Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những người lính truyền tải Miền Tây

Thanh Mai| 07/02/2015 07:39

Chúng tôi về Châu Đốc, một thị xã vùng biên tỉnh An Giang khi Tết Nguyên đán đang cận kề và sự hối thúc những người công nhân truyền tải điện nỗ lực củng cố lưới điện giữ hệ thống lưới điện quốc gia an toàn, ổn định trong những ngày cả dân tộc đón xuân Ất Mùi.


Trên mảnh đất này, họ đã sống và làm việc như thế…

Xa dần cái bon chen, ngột ngạt và mùi khói xe nơi thị thành, vẻ thanh bình của làng quê Nam bộ dần hiện ra. Làng xóm dần thưa nhường chỗ cho những cánh đồng trắng xóa mênh mông một màu sông nước. Đi đâu cũng thấy nước và nước, nước ngập tràn khắp mọi nơi ở ĐBSCL mặc dù mùa lũ đã qua.

Sau gần bảy giờ, xe đưa chúng tôi đến thị xã Châu Đốc, một thị xã nhỏ bé, hiền hòa nằm bên bờ sông Hậu. Không biết có phải do ảnh hưởng không khí lạnh của Miền Bắc mà những ngày cuối năm, ở Châu Đốc khí hậu thật trong lành và đôi khi có cơn gió nhẹ từ bờ sông Hậu làm buổi tối thật dễ chịu.

Là thị xã vùng biên, mật độ dân cư thấp, cuộc sống Châu Đốc có vẻ chậm, rất chậm. Người dân cũng điềm đạm trầm tĩnh hơn ở thành phố. Phương tiện đi lại chính dành cho du khách ở đây là ghe thuyền trên sông. Đối với đường bộ, có lẽ xe lôi là một loại phương tiện thú vị và đặc sắc nhất vùng. Mỗi xe có thể chở 1-5 người.

Đội Truyền tải điện Châu Đốc ( Công ty Truyền tải Điện 4 - Tổng Công ty Truyền tải Điện Quốc gia) gói bánh tét đón tết sớm

Thị trấn nhỏ bé vùng biên này, từ lâu đã trở thành tâm điểm của Miền Tây mà nhìn đâu cũng thấy đáng sống, nhìn đâu cũng thấy đáng làm một điều gì đó để nhớ mãi trong cuộc đời mình.

Chúng tôi dành nửa ngày thăm Trạm 220kV Châu Đốc tọa lạc tại ấp Mỹ Hòa, Phường Vĩnh Mỹ, TP. Châu Đốc. Trưởng trạm Dương Thanh Trúc cho biết, Trạm 220kV Châu Đốc đóng điện và đưa vào vận hành đầu năm 2009 với tổng công suất là 125MVA (01 máy biến áp) cung cấp điện cho tỉnh An Giang và liên kết cấp điện cho Vương Quốc Campuchia, tháng 11-2010 đưa vào vận hành thêm 01 máy biến áp 125MVA nâng công suất của Trạm lên 250MVA. Tải bình quân qua mỗi máy biến áp là 80%, nếu có cắt điện công tác thì tải vượt hơn, sắp tới sẽ quá tải, nên Công Ty đang thực hiện dự án tăng cường công suất cho trạm, thay hai máy biến áp 125MVA công suất đặt sẽ được nâng lên 250MVA. Năm 2014 Trạm đã cung cấp 1,33 tỷ KWh cho tỉnh An Giang và 0,884 tỷ KWh cho Vương Quốc Campuchia. Trong những năm qua, trạm vận hành an toàn, ổn định, đạt chỉ tiêu về suất sự cố, góp phần đưa lưới điện truyền tải cấp cho vùng phụ cận biên giới tỉnh An Giang và nước bạn Campuchia. Các thiết bị vận hành ổn định, các hư hỏng, xuống cấp đều được Công Ty và Truyền tải điện miền Tây quan tâm cho thay thế kịp thời.

