Hài hước và giải trí hơn phần 1, nhưng
Phần 1 Teenage Mutant Ninja Turtles (Ninja Rùa) năm 2014 dù thành công về thương mại nhưng đã khiến nhiều khán giả hâm mộ thất vọng não nề vì thiếu hài hước, phi logic. Câu chuyện chỉ xoay quanh nữ phóng viên April O’Neil nhạt nhẽo của người đẹp “bình hoa di động” Megan Fox. Và các Ninja Rùa trở thành nhân vật thứ yếu trong bộ phim của mình.
Với Out of the Shadows (Ninja Rùa: Đập tan bóng tối), nhà sản xuất Michael Bay đã lựa chọn phương án mới. Đó là để bốn anh em ninja Rùa Leonardo, Raphael, Michelangelo và Donatello trở thành trung tâm của câu chuyện, đồng thời đưa vào phim các nhân vật được yêu thích từ nguyên tác truyện tranh như anh chàng cảnh sát Casey Jones, kẻ ác Krang và bộ đôi quái vật Bebop và Rocksteady.
Trong cuộc phiêu lưu lần này, bộ tứ Ninja Rùa lại phải đối mặt với kẻ ác Shredder từng bị đánh bại ở phần trước. Hỗ trợ cho Shredder là nhà khoa học điên rồ Baxter Stockman, một đoàn ninja và cùng quái vật heo rừng bụng phệ và tê giác đầu vuốt keo. Nhưng âm thầm đứng sau thao túng mọi việc là tên quái vật không gian Krang với tham vọng hủy diệt thế giới bằng con tàu khổng lồ.
Bộ tứ Ninja Rùa giỏi võ nhưng còn trẻ con |
Lấy 4 Ninja Rùa làm trọng tâm, kết quả là đạo diễn Dave Green và các đồng nghiệp đã tạo ra một phần kế tiếp thú vị hơn, hấp dẫn hơn, hài hước hơn. Khán giả sẽ không thể rời mắt trước những cảnh bay nhảy của 4 anh em nhà Rùa trên các tòa cao ốc, đối chọi với những kẻ xấu, đặc biệt khi lao khỏi chiếc máy bay trên bầu trời để đáp xuống một phi cơ khác hay quyết chiến trên mặt sông.
Ở phần 1, nhiều khán giả phàn nàn không thể phân biệt được ai trong 4 anh em Ninja Rùa. Trong Đập tan bóng tối, Leonardo, Raphael, Michelangelo và Donatello thể hiện rõ cá tính riêng, hợm hĩnh, hài hước đến bát nháo, và vẫn còn rất trẻ con, rất mê pizza, thích đi xem trộm những trận đấu bóng rổ.
Các Ninja Rùa đều có dung mạo khác thường và sức mạnh phi thường, nhưng đôi lúc vẫn khát khao được trở thành người bình thường, thoát khỏi bóng tối của hệ thống cống ngầm thành phố New York để vươn ra ánh sáng. Họ luôn cảm thấy tủi thân khi đối mặt với sự kỳ thị và sợ hãi của chính những người mà họ đang âm thầm bảo vệ.
Hai đối thủ đột biến gen của các Ninja Rùa là Bebop và Rocksteady cũng đem lại những khoảnh khắc cười ngặt nghẽo. Nhưng các nhân vật con người trong phim thì không thú vị được như Ninja Rùa. Bên cạnh April O’Neil và anh chàng quay phim Vern đã trở thành người nổi tiếng, có quá nhiều gương mặt mới xuất hiện như Casey Jones, tiến sĩ Baxter Stockman, cảnh sát trưởng Laura Linney, Krang...
Do đó nội dung phim trở nên phức tạp một cách không cần thiết, nhiều lúc lộn xộn, thiếu logic. April O’Neil của Megan Fox vẫn vậy, vẫn chỉ là một gương mặt đẹp tạo sức hút giới tính cho bộ phim. Stephen Amell rất nổi bật trong loạt phim truyền hình Arrow (Mũi tên xanh) cũng không gây được bất kỳ ấn tượng nào với vai Casey Jones. Sự tương tác giữa Casey Jones và April O’Neil là khá khiên cưỡng.
Cách kể chuyện của Đập tan bóng tối hơi cũ kỹ, dễ đoán, dễ nhận, cuộc chiến cuối cùng giữa anh em nhà Rùa và gã quái vật không gian diễn ra chưa thật sự ấn tượng, không đủ để khiến khán giả thỏa mãn. Cái “chất” điển hình của Michael Bay vẫn hiện rõ trong từng thước phim. Với một nhà sản xuất khác, có lẽ Ninja Rùa sẽ trở nên đặc sắc và lôi cuốn hơn.
Có cảm giác Đập tan bóng tối bị mắc kẹt giữa hai trạng thái. Nó hơi quá bạo lực đối với trẻ em nhỏ, nhưng lại thiếu đi sự sâu sắc, ý nghĩa, tham vọng và dàn diễn viên đủ xuất sắc để có thể chinh phục được giới thanh thiếu niên đã quen thưởng thức những loạt phim chất lượng như Harry Potter, The Hunger Games (Đấu trường sinh tử) hay những tác phẩm siêu anh hùng đặc sắc của Marvel.
Dẫu vậy, Ninja Rùa: Đập tan bóng tối vẫn là một bộ phim giải trí đủ hấp dẫn dành cho mọi lứa tuổi trong mùa hè này. Bộ phim được trình chiếu tại Việt Nam từ ngày 1/6.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.