(HNMO)- ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) đã có chia sẻ thẳng thắn, chân tình về những bất cập trong công tác xây dựng pháp luật của QH sau nhiệm kỳ đầu tiên tham gia
Tổng kết nhiệm kỳ: Cảm ơn nhân dân thôi là không thoả đáng!
Tại tổ TP.HCM, nhiều đại biểu cùng nhấn mạnh đến vai trò, đóng góp của người dân trước những thành tựu mà QH, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.
ĐB Trương Trọng Nghĩa |
ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng các báo cáo của QH, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ... đều rất nghiêm túc, cung cấp nhiều thông tin chi tiết, nhiều số liệu để ĐB, cử tri, nhân dân cả nước nhìn lại nhiệm kỳ vừa rồi. Qua đó, cử tri, nhân dân có cơ sở đánh giá QH, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ... với những kết quả đạt được như sửa đổi hiến pháp, ban hành hệ thống văn bản pháp luật, giữ cho kinh tế tăng trưởng, không rơi vào khủng hoảng; giữ được toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ...
ĐB Nghĩa đề nghị khi tổng kết nhiệm kỳ, phải đánh giá tương xứng nỗ lực của nhân dân, người lao động, công nhân, nông dân, chiến sỹ... bởi họ chính là người trực tiếp sản xuất, kinh doanh, tạo ra sản phẩm. Khi khó khăn, thiên tai, họ cố gắng chịu đựng và vượt qua.
ĐB Lê Thanh Hải cho rằng chỉ cảm ơn nhân dân thôi là không thoả đáng bởi thành tựu của đất nước trong những năm qua, trước hết và quyết định nhất là vai trò, sự đóng góp của nhân dân, niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ ta.
Ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của cộng đồng nhân dân, ĐB Nguyễn Phước Lộc nhấn mạnh đến khía cạnh thế trận lòng dân. "Khi chủ quyền biên giới, quốc gia, biển đảo có dấu hiệu bị xâm hại, lòng dân ta thể hiện tinh thần đoàn kết quyết liệt cao, tạo niềm tin vững chắc. Nhân dân trong nước, ngoài nước, tạo thế trận đoàn kết mạnh mẽ, huy động nhiều tiếng nói tiến bộ trên thế giới ủng hộ. Người dân tham gia tốt trong hoạt động từ thiện, nhân đạo, tình dân tộc, nghĩa đồng bào" - ĐB phân tích.
ĐB Nguyễn Phước Lộc |
Tuy nhiên, cũng theo ĐB này, hiện nay trong tham gia giao thông, vệ sinh thực phẩm, chữa bệnh, đưa con đi học, xin việc làm... ở góc cạnh nào cũng bức xúc, lúc nào cũng ngột ngạt. Do đó, các ĐB QH còn nhiều trách nhiệm, phải phấn đấu để xứng đáng với kỳ vọng của người dân.
ĐH Trần Thanh Hải cho rằng, trong hoạt động của mình, QH ngoài gần dân, trọng dân, hiểu dân thì phải củng cố thêm lòng tin của nhân dân.
Quyết tâm hơn nữa trong bảo vệ chủ quyền biển đảo
ĐB Trương Trọng Nghĩa nêu trong nhiệm kỳ vừa qua có điểm chưa làm được là để mất nhiều thời cơ. ĐB nêu ví dụ như không có bước chuyển kịp thời từ xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sang xuất khẩu nguyên liệu, sản phẩm chế biến ra thế giới để tăng thương hiệu, công nghệ và kết nối thị trường
"Trong suốt 10 năm qua, chúng ta đã xây dựng môi trường hoà bình trên Biển Đông nhưng đã không tranh thủ thời gian này để có nỗ lực đúng mức, chuẩn bị cho điều kiện mới bảo vệ chủ quyền ở cấp độ cao hơn trong tình hình mới" - ĐB Nghĩa nói.
ĐB Võ Thị Dung |
ĐB Võ Thị Dung bày tỏ ấn tượng trước báo cáo tổng kết của QH, đặc biệt với vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, hiện đang được nhân dân, cử tri cả nước hết sức quan tâm.
"Tại kỳ họp lần này, nhân dân cả nước vẫn mong muốn Đảng, QH, chính phủ phải quyết tâm hơn nữa, làm rõ chủ trương cho toàn dân biết trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền" - ĐB Dung bày tỏ.
Nhiều "món nợ" với cử tri
ĐB Phạm Khánh Phong Lan đã có những chia sẻ về những bất cập trong công tác xây dựng pháp luật của QH sau nhiệm kỳ đầu tiên tham gia.
"Các dự thảo luật khi đưa ra hội trường bấm nút, còn thiếu tính tranh luận. Chỉ là các ĐB báo cáo tham luận chứ không mang tính tranh luận. ĐB muốn tranh luận với ban soạn thảo chứ không phải với Uỷ ban thường vụ QH. Khi bấm nút, còn nhiều ý kiến không thống nhất, khiến đại biểu cảm thấy băn khăn, có tội" - Trước những tâm trạng như thế, ĐB Phong Lan còn chia sẻ đã "ăn không ngon, ngủ không yên" khi cử tri phản ánh về chất lượng xây dựng luật.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan |
Băn khăn về công tác dân nguyện, ĐB Phong Lan cũng cảm thấy mình còn nhiều "món nợ" với cử tri. Cử tri đến "khóc" với ĐB, nhưng vai trò của mình chỉ như người... chuyển thư và chưa thấy trường hợp nào được giải quyết thoả đáng.
Do đó, ĐB đề nghị QH phải báo cáo vấn đề này cho thoả đáng, để có "lối ra" cho nhiệm kỳ QH tiếp theo và các ĐBQH thực sự phát huy được quyền, vai trò, trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, nếu không sẽ rơi vào hình thức.
ĐB Đỗ Văn Đương cho rằng tính tranh luận tại nghị trường chưa đến cùng. Các vấn đề gai góc chưa làm rõ. Nhiều dự án luật còn nặng về câu chữ, sử dụng từ ngữ rắc rối. Do đó, khi đi vào thực tiễn cuộc sống lại trở lên phức tạp. Trong các văn bản báo cáo các bộ, ngành, phát biểu các ĐB, từ ngữ sử dụng khó hiểu, khiến người dân khó nghe.
Công tác giám sát của QH còn nặng về báo cáo, xét báo cáo, dựa vào báo cáo, tính phản biện, dân biểu chưa cao.
ĐB Đỗ Văn Đương |
Góp ý về hoạt động của QH trong nhiệm kỳ tới, ĐB Dương cho rằng mấu chốt vẫn là chất lượng ĐBQH. Cần phải nâng cao kinh nghiệm cuộc sống, bản lĩnh dám nói và nói đúng thực tế, gai góc để người ta nhìn ra mà sửa. "Gần đây tôi thấy chủ yếu ĐB có tuổi phát biểu mạnh dạn, tư duy trẻ trung, trong khi ĐB "đầu xanh" thì tư duy già cỗi bởi thiếu kinh nghiệm" - ĐB Đương thẳng thắn nêu cảm nhận.
Theo chương trình kỳ họp, trong hai ngày 28 và 29/3 tới, các ĐB sẽ thảo luận tại hội trường về các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ khoá XIII của QH, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao... Nội dung thảo luận sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.