấn với phóng viên Báo Hànộimới.
- Sau 3 năm quyết tâm và nỗ lực, Phù Đổng FC đã lên thi đấu tại Giải Bóng đá hạng Nhất quốc gia năm 2019. Dường như Phù Đổng FC đang trên hành trình lặp lại kỳ tích của Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội (Hà Nội FC) trước đây?
- Hà Nội FC đã từ hạng Ba vươn lên thi đấu Giải Bóng đá vô địch quốc gia (V-League) qua liên tiếp 3 mùa giải, và Phù Đổng FC vẫn đang trên hành trình phấn đấu để có thể lặp lại kỳ tích ấy nếu có cơ hội. Nhưng Phù Đổng FC hoạt động theo một mô hình khác với Hà Nội FC. Nếu như Hà Nội FC kế thừa lực lượng rất lớn từ các tuyến trẻ được đào tạo bài bản của bóng đá Hà Nội, thì Phù Đổng FC dựa hoàn toàn vào mô hình bóng đá cộng đồng. Con đường phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn, chúng tôi sẽ phải tìm cách thích ứng, xây dựng lối chơi chuyên nghiệp, tập trung cho mục tiêu trụ hạng ở mùa giải 2019 và nếu có cơ hội sẽ vươn lên chơi V-League 2020.
- Nhưng không dễ để xây dựng một đội bóng chuyên nghiệp khi nền tảng đào tạo trẻ còn yếu, thưa ông?
- Đó thực sự là khó khăn của chúng tôi. Nhân sự của Phù Đổng FC được tuyển chọn từ nhiều nơi, thiếu nền tảng từ đào tạo tuyến dưới nên không dễ để gắn kết chuyên môn, xây dựng lối sống, hình ảnh cho câu lạc bộ. Mùa giải 2019, Phù Đổng FC chỉ giữ lại 7 cầu thủ chơi ở giải hạng Nhì 2018, và ký hợp đồng mới với 18 cầu thủ. Trong đó, một số từng chơi ở V-League và hạng Nhất như thủ môn Văn Phong (Hải Phòng), các cầu thủ Trọng Phi (Nam Định), Công Thảo (Khánh Hòa), Thanh Tùng, Tuấn Tú (Quảng Ninh), Văn Hương (FLC Thanh Hóa), Tuấn Hiệp (thành phố Hồ Chí Minh)... Trải qua 4 tháng tập luyện, chúng tôi đã và đang nỗ lực xây dựng một tập thể đoàn kết, hướng đến mục tiêu chung là phát triển bóng đá cộng đồng theo hướng chuyên nghiệp.
- Ông có thể chia sẻ rõ hơn về mô hình bóng đá cộng đồng Phù Đổng FC đang gây dựng?
- Chỉ có 3 năm vận hành, nhưng chúng tôi đang từng bước xây dựng lứa U11, U13 tại huyện Đông Anh - Hà Nội, chuẩn bị đầu tư thêm lứa U19, U21. Bên cạnh đó, 2 giờ đồng hồ trước mỗi trận đấu của đội trên sân nhà, Phù Đổng FC đều tổ chức giao lưu bóng đá trẻ em học đường. Các trung tâm bóng đá cộng đồng như Viet Goal, Song Hà, H.Y.S, Blue Sky... đều đồng ý kết hợp với Phù Đổng FC, qua đó lan tỏa tình yêu bóng đá, giúp các em hiểu hơn về bóng đá chuyên nghiệp.
Hiện nay, Phù Đổng FC đã có hơn 5.000 cổ động viên chính thức mua thẻ thành viên câu lạc bộ. Thêm nữa, với sự vào cuộc của nhà bảo trợ Mitsubishi Motors Việt Nam, Phù Đổng FC không chỉ có nguồn tài chính ổn định để duy trì hoạt động, mà còn được kết nối với Câu lạc bộ Bóng đá Nhật Bản Urawa Red Diamonds - đội bóng từng vô địch AFC Champions League năm 2017, có doanh thu hơn 7,2 triệu USD/năm. Trước mùa giải hạng Nhì năm 2018, Urawa Red Diamonds đã cử huấn luyện viên sang hướng dẫn các cầu thủ tập luyện. Dịp hè 2018, nhiều cầu thủ nhí có chất lượng của chúng tôi đã được tuyển chọn sang Nhật Bản du đấu giao hữu, tìm hiểu bóng đá nước bạn. Urawa Red Diamonds cũng cam kết hỗ trợ cầu thủ ngoại, huấn luyện viên, chuyên gia hỗ trợ Phù Đổng FC nếu chúng tôi thăng hạng chuyên nghiệp.
Chúng tôi có chính sách thu hút, ưu đãi các cầu thủ trẻ, đặt mục tiêu gắn kết các cầu thủ trong một tập thể đoàn kết, kỷ luật, xây dựng lối chơi kiểm soát bóng, cống hiến, tấn công đẹp mắt, đáp ứng sự quan tâm của người hâm mộ bóng đá Thủ đô.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.