(HNM) - Lần thứ hai tổ chức tại Việt Nam, Liên hoan múa đương đại
Vẫn có 3 nước Đức, Bỉ, Việt Nam tham dự, cũng không rộn ràng quảng bá rầm rộ, nhưng liên hoan có những bước tiến đáng kể. Dù hai nước bạn chỉ một diễn viên và một đạo diễn (hoặc trợ lý đạo diễn) tham dự nhưng đã đem đến những đêm diễn rất thành công với tác phẩm tinh túy, đậm chất đương đại và có nhiều điều đáng học hỏi.
Một tiết mục tham dự liên hoan.
"Lamento", tác phẩm của đạo diễn Michèle Anne De Mey dành riêng cho Gabriella Lacono dựa trên đoạn duy nhất còn tìm thấy của vở opera Arianna - tác phẩm bị thất lạc của nhạc sĩ Monteverdi. Các nghệ sĩ cho biết, họ vừa luyện tập vừa phát triển kịch bản trong suốt nhiều tháng. Tác phẩm được "đo ni đóng giầy" nên diễn viên Gabriella đã truyền tải xuất sắc sự xúc động, giằng xé nội tâm của một người bị sự bội phản hủy hoại. Sự hòa quyện giữa chất liệu cổ điển với nghệ thuật đương đại tạo thành một phần diễn xuất rất chắc, người xem không bị đuối khi theo dõi.
Khám phá thế giới của người bị mất trí qua tác phẩm "Kiếm khẩu súng" của biên đạo Helena Waldmann với diễn xuất của Brit Rodemund, là một trải nghiệm kỳ lạ với người xem. Helena đã đưa vào tác phẩm của mình chính kinh nghiệm chăm sóc người cha mất trí nên ý tưởng vở diễn rất mạch lạc. Đối với nhiều người, mất trí là thảm họa, thà rằng họ "kiếm khẩu súng" còn hơn đối diện với nó, thế nhưng Helena đã thổi vào ánh sáng tự do cho những con người ấy. Các động tác múa gợi cảm của Brit phần nhiều là balê cổ điển nhưng lại có những biến thể. Âm nhạc, giọng nói, những thước phim tư liệu sống động đã trợ giúp Brit thể hiện sự dày vò của một người mất phương hướng. Vì thế, "Kiếm khẩu súng" là một trong 10 vở múa quan trọng nhất năm 2011 của Đức và Brit được giải diễn viên của năm với tác phẩm này.
Lần trước, "Mùa đom đóm" của chủ nhà bị coi là quá nhạt, kém nội tâm, còn lần này "Dấu trừ" khá nổi bật, "gặp" được múa Châu Âu ở nhiều điểm. Cũng bởi, biên đạo múa Nguyễn Ngọc Anh đã được đào tạo balê ở Việt Nam, theo học Học viện Nghệ thuật biểu diễn Hồng Kông và đã làm việc nhiều năm tại Châu Âu, giành được một số giải thưởng nổi bật. "Dấu trừ" là một tác phẩm dài, nói về con người trong vòng xoay của công nghệ thông tin, do 6 nghệ sĩ trình diễn và được Nguyễn Ngọc Anh dàn dựng riêng cho Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Tuy rằng kỹ thuật múa của dàn diễn viên đôi chỗ còn non nớt, biểu cảm gương mặt chưa "tới", song "Dấu trừ" không bị lép khi đứng cạnh hai tác phẩm kia.
Sự "gặp gỡ" ngắn, lại quá ít tác phẩm nhưng cũng đủ nhận ra thực trạng múa đương đại Việt Nam có những "dấu cộng" và cả "dấu trừ". Giám đốc Phạm Anh Phương cho biết, múa đương đại được Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam tiếp nhận từ 20 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa có được một đoàn múa đương đại riêng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.