(HNM) - Dự án công bố và phổ biến các tác phẩm văn học được Giải thưởng Nhà nước (các đợt 2001, 2007 và 2012) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 20-2.
Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với các tác giả và đối với đời sống văn học, xuất bản hiện nay? Các nhà văn, nhà thơ nói gì về sự ra đời các tác phẩm được giải của họ?
Báo Hànộimới xin ghi lại ý kiến của các nhà văn được Giải thưởng Nhà nước quanh câu chuyện này!
- Nhà văn Ma Văn Kháng: Giải thưởng Nhà nước đợt I năm 2001 với các tiểu thuyết, tập truyện ngắn “Đồng bạc trắng hoa xòe”, “Mùa lá rụng trong vườn”, “Trăng soi sân nhỏ”.
- Tôi vẫn nghĩ, các tác phẩm đoạt giải ít nhiều mang giá trị kết tinh, tiêu biểu cho một giai đoạn lớn của văn học nước nhà. Việc công bố, phổ biến một cách có quy mô và hệ thống những tác phẩm này là niềm vui lớn của giới văn học nói chung và nhà văn đoạt giải nói riêng, góp phần vào công tác nghiên cứu văn học đương đại vốn chưa được đầu tư quan tâm đúng mức.
Một số tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Ma Văn Kháng. |
Riêng tôi, mừng nữa là vì những tác phẩm của bản thân đoạt Giải thưởng Nhà nước đều là tác phẩm mà tôi yêu thích. Tiểu thuyết “Đồng bạc trắng hoa xòe” viết xong năm 1972 dày hơn 500 trang. Tác phẩm in đầu tiên năm 1979, in lại năm 1983, nay tôi cũng chỉ còn 1-2 cuốn, giấy thì đen, chữ xếp lên hàng xuống dốc. Lần in đầu tiên, tôi hồi hộp lắm vì mình là tác giả trẻ, hơn nữa giấy lại hiếm và khó khăn. Thế rồi đang in thì hết giấy, nên “lứa” sách đầu tiên ra đời nửa trắng giấy mới, nửa đen giấy cũ, nom như chiếc bánh khảo. Tuy nhiên, thời đó lần in đầu tiên đã lên tới 14 nghìn bản. Còn nhuận bút là 6 nghìn đồng. Và với 6 nghìn nhuận bút đó, tôi đã mua được một căn hộ nhỏ 30m2.
Hai cuốn kia là “Mùa lá rụng trong vườn” và “Trăng soi sân nhỏ” cũng là những tác phẩm mà tôi hài lòng, mặc dù cũng được tái bản nhiều lần nhưng nếu được in lại và phổ biến trong dự án này, với tôi vẫn là một niềm vui.
- Nhà thơ Vũ Quần Phương: Giải thưởng Nhà nước năm 2007 với các tập thơ: “Hoa trong cây”, “Những điều cùng đến”, “Vết thời gian”.
- Đây là một việc làm cần thiết, có ý nghĩa, đúng lúc. Cần thiết vì sách nói chung, văn học nói riêng in ra nhiều nhưng khó chọn được sách hay, như thể “nước lội thì có nhưng nước uống thì không”. Mặc dù giải thưởng không hẳn là chính xác tuyệt đối, nhưng cũng đã là qua một lần chọn lọc. Việc phổ biến tác phẩm đoạt giải sẽ giúp cho công chúng có thêm một sự tham khảo, lựa chọn. Mặt khác, công việc này cũng là một sự khẳng định, một cuộc điểm danh lại các giá trị của nền văn học cách mạng.
Vấn đề là phải thực hiện sao cho hiệu quả, khi in cũng không nên in cả, trong tác phẩm đoạt giải, bên cạnh nhiều “hạt mẩy” thì cũng có “hạt lép”. Tác giả cũng có trách nhiệm trong việc tự sàng lọc tác phẩm của mình. Bỏ “hạt lép” ra cũng là cách tôn trọng mình và tôn trọng độc giả. Cũng nên in kèm lời giới thiệu giúp bạn đọc tiếp cận cái hay, cái đẹp của tác phẩm. Với tôi, đây cũng là thử thách mới để xem tác phẩm đoạt giải của mình còn có độc giả nữa không!
