(HNM) - Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, tính đến cuối năm 2018, nợ công ở nước ta được kiểm soát tốt - ở mức 58,4% GDP. Nợ Chính phủ cũng ở mức 50% GDP, đạt mục tiêu đề ra.
Tại cuộc họp báo chuyên đề về "Tình hình nợ công và các giải pháp kiểm soát chặt chẽ nợ công, bảo đảm an toàn, bền vững" tổ chức chiều 7-6, Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ nợ công, qua đó góp phần bảo đảm an toàn tài chính quốc gia.
Theo Bộ Tài chính, đến cuối năm 2018, nợ công của nước ta ước ở mức 58,4% GDP; nợ Chính phủ cũng ở mức 50% GDP; nợ nước ngoài ở mức 46% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ và kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ cũng đều đạt kết quả tốt hơn các mục tiêu đã đặt ra.
Bộ Tài chính cho biết, nợ công năm 2018 được kiểm soát, thấp hơn mức Quốc hội cho phép. |
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng phòng Kế hoạch và quản lý rủi ro, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, các chỉ tiêu nợ nói trên bảo đảm trong giới hạn được Quốc hội quyết định và thấp hơn mức dự kiến tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1-1-2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Kết quả này có được là do nền tảng vĩ mô khởi sắc, tăng trưởng GDP vượt kế hoạch và đạt mức cao nhất trong 11 năm qua.
Thêm vào đó, việc điều hành chính sách tài khóa đạt được nhiều kết quả khả quan, thu cân đối ngân sách ước vượt 7,8% so với dự toán, dự kiến bội chi ngân sách nhà nước thấp hơn so với dự toán là 3,7% GDP, qua đó giảm nhu cầu huy động vốn vay của Chính phủ.
Tuy nhiên, ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) chỉ rõ, mặc dù quy mô danh mục nợ Chính phủ đến cuối năm 2018 được kiểm soát tốt ở mức 50% GDP, giảm khá mạnh so với mức 52,7% vào năm 2016 và 51,7% vào năm 2017, song các chỉ tiêu chi phí rủi ro trong danh mục nợ Chính phủ, đặc biệt là nợ nước ngoài, có xu hướng kém thuận lợi hơn trước đây. Đối với danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ, trong 5 năm tới các khoản vay ODA sẽ giảm dần, tiến đến kết thúc, dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn vay dài hạn, ưu đãi cho đầu tư.
Rủi ro lãi suất danh mục nợ nước ngoài cũng có xu hướng gia tăng do tỷ trọng các khoản vay có lãi suất thả nổi tăng.
Để nâng cao hiệu quả quản lý nợ công, Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể. Ông Võ Hữu Hiển chia sẻ, bên cạnh việc thực hiện quyết liệt chỉ đạo và chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, Bộ Tài chính sẽ tổ chức đối chiếu, rà soát, đánh giá, tổng hợp nhu cầu vay của các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị sử dụng vốn vay công. Qua đó, sẽ dự báo tổng mức vay, trả nợ của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, hạn mức vay về cho vay lại và hạn mức bảo lãnh chính phủ sau năm 2020; đồng thời, sẽ triển khai các công cụ quản lý nợ, chủ động phục vụ việc xây dựng kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước, thị trường trái phiếu chính phủ theo hướng đa dạng hóa công cụ nợ, mở rộng cơ sở nhà đầu tư, ưu tiên nhà đầu tư dài hạn và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, Bộ sẽ kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện hạn mức nợ nước ngoài theo phương thức tự vay - tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, bảo đảm trong hạn mức được phê duyệt, đặc biệt là các khoản nợ ngắn hạn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.