Tiếp tục cuộc hành trình đến Đội Truyền tải điện Châu Đốc, đơn vị được giao quản lý vận hành và sửa chữa ba tuyến đường dây có tổng chiều dài là 197,232 km với 348 trụ. Trong đó, đặc biệt có đường dây 220kV Châu Đốc – TaKeo bán điện cho nước bạn Campuchia. Các đường dây nằm trong khu vực tỉnh An Giang với nhiều kênh rạch chằng chịt, cách xa giao thông đường bộ, do đó anh em công nhân truyền tải gặp nhiều khó khăn trong quản lý vận hành và sửa chữa đường dây, nhất là vào mùa lũ. Nhưng họ vẫn luôn vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ do Đơn vị giao. Công tác kiểm tra định kỳ ngày, đêm và khai quang các tuyến đường dây được thực hiện đúng theo quy trình, quy phạm, chưa khi nào bị lơ là.

Vào mùa lũ, mực nước ngập đến chân trụ từ 2,5 mét đến 3mét; ngoài việc kiểm tra định kỳ ngày và đêm, anh em còn tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện các nguy cơ hư hỏng do nước lũ gây ra và đặc biệt là an toàn cho người dân.

Đội trưởng Đội Truyền tải Châu Đốc Hồ Trần Hải Đăng san sẻ, đường dây 220kV Châu Đốc - Tà Keo bán điện cho Campuchia vận hành an toàn không có sự cố từ ngày đóng điện đến nay. Năm 2014, đã truyền tải sang Campuchia lượng điện năng là 884 triệu KWh.

Do địa hình là sông ngòi chằng chịt, nguy cơ sự cố do sà lan, xáng cạp … là rất cao, nên Đội đã kết hợp với Tiểu ban BVHLAT LĐCA của Đơn Vị và phòng kinh tế các Huyện nắm bắt trước thông tin về kế hoạch nạo vét các công trình thuỷ lợi, để đơn vị quản lý hướng dẫn các biện pháp an toàn cho các phương tiện thi công nhằm tránh sự cố xảy ra; phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác vận động tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về các hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, đồng thời, tạo mối quan hệ gần gũi với người dân sống gần đường dây để dễ dàng phối hợp khi có liên quan đến công tác quản lý và sự cố lưới điện và đặc biệt là an toàn trong nhân dân.

Mùa lũ, anh em thường xuyên kiểm tra tuyến; gửi thông báo đề nghị phối hợp phòng chống bão lụt, bảo vệ an toàn lưới điện cao áp đến từng địa phương có đường dây đi qua; lập phương án phòng chống bão lụt và tổ chức diễn tập phương án PCBL trên đường dây; ứng trực sự cố 24/24 khi có mưa bão xảy ra….

Bình dị như cánh lục bình

Mỗi khi về Miền Tây, ngắm những cụm Lục bình, tôi luôn liên tưởng tới những người lính truyền tải miền Tây. Họ giống Lục Bình - nở hoa, những cánh mỏng manh, tim tím nhẹ nhàng đầy lãng mạn. Hoa không thơm, không rực rỡ, và chẳng bao giờ được nâng niu mang cắm trong bình để điểm tô cho nhịp sống thường ngày một chút sắc hương như hoa sen, hoa súng - nhưng lại có duyên, cái duyên quê bình dị và quyến rũ. Sắc tím dịu dàng ấy chỉ có thể làm nên vương vấn khi được giữ nguyên trên cái lênh đênh của sông nước, từng bông đơn lẻ kết lại bên nhau để tím thủy chung loang đầy mặt sông, gieo vào lòng người bàng bạc niềm thương nhớ... Cái chân chất đượm tình của người lính truyền tải Miền Tây mãi vẹn nguyên, như hoa lục bình nở trên sông, mặc mùa cạn hay mùa lũ lớn.

