Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những nhà giáo ''thắp lửa nghề''

Thống Nhất| 17/11/2022 06:29

(HNM) - Một trong những điểm nhấn tại Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022) của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa diễn ra, là phần trao biểu trưng vinh danh 40 “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ sáu. Họ là những tấm gương sáng, đại diện cho hơn 150.000 nhà giáo Thủ đô đã, đang nỗ lực, miệt mài cống hiến. Họ xứng đáng là những người thắp lửa nghề cho đồng nghiệp và tiếp thêm động lực cho học sinh, khẳng định niềm tin với toàn xã hội.

Lãnh đạo ngành Giáo dục Hà Nội trao Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ sáu, tháng 11-2022. Ảnh: Minh Đức

Truyền cảm hứng cho đồng nghiệp

Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” được Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội phát động lần đầu tiên vào năm học 2016-2017, nhằm động viên, khích lệ đội ngũ nhà giáo tự học và có những sáng kiến, giải pháp mới để vận dụng, giải quyết những vấn đề của thực tiễn tại mỗi nhà trường. Đây cũng là giải pháp của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhằm xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo - lực lượng được xác định có ý nghĩa quyết định tới chất lượng giáo dục.

Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ sáu được triển khai ở cấp cơ sở từ tháng 2-2022 và nhận được sự hưởng ứng tích cực của các nhà giáo trên toàn thành phố. Quận Hoàng Mai là đơn vị tích cực hưởng ứng từ mùa đầu tiên. Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai Trương Thu Hà cho biết, những kết quả của từng trường và toàn ngành thời gian qua có sự cống hiến không nhỏ của các nhà giáo tâm huyết, sáng tạo. Việc tự học, không ngừng đổi mới đã trở thành nhu cầu tự nguyện của mỗi nhà giáo.

Còn theo bà Hoàng Thị Mai, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú - Đống Đa, những sáng kiến đổi mới, sáng tạo của các nhà giáo Thủ đô đã và đang truyền cảm hứng, tạo động lực cho đồng nghiệp. Thông qua đó, phụ huynh học sinh và toàn xã hội càng hiểu rõ hơn về những vất vả của nhà giáo, thêm tin tưởng để đồng hành trách nhiệm.

Điểm mới của mùa giải lần này so với các mùa giải trước là ở vòng chung khảo, các nhà giáo trực tiếp báo cáo trước hội đồng xét duyệt về những ý tưởng, giải pháp đổi mới. Toàn bộ phần thuyết trình được truyền trực tiếp tới điểm cầu của các phòng giáo dục và đào tạo, trường học trên địa bàn thành phố để các nhà giáo cùng chia sẻ và lan tỏa những sáng kiến hay, có thể ứng dụng vào thực tế đơn vị mình.

Lan tỏa những sáng kiến vì học sinh

Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” ngày càng tạo hiệu ứng tích cực trong việc vận dụng sáng kiến, giải pháp để giải quyết khó khăn, nhất là với những vấn đề nóng, mới, đang là thách thức chung. Dù ở điều kiện dạy học ra sao, mỗi nhà giáo luôn nỗ lực tự hoàn thiện, lan tỏa sự tích cực, nhiệt huyết đến đồng nghiệp với chung mục đích, đem đến những điều tốt đẹp nhất cho học sinh.

Không chỉ “truyền lửa” cho đồng nghiệp về sự nỗ lực, lòng nhiệt huyết trong thời điểm có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhà giáo Lê Thị Hồng Thu, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Dương Xá (huyện Gia Lâm) còn có nhiều giải pháp để chăm sóc sức khỏe tinh thần học sinh, hạn chế tối đa những ảnh hưởng của việc học trực tuyến. Sáng kiến mang tính ứng dụng cao đã kịp thời hỗ trợ, khắc phục việc học sinh ngại giao tiếp, giảm áp lực, củng cố tinh thần và nhanh đáp ứng khi đi học trở lại.

Trong điều kiện chất lượng đầu vào của trường không cao (trung bình từ 5 đến 6 điểm/môn), cô giáo Bùi Thị Ngọc Lan, giáo viên dạy ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Hoàng Cầu (quận Đống Đa) với cương vị là Tổ trưởng chuyên môn, đã có nhiều đổi mới trong quản lý, giảng dạy với học sinh lớp 12. Vì thế, dù việc dạy, học bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, song trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021, học sinh của trường có bước đột phá với điểm trung bình tốt nghiệp môn ngữ văn đạt hơn 7,6 điểm, nằm trong nhóm 10 trường có điểm cao nhất thành phố.

Gắn bó hơn 40 năm với ngành, nhà giáo Nguyễn Văn Nghiệp, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phú Châu, huyện Ba Vì còn là người khởi xướng, làm lan tỏa “tiếng trống học bài” đến tất cả các xã, thị trấn của huyện Ba Vì từ năm học 2016-2017. Đến nay, “tiếng trống học bài” đã trở thành hiệu lệnh chung, nhắc nhở học sinh và nhân dân huyện Ba Vì cùng chăm lo nhiều hơn cho việc học, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Theo Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Trần Thị Thu Hà, 2 tiêu chí để xét tặng giải thưởng là tâm huyết với nghề và đổi mới, sáng tạo, có nhiều giải pháp được ứng dụng hiệu quả. Đây không chỉ là “thước đo” của hội đồng xét duyệt, mà còn là những tiêu chuẩn, yêu cầu mỗi nhà giáo Hà Nội cần hướng tới. Nhìn lại những mùa giải đã qua, thấy rõ những nỗ lực của đội ngũ nhà giáo trong việc tìm tòi, cụ thể hóa những ý tưởng, giải pháp để vận dụng trong thực tiễn. Những nhà giáo được tôn vinh thực sự trở thành nhân tố truyền cảm hứng, tạo động lực cho học sinh, góp thêm vào kho học liệu dùng chung của ngành những kinh nghiệm quý trong việc chăm sóc, giáo dục học sinh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những nhà giáo ''thắp lửa nghề''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.