Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực bảo vệ người tiêu dùng

Thanh Hiền| 02/04/2023 07:10

(HNM) - Tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang diễn ra ngày càng phức tạp trên các gian hàng trực tuyến. Vì thế, sau khi Chính phủ phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025, có thể tin vào sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng.

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại điểm tập kết ở Khu đô thị Times City (quận Hoàng Mai), ngày 24-2. Ảnh: Quang Anh

Không phải mất thời gian đi đến các cửa hàng, không phải chờ đợi thanh toán… người tiêu dùng chỉ cần ở nhà, truy cập internet, với vài thao tác đơn giản là có thể đặt mua cho mình món đồ mong muốn. Sau đó, sản phẩm được giao đến tận nơi theo yêu cầu. Tuy nhiên, mua hàng qua mạng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro cho người tiêu dùng, do có không ít những tổ chức, cá nhân, người bán hàng trực tuyến quảng cáo không đúng về chất lượng, kiểu dáng, công dụng của hàng hóa. Một số trường hợp bán hàng nhái, hàng kém chất lượng, lợi dụng sự cả tin, thiếu kinh nghiệm của khách hàng để bán hàng.

Điển hình, ngày 23-2-2023, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội) phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và Công an quận Hoàng Mai tiến hành kiểm tra đột xuất điểm tập kết kinh doanh hàng hóa kinh doanh trên mạng xã hội tại địa chỉ: P2.11.12, Park 2, Khu đô thị Times City, phường Mai Động, quận Hoàng Mai.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã tạm giữ gần 1 tấn bao bì tem nhãn, gần 2 tấn thành phẩm, nguyên liệu thuốc và thực phẩm chức năng tương đương hàng triệu viên các loại hình viên nhộng. Tất cả số thuốc viên được đựng trong các túi lớn, không có bao bì nhãn mác. Chủ cơ sở cũng không xuất trình được các giấy tờ hợp pháp liên quan đến kinh doanh loại hàng hóa trên.

Theo Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 Hoàng Đại Nghĩa, lực lượng chức năng phải mất nhiều thời gian để xác minh và kiểm tra được đối tượng bởi sự tinh vi trong cách thức giao dịch. Lợi dụng sự chặt chẽ trong khâu an ninh, cộng với giá thuê nhà hiện đang xuống thấp, đối tượng thường xuyên thay đổi các điểm chứa trữ hàng hóa từ nơi này sang nơi khác để đánh lạc hướng sự chú ý của người dân cũng như cơ quan chức năng. Mọi sự dịch chuyển đều diễn ra nhanh chóng và chuyên nghiệp bằng cách đóng thùng, sử dụng thang máy và xe tải chờ sẵn ở chân tầng hầm và chuyển sang địa điểm khác.

“Thậm chí trong vòng vài giờ, đối tượng đã xóa sạch dấu vết ở địa điểm mà chúng tôi xác định sau đó chuyển sang một điểm khác gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng quản lý thị trường trong xác minh thông tin để kiểm tra chính xác”, ông Hoàng Đại Nghĩa chia sẻ.

Cũng theo tìm hiểu của lực lượng chức năng, đối tượng thường xuyên sử dụng các căn hộ cao cấp làm điểm tập kết hàng hóa. Mọi thông tin, giao dịch chốt đơn đều được thực hiện thông qua mạng xã hội Facebook với tên "Kiều Anh Nguyên (Elly San)" và vận chuyển thông qua hình thức giao hàng thu hộ tiền (ship cod) nên việc xóa dấu vết rất nhanh.

Đây là một trong những vụ việc điển hình mà lực lượng Quản lý thị trường thành phố Hà Nội thực hiện nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường thương mại điện tử.

Dù vậy, chính các lực lượng chức năng nhìn nhận, việc phòng chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử sẽ còn nhiều điều khó lường khi thủ đoạn của các đối tượng vi phạm ngày càng phức tạp, tinh vi.

Nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến, ngày 29-3-2023, Chính phủ đã phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025. Trong đó, Đề án đã đề ra 6 giải pháp nhằm hiện thực hóa các mục tiêu.

Với việc đề án đi vào thực tế, hy vọng các sàn giao dịch thương mại điện tử; tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử sẽ ý thức rõ hơn về hệ lụy của việc kinh doanh hàng giả. Trong khi đó, người tiêu dùng cũng được tuyên truyền liên tục để hiểu rõ quyền lợi khi tham gia giao dịch trên sàn thương mại điện tử. Đi kèm đó, hệ thống chính sách, pháp luật về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nhãn hàng hóa trong hoạt động thương mại điện tử cũng sớm được hoàn thiện để bảo vệ tối đa quyền lợi người tiêu dùng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực bảo vệ người tiêu dùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.