Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rào cản trong truyền tải điện

Thanh Hải| 09/03/2023 07:06

(HNM) - Giải phóng mặt bằng luôn là khâu khó và ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án, nhất là với các dự án truyền tải điện. Ngoài rào cản về thỏa thuận tuyến đường dây và vị trí trạm biến áp, chủ đầu tư còn gặp khó khăn trong công tác phối hợp, thực hiện chính sách bồi thường, đền bù tài sản trên đất...

Lãnh đạo Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia kiểm tra tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Thông tin về tình hình thi công các dự án truyền tải điện trên địa bàn tỉnh Lai Châu, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc Phùng Bảo Anh cho biết, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc được giao quản lý đầu tư xây dựng nhiều dự án truyền tải như dự án đường dây 220kV Phong Thổ - Than Uyên (theo kế hoạch dự án hoàn thành đóng điện trong tháng 6-2024); dự án Trạm biến áp 220kV Phong Thổ; dự án đường dây 220kV Pắc Ma - Mường Tè (phải hoàn thành đóng điện tháng 6-2024)… Tuy nhiên, các dự án này đến nay đều vướng ở công tác giải phóng mặt bằng để triển khai thi công. Đơn cử như dự án Trạm biến áp 220kV Phong Thổ có quy mô xây dựng mới trạm biến áp với công suất 2x250MVA, dự kiến đưa vào vận hành quý IV-2023. Mặc dù, dự án đã hoàn thành công tác kiểm đếm, phương án bồi thường, hỗ trợ nhưng đến nay, UBND huyện vẫn chưa có quyết định phê duyệt đơn giá, do đó không có cơ sở lập phương án bồi thường, hỗ trợ cho dự án.

Theo ông Phùng Bảo Anh, đây đều là những dự án truyền tải cấp bách, đáp ứng nhu cầu phụ tải, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu, giúp truyền tải công suất của các nhà máy thủy điện nhỏ trên địa bàn huyện Phong Thổ, Mường Tè. Nếu chậm triển khai sẽ gây quá tải cho một số trạm biến áp và đường dây truyền tải điện trên địa bàn nói riêng, ảnh hưởng đến chất lượng cung ứng điện nói chung.

Thực tế, không riêng gì các dự án trên địa bàn tỉnh Lai Châu mà tình trạng này còn diễn ra với nhiều dự án khác. Có thể kể đến như dự án Trạm biến áp 500kV Chơn Thành và đấu nối (tỉnh Bình Phước), là dự án trọng điểm cấp bách, nhưng đến nay đã chậm tiến độ 2 năm vì còn 3 vị trí chưa bàn giao mặt bằng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng chủ yếu là công tác quản lý nhà nước về đất đai tại một số địa phương chưa chặt chẽ, việc xác định nguồn gốc đất gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, giá bồi thường áp theo khung quy định của nhà nước ở một số dự án còn thấp so với giá đất trên thị trường nên chưa tạo được sự đồng thuận trong một số hộ dân. Một số địa phương do lực lượng cán bộ làm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ít, phải thực hiện nhiều dự án trên địa bàn nên chưa thực sự quyết liệt trong giải quyết công việc cũng như phối hợp, hỗ trợ giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Ở góc độ địa phương, trong buổi làm việc với Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) vừa qua, trước những yêu cầu cấp bách bảo đảm cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương phối hợp với chủ đầu tư rà soát, chuyển tiếp dự án sang kế hoạch sử dụng đất năm 2023, chuẩn bị các điều kiện để khởi công các dự án theo quy hoạch với tinh thần “năng lượng phải đi trước một bước”.

Đây là tín hiệu tích cực nhằm bảo đảm tiến độ thi công dự án, tránh lãng phí vốn đầu tư công, cũng như đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển. Tuy nhiên, điều này cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền địa phương cơ sở. Ở góc độ chủ đầu tư, Phó Tổng Giám đốc EVNNPT Trương Hữu Thành cho biết, Tổng công ty cũng đã đề xuất với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiến nghị Bộ Công Thương khi lập, phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và địa phương cần tính toán xác định quỹ đất cho từng công trình theo từng đơn vị hành chính cấp huyện (bao gồm cả lưới truyền tải điện 220kV và 500kV) để làm căn cứ cho địa phương lập quy hoạch sử dụng đất, bảo đảm đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất chung.

“EVNNPT cam kết sẽ quyết liệt phối hợp với các bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương các cấp từ Đảng ủy, chính quyền để cùng phối hợp tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đề xuất các biện pháp giải quyết, tiếp cận cùng chính quyền từ cấp xã, huyện để tuyên truyền, vận động, giải thích... cho người dân và tổ chức bị ảnh hưởng”, ông Trương Hữu Thành khẳng định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Rào cản trong truyền tải điện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.