(HNM) - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa tuyên bố sẽ tiếp tục lấy mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế làm ưu tiên hàng đầu của chính phủ trong năm 2017.
Nhà lãnh đạo xứ Hoa anh đào cũng nhấn mạnh, nhiệm vụ này là một phần trong nỗ lực "xây dựng quốc gia" mới và nhắm tới việc chấn hưng nền kinh tế thông qua chính sách Abenomics với ba mũi tên gồm: Thúc đẩy tiêu dùng nới lỏng tiền tệ, cải cách tài chính và chính sách tăng trưởng tránh giảm phát. Tuyên bố trên được ông S.Abe đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang dần thoát khỏi tình trạng trì trệ của giảm phát, từng bước cải thiện thị trường việc làm sau 3 năm triển khai các biện pháp kích thích tăng trưởng quyết liệt.
Năm 2017, Thủ tướng Shinzo Abe đặt mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế lên hàng đầu. |
Chỉ số Nikkei của thị trường chứng khoán Nhật Bản đã tăng 0,4% trong năm 2016, năm thứ 5 tăng liên tiếp và cũng là chuỗi tăng điểm dài nhất kể từ cuối những năm 1980 đến nay. Thành tựu này góp phần vào ổn định giá trị đồng yên trên thị trường hối đoái, giữ vững vai trò tài sản tiền tệ đáng tin cậy đối với các thị trường toàn cầu, qua đó giúp hoạt động xuất khẩu tăng. Chính sách Abenomics cũng đã giúp tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản theo hướng ổn định hơn.
Theo cuộc thăm dò dư luận do Hãng tin Kyodo thực hiện mới đây cho thấy, khoảng 65% người dân cho rằng chính sách Abenomics đã và đang mang lại hiệu quả nhất định. Điều này khiến nhiều dự đoán tin tưởng vào triển vọng nền kinh tế Nhật Bản trong năm 2017 và lạm phát sẽ quay trở lại để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nguyên nhân của nhận định này được cho là đến từ ba tiền đề chính. Thứ nhất là bình ổn giá hàng hóa sẽ dỡ bỏ hầu hết áp lực giảm phát đè nặng lên nền kinh tế Nhật Bản trong những năm gần đây. Thứ hai là đồng USD mạnh đúng lúc đồng yên yếu đi mang lại lợi ích cho xuất khẩu và tiềm năng tăng trưởng kinh tế. Thứ ba là cơ hội lạm phát tăng lên do giá hàng nhập khẩu tất yếu sẽ tăng. Ngoài ra, một thực tế đáng mừng khác là thị trường việc làm của Nhật Bản đang vận hành tốt với tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở ngưỡng 3%, mức thấp nhất kể từ năm 1995 và tỷ lệ số việc làm mới tính trên số đơn xin việc là 2,11%, mức cao nhất kể từ năm 1991.
Tất nhiên, cùng với những thuận lợi cũng là nhiều khó khăn mà nội các của Thủ tướng S.Abe cần có sự chuẩn bị để đối mặt trong thời gian tới. Một số dấu hiệu bất cập ban đầu có thể kể tới như làn sóng bán tháo trái phiếu trên toàn cầu đã lan tới nước Nhật. Như thế, nếu Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) muốn duy trì chính sách giữ cho lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức quanh 0% thì sẽ phải mua vào trái phiếu với khối lượng lớn. Trong trường hợp xu thế này kéo dài, trái phiếu để mua vào sẽ hết, tình cảnh giống như giai đoạn trước tháng 9-2016.
Thế nên, một số nhận định cho rằng BoJ có khả năng sẽ nâng mục tiêu lãi suất lên 1% hoặc 2%, mức không quá cao để không gây sốc cho thị trường. Mặt khác, Nhật Bản không thể bỏ qua thực tế rằng các xu hướng toàn cầu hoàn toàn có thể bị đảo lộn. Không có gì bảo đảm việc bình ổn giá hàng hóa là xu hướng lâu dài và những đợt giảm giá mạnh sẽ làm tiêu tan triển vọng lạm phát ở Nhật Bản ngay lập tức. Thậm chí, sức hấp dẫn lớn của đồng yên có thể gây phản tác dụng trong trường hợp thị trường tiền tệ có vấn đề. Khi đó, các thị trường sẽ quay sang những đồng tiền tương đối ổn định hơn, dẫn tới hệ quả đồng yên nhanh chóng mạnh lên, đảo ngược hoàn toàn những tính toán trước đó.
Nhìn chung, chính sách Abenomics của Thủ tướng S.Abe sẽ còn gặp không ít chông gai, ít nhất là trong giai đoạn kinh tế Nhật Bản chưa phục hồi bền vững giữa bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị khu vực và quốc tế liên tiếp biến động. Điều đó khiến vai trò chèo lái cũng như những điều chỉnh mang tính tình huống của nhà lãnh đạo Nhật Bản càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận những hiệu quả của chính sách táo bạo này đối với nền kinh tế đất nước Mặt trời mọc. Thành quả này rất quan trọng khi Nhật Bản là quốc gia có tỷ trọng đầu tư vào các nước trong khu vực rất lớn. Sự phục hồi của trụ cột kinh tế lớn thứ hai Châu Á cũng đồng nghĩa với việc năng lực đầu tư tăng lên, nguồn tài chính ổn định sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhiều nước trong khu vực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.