Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những hiệu ứng tích cực

Bài, ảnh: Đỗ Minh| 24/04/2019 07:18

(HNM) - Tổ chức lại hoạt động (theo Luật Hợp tác xã năm 2012), các hợp tác xã trên địa bàn Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, qua đó tạo ra những hiệu ứng tích cực, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và thu nhập cho các thành viên...


Gắn sản xuất với chuỗi giá trị bền vững


Với mong muốn tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, anh Nguyễn Đăng Quý (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) đã mạnh dạn thành lập hợp tác xã, thu hút xã viên góp đất, góp vốn, liên kết cùng nông dân địa phương mở rộng sản xuất. Đến nay, Hợp tác xã Cuối Quý đã hình thành khu nhà lưới rộng 4.000m2 trồng nhiều loại rau xanh. “Nhờ áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nên sản phẩm rau của hợp tác xã bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Trung bình mỗi ngày, hợp tác xã thu hoạch 2-4 tấn rau xanh với giá bán từ 20.000 đến 30.000 đồng/kg; giá trị thu nhập bình quân của mô hình đạt gần 6,6 tỷ đồng/ha/năm; trung bình thu nhập của mỗi thành viên hợp tác xã đạt 5-7 triệu đồng/tháng”, anh Nguyễn Đăng Quý chia sẻ.

Mô hình trồng rau hữu cơ theo chuỗi giá trị của Hợp tác xã Cuối Quý (huyện Đan Phượng).


Hợp tác xã Rau quả Hồng Thái (xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên) cũng là một trong những điển hình trong phát triển sản xuất nông nghiệp chất lượng cao trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ông Lê Đức Thịnh, Giám đốc Hợp tác xã Rau quả Hồng Thái cho biết, nhận thấy tiềm năng về đất đai vùng đất bãi ven sông Hồng, hợp tác xã đã chủ động liên kết với 14 hộ nông dân ở địa phương góp đất, góp vốn, đồng thời ứng dụng khoa học công nghệ để trồng cây măng tây thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Hiện nay, hợp tác xã có 3 nhà lưới có mái che bằng tấm ni lông nhập khẩu từ Canada chuyên trồng cây măng tây theo hướng hữu cơ và cây dưa lưới trên diện tích 4.800m2. “Với giá bán trên thị trường hiện nay từ 80.000 đến 150.000 đồng/kg măng tây thương phẩm, đây thực sự là cây trồng giúp xã viên hợp tác xã vươn lên làm giàu”, ông Lê Đức Thịnh khẳng định.

Theo Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Nguyễn Trung Thành, những năm qua, trên địa bàn thành phố có nhiều hợp tác xã đã liên doanh, liên kết với nông dân ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra những chuỗi nông sản chất lượng cao. Đến nay, toàn thành phố đã có hơn 60 hợp tác xã áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất như VietGAP, hữu cơ; 43 hợp tác xã nông nghiệp gắn sản xuất với chuỗi giá trị bền vững.

Phát huy hiệu quả vai trò cầu nối

Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song đến nay việc liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của nhiều hợp tác xã còn hạn chế. Quy mô sản xuất của nhiều hợp tác xã còn nhỏ lẻ, hiệu quả thấp, chưa năng động trong ứng dụng khoa học kỹ thuật…

Đặc biệt, đầu ra cho sản phẩm nông sản chất lượng cao cũng đang là bài toán khó của nhiều hợp tác xã. Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) Lê Hồng Minh cho biết, hiện mỗi ngày hợp tác xã bán ra thị trường khoảng 5 tấn rau, củ, quả, tuy nhiên, chỉ có khoảng 20% sản lượng được cung ứng vào hệ thống chuỗi rau an toàn. Còn lại, xã viên phải bán cho thương lái hoặc tự tiêu thụ.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, nguyên nhân của những hạn chế trên xuất phát từ việc chưa chủ động trong đổi mới mô hình hoạt động của một số hợp tác xã nông nghiệp; không xây dựng được chiến lược sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, cơ chế, chính sách cho các hợp tác xã tiếp cận vốn để sản xuất và mở rộng thị trường còn nhiều bất cập, khâu quảng bá, xúc tiến thương mại còn hạn chế…

Để tháo gỡ những khó khăn, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, Giám đốc Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng) Bùi Hường Bích cho rằng, các hợp tác xã cần hỗ trợ để có thể liên kết với doanh nghiệp, xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm, tạo tiền đề thuận lợi cho mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ thông tin, thành phố đã xây dựng cơ chế hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất công nghệ cao, đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ các hợp tác xã đổi mới hoạt động, phát huy hiệu quả vai trò cầu nối trong liên kết với nông dân. Đặc biệt, ở hầu hết địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 27-4-2018. Theo đó, trong quá trình đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, những khó khăn, vướng mắc của từng hợp tác xã sẽ được chính quyền sở tại và các sở, ngành cùng tháo gỡ khi có kiến nghị cụ thể.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Lê Văn Thư đánh giá: "Bản thân các hợp tác xã cũng cần chủ động ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng thương hiệu. Quan trọng là phải chuyên nghiệp hóa đội ngũ quản lý theo hướng trẻ hóa, nhanh nhạy trong nắm bắt sản xuất - kinh doanh, nhất là về đầu ra cho nông sản". Đối với vấn đề tiêu thụ, ông Lê Văn Thư cho biết, hiện Liên minh Hợp tác xã thành phố đã ký kết chương trình hoạt động với 8 tỉnh, thành phố về đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể. Thông qua chương trình này, Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội sẽ giúp các hợp tác xã có sản phẩm chất lượng cao liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài thành phố mở rộng kênh phân phối, qua đó tạo hiệu ứng tích cực để tiếp tục mở rộng mô hình sản xuất chất lượng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những hiệu ứng tích cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.