(HNM) - Những năm qua, ngành Y tế Thủ đô đã không ngừng phát triển, ngày càng nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2020) năm nay cũng chính là thời điểm ngành Y tế Thủ đô cùng với cả nước đang căng sức phòng, chống dịch Covid- 19. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã chia sẻ về công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là vai trò của lực lượng y tế dự phòng và việc nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh.
Nâng cao vai trò “người gác cổng”
- Trong hơn 1 tháng qua, những y, bác sĩ, cán bộ khối y tế dự phòng nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 có lẽ là những người chịu nhiều vất vả nhất, thưa đồng chí?
- Không riêng cán bộ, nhân viên ngành Y tế Thủ đô, trong cuộc chiến với dịch Covid-19, cả hệ thống chính trị của thành phố đã cùng vào cuộc. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Chống dịch như chống giặc. Lĩnh hội tinh thần đó, lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố cùng cả hệ thống chính trị đã khẩn trương vào cuộc từ rất sớm. Chúng tôi xác định, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Hà Nội rất lớn. Do đó, ngay từ thời điểm trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, ngành Y tế Thủ đô đã tổ chức tập huấn về giám sát, phát hiện sớm ca nhiễm Covid-19 tại cộng đồng cho 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã. Công tác kiểm dịch y tế, áp dụng tờ khai báo y tế khi hành khách nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cũng được tăng cường. Ngay trong những ngày nghỉ Tết, toàn bộ khối y tế dự phòng của thành phố tổ chức thường trực 24/24 giờ. Đồng thời tiến hành điều tra, khoanh vùng đối với những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đầu tiên, lập danh sách theo dõi sức khỏe của người tiếp xúc gần để giám sát, cách ly. Còn tại các bệnh viện, ngoài công việc thường nhật, các y, bác sĩ phải làm việc ngày đêm để kịp thời thực hiện khám phân loại, xét nghiệm, giám sát, cách ly đối với các bệnh nhân nghi nhiễm…
- Theo đồng chí, kinh nghiệm từ những lần chống dịch trước đây đã giúp gì cho ngành Y tế Thủ đô đối phó với Covid-19?
- Kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh quan trọng nhất là huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, chung sức của cộng đồng. Riêng với dịch Covid-19, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở đã vào cuộc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cùng với sự tham gia tích cực của người dân. Trực tiếp kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa phương thời gian qua, chúng tôi nhận thấy rõ sự quyết liệt, nghiêm túc trong thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế, UBND thành phố, Sở Y tế Hà Nội. Không chỉ tăng cường điều tra, giám sát các trường hợp tiếp xúc gần, trường hợp đi về từ vùng dịch và ổ dịch để kịp thời cách ly, theo dõi y tế, các địa phương còn thường xuyên tuyên truyền, vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại cơ quan, doanh nghiệp, nơi công cộng, trường học… Thậm chí, ở các khu vực nhà chờ, quầy vé của các bến xe đều dán poster, tờ rơi tuyên truyền hướng dẫn cách phòng dịch Covid-19. Tại các trung tâm mua sắm, siêu thị, rạp chiếu phim, thư viện, chung cư… còn bố trí dung dịch rửa tay sát khuẩn, phát khẩu trang miễn phí cho người dân…
- Đồng chí đánh giá thế nào về hệ thống y tế dự phòng hiện nay của thành phố trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 nói riêng cũng như công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung?
- Hoạt động y tế dự phòng đóng vai trò như “người gác cổng” trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, giúp giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng; phát hiện sớm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra… Chính vì tầm quan trọng của y tế dự phòng, nên thời gian qua, thành phố đã tập trung nâng cao năng lực y tế dự phòng để đáp ứng với các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi. Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã triển khai và làm chủ nhiều kỹ thuật hiện đại như sinh học phân tử, phân tích đặc điểm gen phục vụ công tác giám sát, phát hiện tác nhân gây dịch bệnh… Mới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã chính thức được Bộ Y tế đồng ý cho thực hiện xét nghiệm sàng lọc đối với các mẫu nghi nhiễm Covid-19. Việc này giúp cho thành phố kiểm soát tình hình dịch bệnh hiệu quả hơn.
- Đến thời điểm này, khi Thủ đô chưa ghi nhận ca mắc Covid-19, có thể nói chúng ta đã thành công trong nhiệm vụ chống dịch chưa, thưa đồng chí?
- Thời điểm này Hà Nội chưa ghi nhận ca bệnh dương tính với Covid-19, thế nhưng chúng tôi không lấy đó là thành công. Chỉ khi nào Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch trên cả nước, lúc đó những người làm y tế nói chung, y tế dự phòng nói riêng và cả ngành Y tế Thủ đô mới có thể coi là hoàn thành nhiệm vụ chống dịch. Bởi vậy, hiện 100% cán bộ y tế Thủ đô, trong đó lực lượng y tế dự phòng là then chốt vẫn phải bám sát địa bàn, tiếp tục phòng, chống dịch. Đặc biệt là phải nắm chắc số người đi về từ vùng dịch, kịp thời tư vấn, hướng dẫn họ cách ly, phòng bệnh.
Chấn chỉnh hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”
- Cùng với y tế dự phòng, hoạt động của các bệnh viện của Thủ đô thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Vậy, điều gì khiến ông tâm đắc nhất trước sự thay đổi này?
