Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những hiệu quả đáng mừng từ liên kết du lịch

Tuệ An - Thanh Mỹ| 11/08/2022 18:20

(HNMO) - Từ đầu năm 2022 đến nay, ngành Du lịch phía Nam nói riêng và của cả Việt Nam nói chung đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Một trong những yếu tố góp phần làm nên thành tích này là sự liên kết du lịch giữa các địa phương, các vùng trong cả nước.

 Phố cổ Hội An thu hút nhiều du khách từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh ghé thăm.

Khai thác du lịch Nam Trung Bộ

Từ cuối năm 2020, thành phố Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội và các địa phương Nam Trung Bộ gồm Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đã ký kết phối hợp liên kết phát triển du lịch, tổ chức những tour liên kết và quảng bá điểm đến của nhau đến du khách trong và ngoài nước.

Năm 2021, tổng lượt khách tham quan và lưu trú du lịch của 7 tỉnh, thành trong nhóm liên kết đạt 17,685 triệu lượt người; thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 63.073 tỷ đồng. Trong 6 tháng năm 2022, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch ước đạt 32,917 triệu lượt, trong đó có gần 1 triệu lượt khách quốc tế; thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 87.892 tỷ đồng.

 Khu du lịch Bà Nà Hill tại Đà Nẵng là điểm đến của nhiều du khách.

Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết, liên kết này đã góp phần để ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh đạt khoảng 11 triệu lượt khách nội địa, doanh thu đạt gần 50.000 tỷ đồng trong 6 tháng năm 2022. Còn Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Hoài An thông tin, các địa phương trong nhóm liên kết đã tận dụng tốt hơn lợi thế du lịch từ 600km bờ biển Nam Trung Bộ và từ 1.040 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, trong đó có 3/5 di sản văn hóa vật thể thế giới ở Việt Nam tại 5 địa phương miền Trung.

Cũng từ liên kết du lịch, tỉnh Quảng Ngãi nhận thấy có thể học hỏi thêm từ các địa phương bạn trong phát triển sản phẩm du lịch. Điển hình trong số này là ý tưởng khôi phục thương cảng Thu Xà nức tiếng cùng thời 400 năm trước với Hội An của tỉnh Quảng Nam. Với địa điểm nằm cạnh cửa biên Cổ Lũy, nơi hợp lưu của sông Trà với sông Re, sông Rin, sông Tang, sông Xà Lò… Thu Xà khi xưa đã thu hút những tàu buôn từ Hương Cảng, Ma Cao đến trao đổi hàng hóa. Sau đó, người Minh Hương thuộc các tỉnh Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông, Hải Nam đến đây cùng với người Việt tạo nên một Thu Xà từng nức tiếng.

Hiện dấu ấn kiến trúc đô thị cổ Thu Xà không còn, nhưng nét pha trộn văn hóa vẫn được giữ trong ẩm thực và lối sống của người dân nơi đây. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn cho biết, Quảng Ngãi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tính liên kết, phát huy giá trị văn hóa di sản, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù.

Cố đô Huế luôn hấp dẫn du khách với vẻ trầm mặc.

Liên kết nối biển với rừng

Ngày 5-8 vừa qua, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, đã diễn ra Hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch giữa 5 tỉnh, thành miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên. Chương trình do ngành Du lịch Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam đồng tổ chức.

Tại sự kiện, 5 địa phương trên đã ký kết thỏa thuận hợp tác, phát triển du lịch với các tỉnh khu vực Tây Nguyên gồm Đắk Lắk - Đắk Nông - Gia Lai - Kon Tum - Lâm Đồng giai đoạn 2022-2026.

Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình Đặng Đông Hà nhận định, miền Trung còn nhiều dư địa để phát triển du lịch biển đảo, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao - giải trí, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm khám phá…

 Thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) được mệnh danh là “Đà Lạt thứ hai” của Tây Nguyên.

“Trong khi đó, Tây Nguyên giàu bản sắc văn hóa. Việc liên kết giữa hai khu vực sẽ hình thành và khai thác được các tour văn hóa để miền Trung đưa văn hóa Tây Nguyên đến với du khách trong và ngoài nước, còn Tây Nguyên là nơi tiếp nhận du khách từ Lào, Camphuchia, Đông Bắc Thái Lan đến với miền Trung”, ông Đặng Đông Hà nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh kỳ vọng, liên kết du lịch sẽ khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của mỗi tỉnh, thành, mỗi khu vực, tạo lập không gian du lịch thống nhất để cùng phát triển. Cùng với đó thu hút được các nguồn lực xã hội để du lịch phát triển, mang lại lợi ích chung.

Về phần mình, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn cho biết, tại địa phương, có rất nhiều điểm du lịch chưa phát huy hết tiềm năng, như thị trấn Măng Đen, được ví như “Đà Lạt thứ hai”; Vườn quốc gia Chư Mom Ray; Khu bảo tồn thiên nhiên sâm Ngọc Linh, suối nước nóng Đắk Tô... “Kon Tum xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Việc liên kết du lịch sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu này”, ông Lê Ngọc Tuấn nói.

 Biển Hồ, điểm du lịch hấp dẫn du khách tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Nói về liên kết du lịch, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết, các địa phương nêu trên còn rất nhiều dư địa để cùng nhau tạo nên thương hiệu, sản phẩm du lịch liên kết. Qua đó, vừa làm nổi bật thế mạnh của mỗi địa phương, vừa góp phần quảng bá thông điệp “Live fully in Vietnam - Sống trọn vẹn tại Việt Nam” đối với thị trường quốc tế, và “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn” đối với thị trường nội địa mà ngành Du lịch Việt Nam đang triển khai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những hiệu quả đáng mừng từ liên kết du lịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.