(HNMO) - Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) là thôn có nghề thu gom, tái chế phế liệu lớn nhất, nhì thành phố Hà Nội. Phế thải chất đống trong sân, ngoài ngõ; khắp các hang cùng, ngỏ hẻm, mọi bờ vùng, bờ thửa, thậm chí cả đất nghĩa trang... đều được tận dụng để làm nghề. Cứ thế, người dân mưu sinh từ phế thải, sống chung cùng phế thải.
Phế thải được người dân thu gom từ khắp các nơi trên địa bàn thành phố mang về. Nhiều nhất là các loại vỏ nhựa, ni lông, giấy bìa, sắt thép... Thiếu nơi sản xuất tập trung, việc thu gom, phân loại, tái chế phế thải phần lớn vẫn được thực hiện ngay trong khu dân cư nên tiềm ẩn rất lớn về nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường sống...
Mỗi ngày, thôn Xà Cầu có cả trăm chuyến xe thu gom, chở phế liệu về làng.
Trên khắp trục đường vào thôn Xà Cầu, phế liệu chất thành "núi" lớn, "núi" nhỏ. Rác tràn từ khu dân cư ra đến cánh đồng.
Với điều kiện làm việc hoàn toàn thủ công trong những nhà xưởng tạm bợ, tiếp xúc trực tiếp với nhiều nguồn nguy hại, người dân nơi đây đang phải đối mặt với nhiều mối nguy về sức khỏe mỗi ngày.
"Nhân dân thôn Xà Cầu quyết tâm giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp" là khẩu hiệu được treo ở nhiều nơi trên địa bàn thôn, song điều này thật khó thành hiện thực do đặc thù của nghề...
Tuy tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, song vì là nghề để mưu sinh nên người dân đành chấp nhận. Với thực tế này, môi trường sống và làm việc của người dân nơi đây rất cần được cơ quan chức năng quan tâm, tạo điều kiện để phòng, tránh tối đa nguy cơ về cháy nổ, ô nhiễm nguồn nước, không khí..., nhằm giữ an toàn và bảo vệ sức khỏe lâu dài cho người dân làm nghề.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.