(HNM) - Hơn 60 ý kiến, tham luận của các nhà khoa học, nhà lãnh đạo, nhà quản lý có tâm huyết đã đóng góp cho Cương lĩnh, văn kiện xây dựng đất nước của Đảng tại hội thảo: "Những vấn đề kinh tế - xã hội trong bổ sung phát triển Cương lĩnh năm 1991 trình Đại hội XI" do Tạp chí Cộng sản tổ chức ngày 28-10 tại TP Hồ Chí Minh.
Các tham luận đều có chung nhận xét: Thực tiễn phát triển nền kinh tế nước ta cho thấy, nội dung Cương lĩnh năm 1991 về sở hữu và các thành phần kinh tế đã từng bước được thể chế hóa, đi vào đời sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, khi đánh giá nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến đổi to lớn và sâu sắc cần đề cập đến vấn đề khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu trong thời gian qua là mang tính chu kỳ. Từ đó, giúp chúng ta nhìn nhận khách quan hơn về những khuyết tật vốn có của chủ nghĩa tư bản trong thời đại ngày nay, có cơ sở đánh giá thực tế về vai trò của thành phần kinh tế tư bản nhà nước, xác định vị trí, vai trò quan trọng loại hình sở hữu này trong "kết cấu kinh tế - xã hội quá độ", tạo nên tính chất đan xen giữa sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân. Riêng đối với nguồn lực cho sự phát triển, cần phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực thông qua nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, sử dụng nguồn vốn ODA có hiệu quả nhưng vẫn giữ được nền kinh tế độc lập tự chủ.
Đánh giá chung về mô hình phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ ở nước ta, các ý kiến đều thống nhất, đó là sự kết hợp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với kinh tế tri thức, với phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng kinh tế độc lập, tự chủ trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.