Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những tín hiệu tích cực

Minh Ngọc| 12/02/2019 07:36

(HNM) - Trong năm 2019, các ngành, địa phương sẽ dành sự quan tâm nhiều hơn đến đối tượng yếu thế, đồng thời ưu tiên, tập trung các nguồn lực để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Sự nỗ lực đó mang đến những tín hiệu tích cực ngay từ những ngày đầu xuân mới Kỷ Hợi.

Dạy nghề cho lao động nông thôn ở huyện Chương Mỹ. Ảnh: Hà Hiền


Niềm vui lan tỏa

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, hai anh em song sinh Nguyễn Thành Nhân và Nguyễn Thành Phát, lớp 3A3, Trường Nguyễn Đình Chiểu vui vầy bên gia đình ở thôn Đồng Nghệ, xã Hợp Đồng (Chương Mỹ). Cháu Phát ngân nga hát những bài hát đón chào xuân mới, cháu Nhân thổi sáo, đệm đàn, tạo nên những thanh âm tươi vui. Ông ngoại của hai cháu là Trương Bá Thụ, kể: "Nhân và Phát bị khiếm thị bẩm sinh, kinh tế gia đình không mấy dư giả. Nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, sự quan tâm, chăm lo của cộng đồng xã hội, hai cháu có cơ hội đến trường như bao trẻ em khác. Trước kỳ nghỉ, các cháu nhận được nhiều phần quà ý nghĩa, nên rất phấn khởi đón Tết, vui xuân".

Trong ngôi nhà nhỏ ở thôn Nội Xá, xã Vạn Thái (huyện Ứng Hòa), cháu Trần Thị Như Quỳnh ríu rít bên bố mẹ. Chị Ngô Thị Mai, mẹ của cháu Quỳnh cho biết, chồng chị vốn là trẻ mồ côi, trưởng thành một phần là nhờ sự quan tâm của xã hội. Sinh ra không may bị câm điếc, cháu Quỳnh cũng nhận được sự quan tâm cả về vật chất và tinh thần từ các nhà hảo tâm. Mặc dù gia đình thuộc diện hộ nghèo, nhưng Quỳnh vẫn được đến trường đúng tuổi, được đón Tết trong niềm hạnh phúc, no đủ.

Ngoài những trường hợp kể trên, hàng nghìn trẻ khuyết tật, mồ côi, học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn TP Hà Nội đều nhận được những suất quà Tết ý nghĩa, bảo đảm mọi trẻ em đều có Tết. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 12.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 55.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Dù thuộc đối tượng nào, các cháu cũng nhận được sự quan tâm, chăm lo thường xuyên của các cấp chính quyền và cộng đồng xã hội. “Ngoài những suất quà Tết, trong năm 2019, Hà Nội phấn đấu có 545/584 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em; bảo đảm cho hơn 99% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, hỗ trợ bằng nhiều hình thức”, ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho hay.

Các thành viên thuộc diện hộ nghèo, người già tàn tật, cô đơn, người lang thang cũng nhận được sự quan tâm nhiều hơn. Dự kiến, đến cuối năm 2019, Hà Nội sẽ có 3.548 hộ gia đình thoát khỏi cảnh nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 1,3%; 100% người khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ xã hội; không có ai bị bỏ lại phía sau. Bà Bùi Thị Gái, tổ 12, phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) bày tỏ: “Gần 80 tuổi, tôi vẫn phải làm trụ cột gia đình do phải lo cho con gái có trí tuệ không bình thường, nuôi cháu đang đi học. Các nguồn lực hỗ trợ của cộng đồng giúp gia đình tôi và những người đồng cảnh có thêm niềm tin vào tương lai”.

Điểm tựa cho tương lai

Người xưa thường nói: “Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay”. Ngày nay, việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước vẫn luôn là yêu cầu cấp bách. Vì vậy, năm 2019, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Thủ đô đặt mục tiêu đào tạo nghề cho 205.000 lượt người, trong đó có 20.000 lao động nông thôn, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 67,5%. Toàn thành phố sẽ giải quyết việc làm cho 154.000 lao động, duy trì tỷ lệ lao động thất nghiệp dưới 2%...

Trên tinh thần đó, ngay từ đầu năm, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã lên kế hoạch tuyển sinh, đào tạo cho năm học 2019-2020. Ông Nguyễn Đức Dũng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề số 1 Hà Nội cho biết, trong năm học 2018-2019, nhà trường tuyển được 732 học sinh, tăng gấp đôi so với những năm trước đó. Nhằm bảo đảm đầu ra cho người học, cơ sở này đã ký kết hợp tác đào tạo với 7 doanh nghiệp; ký hợp đồng cung cấp lao động thường xuyên cho với 4 doanh nghiệp...

Đối với lao động nông thôn, các địa phương khu vực ngoại thành đã khảo sát, xây dựng kế hoạch đào tạo, bảo đảm cho nguồn kinh phí hỗ trợ đến đúng người, đúng đối tượng. “Năm nay, huyện Thạch Thất không tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi chưa dự báo được nơi làm việc, mức thu nhập của người lao động sau khi học nghề”, ông Kiều Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất khẳng định.

Tại Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 25-1-2019, UBND TP Hà Nội yêu cầu các cấp, ngành, đoàn thể phải xác định, giải quyết việc làm cho người lao động là nhiệm vụ trọng tâm gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng được UBND TP Hà Nội xác định rõ, đó là thúc đẩy phát triển làng nghề, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; thúc đẩy khởi nghiệp… Trong quá trình đào tạo, các đơn vị cần liên kết với doanh nghiệp, bảo đảm đầu ra cho người học nghề, hướng đến chuẩn quốc gia, quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực…

Với hướng đi này, trong tương lai gần, đa số người lao động của Thủ đô sẽ qua đào tạo và đào tạo nghề. Vững nghề, người lao động sẽ có điểm tựa vững chắc để tạo dựng cuộc sống, xây đắp tương tai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những tín hiệu tích cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.