(HNM) - Đêm xuống, khi nhà nhà đã yên giấc thì đâu đó vẫn có những góc Hà Nội không ngủ. Giữa phố phường yên tĩnh vẳng tiếng rao đêm, hay trong khu chợ đêm những phận người ly hương vẫn nhọc nhằn mưu sinh.
LTS: Đêm xuống, khi nhà nhà đã yên giấc thì đâu đó vẫn có những góc Hà Nội không ngủ. Giữa phố phường yên tĩnh vẳng tiếng rao đêm, hay trong khu chợ đêm những phận người ly hương vẫn nhọc nhằn mưu sinh. Họ là những người lao động xa quê, hằng ngày, hằng giờ vắt sức kiếm sống trong một môi trường cũng xa lạ với chính họ… Nhưng nhờ có họ, những hoạt động của Thủ đô lại được duy trì nhịp nhàng hơn khi bình minh lên.
Bài 1: Từ tiếng rao đêm đến “chợ người” rạng sáng
“Ngày nào cũng rạc cẳng thế này, mệt chứ, nhưng so với việc gánh thuê ở chợ đầu mối vẫn chưa là gì sất. Không tin, em cứ vào chợ Long Biên thì biết, phận lao động ngoại tỉnh chúng tôi phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt thế nào để đổi lấy bát cơm…”. Lời tâm sự của chị bán bánh mỳ dạo gợi mở cho tôi ý định lang thang khu chợ đêm lớn nhất Hà thành, với mong muốn được tận mắt chứng kiến những nhọc nhằn cơm áo của người lao động xa quê…
Người lao động gánh hàng thuê tại chợ đêm Long Biên. |
Câu chuyện lúc 0 giờ
Chị bán bánh dạo tên là Nguyễn Thị Hoa, người Thanh Lâm (Thanh Chương, Nghệ An). Quê hương “đá dày đất mỏng” khiến vợ chồng chị chật vật từ sớm tới khuya vẫn không lo đủ ngày hai bữa cho con. Suy nghĩ “cứ thế này chắc chết” trong đầu chị rồi cũng đến lúc bật thành tiếng. Chồng chị, bởi chẳng còn lựa chọn, đành để vợ ra Hà Nội kiếm ăn. Những tưởng đó chỉ là giải pháp tạm thời, nào ngờ lần xa quê ấy lại thành “nghiệp” vận vào chị suốt mười mấy năm qua.
Rời miền quê “chỉ nghe giọng nói đã thấy nhọc nhằn”, chị Hoa theo chúng bạn ngược ra Hà Nội. Những năm đầu còn sức khỏe, chị ôm đồm đủ việc, từ bốc vác, bán rong, rửa bát, dọn hàng…, chắt chiu, tằn tiện từng đồng để có một món tiền gửi về quê hằng tháng. Về sau, do lao lực rồi đổ bệnh, chị không dám tham công, tiếc việc, chỉ dừng lại ở nghề gánh thuê hằng đêm và bán bánh mỳ dạo mỗi tối. Chị tâm sự: “Việc gánh thuê mất nhiều sức lực, lại phải thức khuya nhưng bù lại tiền kiếm được ổn định, không bấp bênh như những công việc khác. Tiếng là con nhà nông, quanh năm quen với gồng gánh nhưng thời gian đầu vào nghề tôi cũng phải khiếp sợ vì chân tay phồng rộp và người mệt đến mức không mở mắt nổi… Gánh ở quê đâu có cần dốc lực như công việc này đâu!”.
Lời kể của chị Hoa dẫn đường cho tôi tới chợ đầu mối Long Biên, nơi có rất đông người ngoại tỉnh tụ về bán sức mưu sinh. Trái ngược với những con phố yên tĩnh, vắng lặng, chợ đêm Long Biên bán buôn tấp nập, người xe qua lại như mắc cửi. Từng chuyến hàng nối đuôi nhau, từng kiện hàng được bốc lên, dỡ xuống, người người chen lấn giữa tiếng hò hét tránh đường… tạo nên bầu không khí ồn ã, hối hả. Trong khung cảnh ấy, họ - những người gánh hàng thuê - góp phần đáng kể vào "sự sống" của chợ đêm lớn nhất Hà thành.
Nhộn nhịp "chợ người" lúc rạng sáng
Bắt đầu họp từ 22h đêm nhưng 1h sáng mới là thời điểm tập trung nhiều xe hàng về chợ. Đây cũng là lúc cường độ làm việc của đội ngũ gánh thuê được đẩy lên cao nhất. Mồ hôi thấm đẫm lưng áo, ai cũng có chung đặc điểm cắm cúi, vội vàng, mắt nhìn theo chân như muốn đẩy nhanh hơn nữa bước đi, sớm quay về nhận thêm lượt thuê mới. Với họ, dường như lúc này, việc chạy đua cùng thời gian mới là mục đích chính và chẳng điều gì có thể làm gián đoạn được quyết tâm ấy.
