Trong tháng 10-2017, nhiều chính sách mới liên quan đến vấn đề lao động, tiền lương sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Quy định mới về xếp lương, thi nâng ngạch công chức
Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 05/2017/TT-BNV sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 11/2014/TT-BNV và Thông tư 13/2010/TT-BNV về tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn, bổ nhiệm ngạch và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và việc tổ chức thi nâng ngạch công chức.
Cụ thể, công chức được bổ nhiệm vào các ngạch công chức chuyên ngành hành chính quy định tại Thông tư 11/2014/TT-BNV được áp dụng bảng lương tương ứng kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang như sau:
- Áp dụng Bảng 2 (Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước) đối với các ngạch công chức: Ngạch chuyên viên cao cấp áp dụng công chức loại A3 (nhóm 1); ngạch chuyên viên chính áp dụng công chức loại A2 (nhóm 1); ngạch chuyên viên áp dụng công chức loại A1; ngạch cán sự áp dụng công chức loại A0; ngạch nhân viên áp dụng công chức loại B.
- Áp dụng Bảng 4 (Bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp của nhà nước) đối với ngạch nhân viên lái xe cơ quan.
- Thông tư 05 cũng quy định rõ cách chuyển ngạch và xếp lương đối với công chức đang giữ các ngạch công chức chuyên ngành hành chính (cũ) theo quy định tại Quyết định 414/TCCP-VC ngày 29-5-1993 của Bộ trưởng - Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ trưởng Bộ Nội vụ) về việc ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức hành chính sang các ngạch công chức chuyên ngành hành chính (mới) quy định tại Thông tư 11/2014/TT-BNV như sau: Đối với ngạch chuyên viên cao cấp, ngạch chuyên viên chính và ngạch chuyên viên, công chức đã được bổ nhiệm ở ngạch nào thì tiếp tục xếp lương theo ngạch đó.
Nhiều chính sách lao động, tiền lương có hiệu lực từ tháng 10-2017. (Ảnh minh họa) |
Đối với ngạch cán sự, công chức tốt nghiệp trình độ cao đẳng phù hợp với vị trí công việc đang làm thì được bổ nhiệm vào ngạch cán sự (mới), nếu đang xếp lương theo công chức loại A0 ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP thì tiếp tục xếp lương theo công chức loại A0 đó; nếu đang xếp lương theo công chức loại B ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP thì được xếp lại lương theo hướng dẫn tại Khoản 1 Mục II Thông tư 02/2007/TT-BNV của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển loại công chức, viên chức…
Thông tư trên có hiệu lực thi hành từ 1-10-2017.
Doanh nghiệp phải đền bù thiệt hại do xác định sai giá trị ròng của quỹ hưu trí
Đó là nội dung mới được quy định tại Thông tư 86/2017/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định 88/2016/NĐ-CP về chương trình quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện có hiệu lực từ ngày 1-10-2017.
Theo đó, trường hợp đầu tư vào chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán của các quỹ do doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí quản lý, doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí chỉ được thu phí quản lý quỹ một lần.
Khi doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí xác định sai giá trị tài sản ròng của quỹ hưu trí, xác định sai giá trị tài khoản hưu trí cá nhân và có phát sinh thiệt hại thực tế cho người tham gia quỹ thì phải đền bù thiệt hại cho người tham gia quỹ theo quy định tại Điều 23 Nghị định 88/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016.
Mức độ sai sót phải đền bù thiệt hại được quy định tại quy chế xác định giá trị tài sản ròng của quỹ hưu trí và xác định giá trị tài khoản hưu trí cá nhân nhưng không thấp hơn 0,75% giá trị tài sản ròng của quỹ.
Cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài qua mạng
Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Thông tư 23/2017/TT-BLĐTBXH (có hiệu lực từ ngày 02/10/2017) về hướng dẫn thực hiện cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài (NLĐNN) làm việc tại Việt Nam qua mạng điện tử. Cụ thể như sau:
- Trước ít nhất 20 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng NLĐNN, người sử dụng lao động phải khai thông tin vào tờ khai và nộp báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài qua mạng điện tử.
- Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tờ khai và hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động (GPLĐ), cơ quan cấp GPLĐ trả lời kết quả qua thư điện tử cho NSDLĐ, nếu hồ sơ chưa phù hợp thì đề nghị bổ sung.
- Sau khi nhận được trả lời hồ sơ phù hợp, người sử dụng lao động (NSDLĐ) nộp bản gốc hồ sơ đề nghị cấp GPLĐ đến cơ quan cấp GPLĐ để kiểm tra, đối chiếu và lưu theo quy định.
- Cơ quan cấp GPLĐ phải trả kết quả cho NSDLĐ trong thời hạn không quá 8 giờ làm việc kể từ khi nhận được bản gốc hồ sơ đề nghị cấp GPLĐ.
Quy định mới về thời điểm xét nâng bậc lương đối với sĩ quan
Ngày 23-8-2017, Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 208/2017/TT-BQP hướng dẫn chuyển xếp lương đối với sĩ quan, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ được tuyển chọn quân nhân chuyên nghiệp. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10-10-2017.
Theo đó, đã thay đổi quy định về thời điểm xét nâng bậc lương lần sau của quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) đối với sĩ quan so với quy định hiện hành tại Thông tư 152/2007/TT-BQP ngày 25-9-2007, cụ thể:
- Thời điểm xét nâng bậc lương lần sau của QNCN được tính từ tháng, năm ký quyết định thăng cấp bậc quân hàm sĩ quan hoặc nâng lương sĩ quan.
- Thời điểm xét nâng lương hiện tại (theo Thông tư 152/2007) được xác định dựa vào chênh lệch giữa hệ số lương QNCN so với hệ số lương sĩ quan.
- Bên cạnh đó, Thông tư 208 còn quy định về việc chuyển xếp lương đối với công nhân quốc phòng được tuyển chọn QNCN.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10-10-2017.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.