Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những cảnh báo chưa muộn về “lợi ích nhóm”

Đà Đông| 03/11/2012 08:32

(HNM) - Chưa bao giờ trên nghị trường Quốc hội (QH) vấn đề lợi ích nhóm được các đại biểu QH tập trung đề cập như tại kỳ họp này. Từ các phiên họp toàn thể đến thảo luận tổ hay trả lời báo chí bên hành lang hội trường, những nguy cơ từ lợi ích nhóm đã được các đại biểu dân cử lên tiếng cảnh báo…

Nhận diện

Chưa đầy hai tuần làm việc, song tại kỳ họp thứ tư QH khóa XIII, trong phát biểu của mình, nhiều ĐBQH đã không ngần ngại đề cập tới một vấn đề từ trước tới nay vẫn được cho là khá nhạy cảm: "Lợi ích nhóm". Theo các đại biểu, dường như vấn đề đặc biệt nghiêm trọng này đang diễn ra rộng khắp, nhất là trong các lĩnh vực xăng dầu, điện, tiền tệ, ngân hàng…

Tài chính, ngân hàng là một trong những lĩnh vực dễ bị “lợi ích nhóm” chi phối. Ảnh: Linh Tâm

Trước những biểu hiện độc quyền, mập mờ thông tin lỗ-lãi, thiếu trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực xăng dầu thời gian qua, ĐBQH Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH đặt câu hỏi: phải chăng đang tồn tại về lợi ích nhóm? Bà Lê Thị Nga cũng đưa ra hàng loạt dẫn chứng cho thấy sự bất bình thường trong lĩnh vực này. Ví dụ như việc ba "ông lớn" Petrolimex, PV Oil và Sài Gòn Petro đang chiếm tới 90% tổng thị phần xăng dầu cả nước, mỗi khi có biến động đều cùng tăng giá trong một thời điểm, tức là có nhiều dấu hiệu nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, vi phạm Luật Cạnh tranh. Điều này buộc người tiêu dùng thay vì được chăm sóc lại đang bị ép, giá nào doanh nghiệp đưa ra cũng phải mua.

Cùng chung mối quan tâm, ĐBQH Chu Sơn Hà (Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Nội) cũng nhận định, do những yếu kém trong công tác quản lý nhà nước của các cơ quan tham mưu, của Chính phủ cùng với sự tồn tại tư tưởng lợi ích nhóm đã để nợ xấu tăng cao, vốn vay "chôn" vào bất động sản. Việc điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối đã tạo nên độc quyền trong sản xuất và kinh doanh cũng dẫn tới việc tăng giá vàng.

Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Đình Quyền lo ngại, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm đang diễn ra trong cả việc hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện. Đáng lo ngại hơn nữa là nạn chạy chức, chạy quyền. Đại biểu nhận định, điều này phá nát những giá trị, những biểu tượng của đạo đức nghề nghiệp trong nền công vụ, làm giảm lòng tin của những người tâm huyết đối với chính sách của nhà nước.

Kê đơn, bốc thuốc

Không chỉ nhận diện, các ĐBQH đã chỉ ra nhiều giải pháp nhằm hạn chế, khắc phục những "lợi ích nhóm" tiêu cực đang gây lũng đoạn nền kinh tế nước ta hiện nay. Theo ĐB Chu Sơn Hà, cần khắc phục ngay lợi ích nhóm hiện đang tồn tại giữa một số lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty nhà nước với một bộ phận cán bộ có thẩm quyền trong các cơ quan quản lý nhà nước để việc tái cơ cấu nền kinh tế, tập đoàn và tổng công ty nhà nước được thực hiện khẩn trương, hiệu quả. Cần tách chức năng quản lý và chức năng sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước để không làm méo mó thị trường và phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nhà nước với các thành phần kinh tế khác. Nhiều đại biểu cũng mạnh dạn đề nghị sớm xây dựng văn hóa từ chức trong đội ngũ cán bộ, công chức để không cản đường hay kéo lùi sự phát triển của đất nước.

Theo đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai), để hạn chế những chi phối từ lợi ích nhóm, cần quyết tâm đổi mới bộ máy quản lý, phân định rõ trách nhiệm của cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu. Cho rằng lợi ích nhóm tồn tại song song với tham nhũng, lãng phí, nhiều ĐBQH đề nghị cần có chế tài mạnh khi xử lý các vụ tham nhũng, hạn chế tối đa hiện tượng "hành chính hóa, nội bộ hóa các vụ tham nhũng". Đồng thời tăng cường công tác giám sát, bịt những lỗ hổng của luật pháp không để các nhóm lợi ích lợi dụng.

Có một điều cũng cần nói thêm, không phải đến tận thời điểm này các ĐBQH mới đề cập tới vấn đề lợi ích nhóm. Từ kỳ họp trước, đã có ý kiến đề nghị Chính phủ, QH cảnh giác với tác động của các nhóm lợi ích không chỉ trong những tháng còn lại của năm 2012 mà cả trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế. Song thật tiếc, nhiều cảnh báo của các đại biểu dân cử chưa thật sự được quan tâm, chú trọng. Đến mức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Đình Quyền từng phải thốt lên: "rất nhiều hậu quả của ngày hôm nay đã được tiên đoán, cảnh báo cách đây 2-3 nhiệm kỳ nhưng không đi đến đâu cả, cứ như nói vào không khí vậy!".

Rõ ràng, để hạn chế và giải quyết vấn đề "lợi ích nhóm", việc nhận diện, kê đơn bốc thuốc là chưa đủ, quan trọng hơn là cách sử dụng thuốc đó như thế nào, liều có đủ mạnh để dứt bệnh. Điều này phụ thuộc vào các cơ quan hành pháp và tư pháp nhưng không thể thiếu vai trò giám sát tối cao của QH.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những cảnh báo chưa muộn về “lợi ích nhóm”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.