- Thời gian qua, ngành Y tế Thủ đô đã nỗ lực tìm những hướng đi đột phá, trong đó tập trung vào 3 khâu: Cơ sở hạ tầng, công nghệ và nhân lực. Đặc biệt, chú trọng đầu tư phát triển những kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị, nhiều kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện trung ương. Trong đó có một số lĩnh vực thế mạnh, như: Sản phụ khoa, tim mạch, ung bướu, phẫu thuật tạo hình… Nâng chất lượng phục vụ, các bệnh viện đều thành lập phòng công tác xã hội, có nhân viên đón tiếp và hướng dẫn bệnh nhân chu đáo ngay từ khi bước chân vào viện. Người dân đã hài lòng với các dịch vụ y tế hơn trước. Không chỉ tuyến thành phố, tôi đi nhiều bệnh viện tuyến huyện cũng thấy có sự thay đổi rõ rệt… Đây là điều khiến tôi tâm đắc nhất.
- Xin đồng chí nói cụ thể hơn về hiệu quả trong việc đầu tư trang thiết bị hiện đại, triển khai kỹ thuật cao tại các bệnh viện của thành phố thời gian qua?
- Trên địa bàn Hà Nội có nhiều bệnh viện đầu ngành tuyến trung ương, nếu các bệnh viện của thành phố không phục vụ tốt, không có kỹ thuật tốt thì không thể thu hút được bệnh nhân. Do đó, thời gian qua, nhất là trong năm 2019, nhiều bệnh viện của Thủ đô đã được đầu tư trang thiết bị hiện đại, triển khai nhiều kỹ thuật cao. Đơn cử như Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là cơ sở y tế công lập đầu tiên của Việt Nam thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp bào thai (tức là chữa bệnh cho thai nhi ngay từ trong bụng mẹ) với tỷ lệ thành công ngang tầm thế giới. Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) đưa vào sử dụng máy Pyrexar BSD-2000 (3D), góp thêm một công cụ hữu hiệu hỗ trợ cho liệu trình điều trị ung thư đạt hiệu quả và đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 5 trên thế giới triển khai sử dụng thiết bị này. Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng đã sử dụng robot phẫu thuật chỉnh gù vẹo cột sống và trở thành bệnh viện thứ hai của cả nước, sau Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức áp dụng kỹ thuật cao này…
Ứng dụng kỹ thuật cao trong điều trị và thành công với nhiều ca bệnh khó, các cơ sở y tế đã thu hút ngày càng đông bệnh nhân. Đây chính là động lực để ngành Y tế Thủ đô tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh không chỉ “giữ chân” người Việt điều trị trong nước, thay vì xuất ngoại mà còn thu hút bệnh nhân nước ngoài, Việt kiều đến nước ta chữa bệnh.
- Bên cạnh kết quả tích cực, thời gian qua, ngành Y tế Thủ đô vẫn còn để xảy ra một số vụ việc tiêu cực. Theo đồng chí, ngành sẽ làm gì để chấn chỉnh, loại bỏ hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh” này?
- Qua các vụ việc đáng tiếc xảy ra, chúng tôi xác định đây là dịp để ngành tập trung chấn chỉnh tốt hơn. Năm 2020, Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng và ban hành kế hoạch giám sát thực hiện quy chế chuyên môn và các hoạt động chăm sóc người bệnh. Sở Y tế thành lập đoàn giám sát thực hiện quy chế chuyên môn các đơn vị định kỳ 2 lần/năm. Tại các đơn vị cũng xây dựng kế hoạch tự kiểm tra, giám sát tại các khoa 1 lần/tuần và toàn bệnh viện 1 lần/tháng. Qua đó nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc lạm dụng kỹ thuật, lạm dụng thuốc và các tai biến xảy ra do sai sót về chuyên môn. Không chỉ có vậy, ngành Y tế Thủ đô đang tiếp tục thực hiện hàng loạt các biện pháp như: Đổi mới về mặt quan điểm, nhận thức, lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ; đổi mới về quản lý, cách làm và đổi mới về phong cách, thái độ phục vụ. Ngành cũng sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng các cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp, thân thiện với môi trường…
Tôi nghĩ rằng, một vài hiện tượng cá biệt không thể hiện vấn đề y đức của cả ngành Y. Bởi trên thực tế vẫn còn rất nhiều thầy thuốc tận tâm với nghề, hết mình vì bệnh nhân, dù cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn, vất vả. Ngay trong thời điểm dịch Covid-19, nhiều y, bác sĩ đã không ngại khổ, ngại khó, ngại nguy hiểm, cố gắng hết mình cứu chữa cho người bệnh.
- Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, ông có nhắn gửi gì tới đội ngũ những người thầy thuốc Thủ đô?
- Năm nay, Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các đơn vị không tổ chức mít tinh kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam mà tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Thông qua Báo Hànộimới, tôi xin gửi tới đội ngũ y, bác sĩ, người lao động đang công tác trong ngành Y tế Thủ đô những lời chúc tốt đẹp nhất. Dù không có dịp để chung vui với đồng nghiệp, song chúng tôi luôn tự nhủ, truyền thống vẻ vang của ngành là điểm tựa, động lực để mỗi người làm tốt hơn nhiệm vụ được giao. Người thầy thuốc khi đã nguyện dấn thân theo nghề y, thì luôn coi việc chữa bệnh, cứu người là lẽ sống.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.