Ngược xuôi trong chợ đã mỏi và cũng thấy ái ngại nếu chặn đường những người đang dốc sức lao động để hỏi chuyện “lôi thôi” (chưa kể nguy cơ cao là sẽ bị từ chối), tôi đánh bạo ngỏ lời với một vài người gánh thuê, rằng: “Sẽ biếu tiền bằng vài lượt chuyển hàng nếu chịu ngồi xuống, kể về công việc của mình cho tôi nghe”. Không rõ việc trò chuyện về đêm thường dễ dàng hơn hay lời hứa “trả công” có tác dụng mà cuối cùng "những người bị làm phiền trong giờ làm việc” cũng nán lại một chút ven đường, trải lòng về những nhọc nhằn, vất vả từ cái nghề xa nhà đầy gian nan ấy. “Tôi tên Nguyễn Thị Vương, 50 tuổi, quê ở Ân Thi, Hưng Yên, lên Hà Nội gánh hàng thuê ở chợ này đã 15 năm. Như hôm nay mỗi chuyến hàng được trả 20 nghìn đồng. Ngày thường việc ít hơn mà công mỗi gánh hàng còn bị giảm một nửa. Một đêm cố lắm chỉ được 200 nghìn đồng, trừ tiền ăn và ngủ trọ, mỗi tháng cũng tiết kiệm được vài triệu đồng gửi về quê, nuôi lũ nhỏ”.
“Chợ này lúc đông nhất tập trung tới vài trăm người gánh thuê từ các tỉnh đổ về. Đông nhất là Hưng Yên, sau đến Vĩnh Phúc, Nam Định. Người Thanh Hóa, Nghệ An ít hơn… tuyệt không người thành phố làm công việc này. Thế nên, nhiều người còn gọi đây là chợ lao động, chợ người ngoại tỉnh nữa. Công việc vận chuyển hàng này cực nhọc lắm, trời mưa, giá rét càng phải cố đi vì những dịp đó mới ít phải chen lấn, tranh giành lẫn nhau. Sau mỗi buổi chợ, áo quần nhàu nhĩ, dơ bẩn, người ngợm bốc mùi, mệt mỏi…, chưa kể những rủi ro có thể gặp bất cứ lúc nào như làm dập nát hoa quả hay trả nhầm hàng, phải đền tiền cho chủ…”.
Sau một đêm vắt sức “chạy hàng”, người làm thuê ở chợ Long Biên lại chen chân vào các khu trọ, thuộc phường Phúc Xá, quận Ba Đình, có giá 15 nghìn đồng/lượt để ngủ lấy sức. Mức giá thuê trọ đó đã phản ánh rõ điều kiện sinh hoạt tạm bợ, thiếu thốn của những người lao động lên phố mưu sinh. Thế nhưng, với những người kiếm sống xa quê, chỉ cần có một chỗ ngả lưng cũng đủ khiến họ hài lòng. Tùy vào tuổi tác, sức khỏe, những thúc bách mưu sinh, mỗi người, sau vài giờ nghỉ ngơi, lại lục tục trở dậy, vội vã vào thành phố, nhận thêm việc khác để tăng thu nhập.
Nhiều người làm thuê tôi đã gặp đều thừa nhận, kiếm cơm thiên hạ không phải việc dễ dàng và “cực chẳng đã” họ mới phải rời quê để lăn lộn giữa chợ đời tìm kế sinh nhai. Tìm đến chốn đô thị phồn hoa, cơ hội kiếm tiền rộng mở hơn ở quê nhà, nhưng kèm theo đó là vô vàn khó khăn, bất trắc, cạm bẫy... Không ít người đã bị đánh đập, trấn lột, quỵt tiền… Gặp những cảnh đó, họ chỉ biết chia sẻ, than thở cùng nhau hay ngậm ngùi coi là chuyện “đen đủi”. Anh Lương Thế Tâm quê ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc, cho biết: “Ra thiên hạ kiếm sống là phải chấp nhận tất cả. Gặp người tốt thì được nhờ, người xấu thì phải chịu, kể cả bị đứa trẻ ranh bắt nạt cũng phải nhịn, miễn sao có việc để kiếm tiền là tốt rồi”.
Áp lực mưu sinh khiến nhiều lao động nghèo từ những vùng quê phải tìm về những đô thị lớn, chấp nhận điều kiện sống tạm bợ, thiếu thốn; làm những công việc vất vả; nhẫn nhục bỏ qua những bất công để đổi lấy những mong mỏi đơn sơ nhất: Bữa cơm đủ no, manh áo đủ ấm, con em được tới trường... Với họ, khát vọng sống tồn tại được nhờ vào hình ảnh người thân nơi quê nhà đang ngày đêm mong ngóng “chén cơm” họ mang về. Và cứ thế, vòng tròn mưu sinh, từ tiếng rao đêm đến “chợ người” rạng sáng, với đủ những nhọc nhằn, gian nan, không thiếu cả những hiểm nguy rình rập…, vẫn hằng ngày, hằng giờ luẩn quẩn theo mỗi bước chân của họ.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.