Bởi gắn liền với con nước, "như chim liền cánh, như cây liền cành" mà vùng sông nước Nam Bộ nghiễm nhiên trở thành xứ sở của Lục bình. Hoa nở trên sông hầu như suốt cả bốn mùa, nhưng rộ lên rõ nhất là vào cuối đông cho đến hết cả xuân ấm...Cũng như Lục bình, người lính truyền tải miền Tây luôn hiện hữu trong tôi như một hình ảnh đặc trưng nhất khi nghĩ về những kiếp người trên sóng nước phương Nam bươn trải với cuộc đời.

Họ giống Lục Bình, trôi theo con nước, cứ từng cụm, từng cụm. Có những khi sóng đánh mạnh khiến chúng tan ra thành từng nhánh, trôi lẻ loi một mình trong âm thầm lặng lẽ. Nhưng dù là đơn lẻ hay thành đám đi chăng nữa thì lục bình vẫn là lục bình, người lính truyền tải ở trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn giữ nguyên bản lĩnh của người lĩnh truyền tải - có một đời sống và một sức chịu đựng, mạnh mẽ vô tận. Dẫu nổi nênh, gió giông mưa nắng, vất vả lo toan, họ vẫn thủy chung cùng đường dây với tình người lính truyền tải chân chất ấm nồng - như lục bình hoài tím mênh mang...

Chúng tôi có mặt tại Trạm 500kV Duyên Hải. Trạm biến áp 500kV Duyên Hải được nghiệm thu, đóng điện đưa vào vận hành cuối năm 2014. Giai đoạn 1 vận hành sân phân phối 220kV, phần 500kV thuộc giai đoạn 2 đang được thi công và sẽ đóng điện vào cuối năm nay. Trạm được xây dựng cạnh Trung tâm Điện lực Duyên Hải, ấp Mù U, xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, với mục tiêu truyền tải công suất từ Trung tâm Điện lực Duyên Hải lên hệ thống truyền tải điện Quốc Gia.

Trưởng Trạm 500kV Duyên Hải Nguyễn Văn Phừng cho biết, để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận và quản lý vận hành Trạm 500kV Duyên Hải theo đúng tiến độ, lực lượng chuẩn bị sản xuất đã được Lãnh đạo Truyền tải điện miền Tây triệu tập từ những anh em kỹ sư vận hành trên hệ thống, trong đó nồng cốt từ Trạm biến áp 500kV Ô Môn để tiếp các nhận hồ sơ, tài liệu, bản vẽ phục vụ thi công công trình; nghiên cứu, tìm hiểu các tài liệu về các thiết bị mới và bản vẽ phần xây dựng; biên soạn quy trình vận hành thiết bị, lập các hồ sơ quản lý vận hành; tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý vận hành tại Trạm 500kV Sông Mây – Truyền tải điện Miền Đông 1 và Trạm 500kV Cầu Bông – Truyền tải điện Miền Đông 2.

Những ngày cuối năm, trong tiết trời se lạnh bởi những cơn gió mùa mang không khí lạnh từ Đông Bắc tràn vào. Khắp nẻo đường từ phố thị đến thôn quê, hương Tết đã về…cảm thấy Tết cổ truyền đang đến thật gần, khiến ai ai cũng xốn xang như mong chờ một cái gì đó rất đỗi thiêng liêng từ trong tâm thức. Tôi bỗng cảm giác thấy được mùi măng khô ngai ngái, hăng hắc hầm với chân giò heo, món ăn hấp dẫn trong những ngày Tết. Những người lính truyền tải cũng đã gói bánh chưng và chuẩn bị các món cho mâm cỗ cúng đêm Giao Thừa trên tuyến.

Cuộc sống hiện đại, đất nước ngày càng phát triển, chất lượng cuộc sống của mọi người cũng ngày càng được cải thiện nhưng không vì thế mà những giá trị và nét đẹp về văn hóa của dân tộc bị mất đi, trong đó có Tết cổ truyền của dân tộc. Tôi lại đoàn tụ, gặp gỡ những người lính truyền tải. Đây là khoảng thời gian họ sống chậm lại, nhìn lại những gì mình đã làm trong năm và lên kế hoạch cho một năm mới với biết bao hy vọng…/












(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người lính truyền tải Miền Tây

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.