- Nhà văn Lê Minh Khuê: Giải thưởng Nhà nước năm 2012 với tập truyện dành cho thiếu nhi “Những ngôi sao xa xôi”, các tập truyện “Cao điểm mùa hạ” và “Một chiều xa thành phố” .
- Trong số các tác phẩm được Giải thưởng Nhà nước của tôi thì tập truyện “Những ngôi sao xa xôi” tôi viết lúc mới 19 tuổi. Mặc dù lúc đó cũng đã đọc nhiều sách, viết cũng đã ý thức nhưng cũng không phải là ý thức của người đã trưởng thành. Chính truyện “Những ngôi sao xa xôi” có thời tôi đã hắt hủi nó, bởi mình ngày càng quen với cách viết dữ dội. Bất ngờ là gần đây, trong một lần đi Lạng Sơn tôi lại thấy các em học sinh THCS ở đây rất thích truyện ngắn này, thậm chí có một nhóm bạn trẻ còn đứng tên các nhân vật trong truyện. Một điều thú vị khác là vài năm trước, một NXB ở Mỹ gửi cho tôi tập sách có tên “Nghệ thuật truyện ngắn thế giới”, tuyển tác phẩm của nhiều “đại gia” truyện ngắn các nước. Vậy mà trong đó lại có truyện “Những ngôi sao xa xôi”. Tôi vẫn nghĩ những tác phẩm được Giải thưởng Nhà nước là sự ghi nhận giá trị của tác phẩm văn học trong một thời kỳ nhất định, còn sau này sự đánh giá của bạn đọc đối với nó thì là một câu chuyện khác. Việc phổ biến các tác phẩm này có ý nghĩa khẳng định lại một lần nữa thành quả văn chương trong một thời kỳ lịch sử; tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn rằng sự xuất hiện trở lại của các tác phẩm này có góp phần thúc đẩy sáng tác đương đại không thì cũng phải chờ xem. Bởi lẽ văn học vốn rất đa dạng, vốn là một dòng chảy không ngừng nghỉ.
- Nhà văn Thái Bá Lợi, Giải thưởng Nhà nước 2012 với hai cuốn tiểu thuyết “Họ cùng thời với những ai” và “Trùng tu”.
- Văn hóa đọc đang suy giảm nói chung. Ở ta, nhiều năm nay sách in ra thường dưới 1.000 bản, với một nước gần trăm triệu dân trải dài trên hai nghìn cây số thì việc ai ở đâu đọc sách in ở đó là không lạ. Có một dự án in lại những tác phẩm Giải thưởng Nhà nước là điều đáng mừng. Nhưng không phải chỉ có các tác phẩm được giải thưởng mà nhiều tác phẩm có giá trị khác đang chờ những dự án tiếp theo để những giá trị văn học được thử thách qua thời gian đến được với bạn đọc nhiều hơn, góp phần khôi phục văn hóa đọc, thúc đẩy sáng tác như các nước quanh ta đang làm.
Riêng về hai cuốn tiểu thuyết của tôi, “Họ cùng thời với những ai” viết về những trận đánh trực tiếp với quân Mỹ ở chiến trường Quảng Trị năm 1967 và “Trùng tu” viết về Tết Mậu Thân ở Huế. May mắn là lần in đầu vào thời bao cấp, số lượng lớn nên có nhiều người đọc. Hai cuốn sách này tuy viết về đề tài chiến tranh, nhưng tôi đã đặt nó trong suy nghĩ của những người sống sau những sự kiện đó nhiều năm. Và đến tận bây giờ, hiện thực của những cuộc chiến đấu đó vẫn còn ám ảnh tôi…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.