Theo Nghị quyết số 27-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, kể từ ngày 1-7-2024 bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương tồn tại từ năm 2004 đến nay. Thay vào đó là chế độ tiền lương mới trả theo vị trí việc làm, theo chức danh lãnh đạo, quản lý…
Vấn đề đang được dư luận quan tâm là làm sao để cải cách tiền lương phải gắn với vị trí việc làm; tạo sự công bằng khi lương được trả đúng theo năng lực, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức… Đặc biệt, bảo đảm cho tiền lương thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy cán bộ, công chức, viên chức nâng cao năng lực thực thi công vụ, ngăn ngừa tham nhũng.
Thực tế cho thấy, chính sách tiền lương đang tồn tại những hạn chế, bất cập; lương thấp, không bảo đảm nhu cầu sống cơ bản. Cơ chế lương cào bằng, người làm tốt và người không làm tốt đều được trả như nhau dẫn đến triệt tiêu động lực lao động. Mặt khác, cơ chế trả lương thiếu sự đánh giá gắn với kết quả làm việc dẫn đến hiện tượng một số cán bộ, công chức, viên chức cứ “bình chân như vại”...
Để đẩy nhanh tiến độ cải cách tiền lương theo lộ trình đề ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 135/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Kế hoạch nhằm tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong thực hiện cải cách chính sách tiền lương.
Yêu cầu cấp thiết đặt ra là bảo đảm việc xây dựng và triển khai đúng tiến độ, chất lượng các văn bản quy định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang thực hiện từ ngày 1-7-2024. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm và sự phối hợp của các bộ, cơ quan và địa phương trong quá trình cải cách chính sách tiền lương.
Để triển khai cải cách chính sách tiền lương đạt hiệu quả, trước hết, các đơn vị phải sớm hoàn thành xây dựng khung năng lực vị trí việc làm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức gắn với hiệu quả công việc. Cùng với cải cách tiền lương, bộ máy hành chính Nhà nước cần được sắp xếp lại theo hướng gọn nhẹ, đa chức năng, không bị chồng chéo, nhằm giảm bớt nhân lực dư thừa trong bộ máy hành chính, góp phần tạo thêm nguồn tài chính để trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức tương xứng với giá trị sức lao động.
Cùng với các giải pháp tổng thể do Bộ Nội vụ chủ trì tham mưu Chính phủ, việc tinh giản biên chế hành chính Nhà nước cần được coi như một khâu đột phá quan trọng, tinh giản về số lượng phải gắn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, nội dung cải cách chính sách tiền lương phải toàn diện, bao gồm cả thang lương, bảng lương, hệ số lương và các khoản phụ cấp nhằm bảo đảm tiền lương thực sự là đòn bẩy để tăng năng suất lao động, hiệu quả công tác và coi đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho phát triển.
Một giải pháp quan trọng nữa để cải cách tiền lương hiệu quả là phải tạo nguồn ngân sách tăng lương. Đây là một trong những bước đi đột phá đưa chính sách tiền lương đi vào thực tiễn đời sống, tiền lương phải gắn với hiệu quả công tác, năng suất lao động và bảo đảm nguyên tắc tốc độ tăng năng suất lao động phải nhanh hơn tốc độ tăng tiền lương bình quân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.