(HNM) - Nông nghiệp công nghệ cao là nền nông nghiệp được ứng dụng những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững.
Nông nghiệp công nghệ cao chính thức được định hướng từ năm 2012, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1895/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020. Thế nhưng, hơn 5 năm qua nhiều địa phương vẫn loay hoay, chưa tìm ra hướng bứt phá bởi hàng loạt khó khăn. Đó là những vướng mắc khi pháp luật về đất đai chưa tạo hành lang pháp lý cho thúc đẩy tích tụ ruộng đất; quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động trong nông thôn diễn ra chậm; khoa học công nghệ chưa phát huy vai trò động lực, đòn bẩy trong sản xuất; số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn thấp… Và Hà Nội cũng không nằm ngoài khó khăn, vướng mắc chung này.
“Cái khó ló cái khôn”! Không cứng nhắc phải là những mô hình lớn trên những cánh đồng “thẳng cánh cò bay” cùng hạ tầng hiện đại… Hà Nội đã xuất hiện những mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên diện tích đất khiêm tốn, đầu tư vừa phải, quy trình đơn giản… Từ mô hình này, không ít người nông dân ở Hà Nội có "của ăn của để". Đây là minh chứng cho tín hiệu tích cực trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Hà Nội.
Đặc biệt, những mô hình này rất phù hợp với điều kiện của Hà Nội và triển vọng hơn khi tính ứng dụng cao và dễ nhân rộng. Trong khi rào cản với nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều thì đây có thể xem là những hạt nhân, tạo sức bật cho nông dân Hà thành khởi nghiệp. Sự thành công này cần được nhân rộng, để người dân thấy công nghệ cao là những điều gần gũi trong sản xuất, từ đó tìm tòi, sáng tạo, ứng dụng. Như chỉ đạo của đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông thôn giai đoạn 2016-2018": Trong năm 2017, ít nhất mỗi huyện có 1 điểm ứng dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất... Để rồi đến nay, thành phố đã có 105 mô hình. Song, cũng không phải nhà nhà, người người làm… mà sản xuất phải dựa vào tín hiệu thị trường, phát triển có chọn lọc, theo hướng bền vững.
Bên cạnh đó, chính quyền các cấp phải vào cuộc, tìm hiểu cặn kẽ điều kiện địa phương, thị trường vùng, miền để đề xuất những phương án phù hợp; phải là chỗ dựa cho doanh nghiệp, là khâu trung gian, kết nối doanh nghiệp với nông dân…
Được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao như thị trường lớn, có nhiều viện nghiên cứu, nhiều doanh nghiệp… nên muốn nông nghiệp Hà Nội cất cánh, những yếu tố này phải được hiện thực hóa bằng việc hoàn thiện cơ chế, chính sách; đầu tư hạ tầng; xây dựng thương hiệu hàng hóa và gây dựng những mô hình điểm... Điều này càng thiết thực hơn khi nông nghiệp Thủ đô năm 2018 đặt mục tiêu tập trung đưa ứng dụng khoa học công nghệ và công nghệ cao vào sản xuất, phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp đạt từ 2,0 đến 2,5%.
Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao được xây dựng trong thời gian qua tuy quy mô không lớn, nhưng hiệu quả và phù hợp với thực tế. Đó chính là những viên gạch và là cơ sở thực tiễn thuyết phục đặt nền móng vững chắc cho bước phát triển đột phá của nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.