Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những tổn thất tài chính do sự xâm nhập của các phần mềm độc hại

H.Đ| 30/05/2014 10:26

(HNMO) - Ngày 30-5 tại Hà Nội, Microsoft đã chính thức công bố kết quả từ nghiên cứu mới nhất về sự xâm nhập của các mã độc và những tổn thất lớn do chúng gây ra khi sử dụng phần mềm không bản quyền.

Bà Rebecca Ho, Giám đốc về Sở hữu trí tuệ, Microsoft Đông Nam Á


Năm 2014 được dự báo tiếp tục là một năm đầy biến động về an toàn mạng trên toàn cầu với sự phát triển nhanh của các loại tội phạm mạng cả về số lượng và cả về mức độ tinh vi của các phương thức tấn công. Mục tiêu tấn công của tội phạm mạng đang chuyển hướng, không chỉ nhắm đến người dùng cá nhân và các tổ chức doanh nghiệp, mà đang hướng thẳng đến các cơ quan và tổ chức nhà nước của các Chính phủ. Trước thực trạng này, nghiên cứu của IDC đã được thực hiện thông qua việc khảo sát trên 1.700 người (trong đó 807 người đến từ khu vực Châu Á Thái Bình Dương) bao gồm tất cả các đối tượng từ người tiêu dùng, nhân viên và các nhân sự cấp cao trong ngành CNTT đến các cán bộ thuộc khối chính phủ tại Brazil, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Mehico, Ba Lan, Nga, Singapore và Ukraina.

Theo kết quả từ nghiên cứu, Chính phủ các nước tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương đã bày tỏ sự lo lắng của mình tập trung vào các vấn đề chính bao gồm sự xâm nhập trái phép vào thông tin bí mật cấp quốc gia (57%), các cuộc tấn công mạng vào cơ sở hạ tầng trọng yếu (56%), và việc đánh cắp bí mật thương mại và các thông tin cạnh tranh. Ước tính, khối Chính phủ toàn cầu mất hơn 50 tỷ đô-la Mỹ để giải quyết thiệt hại và đối phó với tình trạng mã độc tràn lan trên các phần mềm không bản quyền.

Với khối Doanh nghiệp tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, con số này được tính toán lên tới gần 230 tỷ đô-la Mỹ trong năm 2014 để đối phó với các rủi ro gây nên bởi các phần mềm độc hại được cài đặt có chủ ý trên các chương trình không bản quyền, trong đó bao gồm 59 tỷ đô-la Mỹ để xử lý các vấn đề an ninh và 170 tỷ đô-la Mỹ để khắc phục tình trạng ăn cắp dữ liệu. Người tiêu dùng tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương cũng được dự đoán sẽ phải gánh khoản chi phí lên tới 11 tỷ đô-la Mỹ vì những thiệt hại do tội phạm mạng gây nên và việc phải sửa chữa máy tính do sự xâm nhập của các mã độc từ phần mềm không bản quyền.

Trong phạm vi của nghiên cứu lần này, trên cơ sở phân tích 203 máy tính được mua mới tại các cửa hàng tại 11 thị trường nhưng đã bị cài đặt phần mềm không bản quyền, Trường Đại học Quốc gia Singapore đã đưa ra một con số đáng kinh ngạc với 61% máy tính đã bị xâm nhập bởi các phần mềm độc hại bao gồm các mã độc Trojan, sâu máy tính, vi-rút...

“Thực tế trên đã chỉ ra rằng tội phạm mạng đang tận dụng cơ hội từ các chuỗi cung ứng không an toàn để phát tán phần mềm độc hại khiến người dùng phải đối mặt với những tổn thất lớn về tài chính khi máy tính bị xâm nhập bất hợp pháp. Nghiên cứu này thêm một lần nữa tiếp tục là một hồi chuông cảnh báo thiết thực giúp người dùng nâng cao nhận thức về bảo mật máy tính, đồng thời tự bảo vệ mình tránh trở thành những nạn nhân tiếp theo của tội phạm mạng”, Bà Rebecca Ho, Giám đốc về Sở Hữu Trí Tuệ, Microsoft Đông Nam Á chia sẻ.

Để bảo vệ mình khỏi những tổn thất gây ra bởi phần mềm không bản quyền, người dùng cá nhân, doanh nghiệp hay các tổ chức Chính phủ đều cần thận trọng khi quyết định mua máy tính mới – phải chắc chắn chúng được cài đặt phần mềm bản quyền và nên mua từ các nguồn cung ứng đáng tin cậy.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những tổn thất tài chính do sự xâm nhập của các phần mềm độc hại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.