(HNM) - "Những bông hoa đẹp" tham dự giao lưu trực tuyến “Khắc ghi lời Bác dặn” do Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội và Cụm thi đua số 16 tổ chức mới đây tại Báo Hànộimới là những điển hình tiên tiến trong việc thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ luôn khắc ghi lời căn dặn của Người, thầm lặng cống hiến cho Thủ đô và đất nước.
Sức lan tỏa mạnh mẽ
Hình ảnh “chú người nhện” đã không còn xa lạ với các em nhỏ ở Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện K, Viện Huyết học - Truyền máu trung ương từ 2 năm nay. Và nhờ “người nhện” do anh Cao Sỹ Huy, nhân viên Tổng công ty Vận tải Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoa ưu đàm đảm nhận, những nụ cười rạng rỡ đã nở trên môi các bệnh nhi đang phải chịu nhiều đau đớn.
Cao Sỹ Huy cho biết, cách đây 2 năm, anh là tình nguyện viên ở Khoa Nhi của Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Khi chứng kiến các bé sốt, quấy khóc và đau đớn vì hóa trị, anh tự nhủ mình phải làm điều gì đó để giúp các em nhỏ thoát khỏi cơn đau.
“Mỗi người đều có niềm vui riêng. Với tôi thì niềm vui đến từ việc giúp đỡ người khác và làm người khác vui, nhất là khi có thể đem lại niềm vui tinh thần, giúp các em thêm nghị lực chiến đấu với bệnh tật”, anh Cao Sỹ Huy bày tỏ.
Từ khi còn là sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội, anh Lê Thành Trung, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ và Giải pháp thông tin, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sẻ chia sự sống đã tham gia các hoạt động thiện nguyện. 10 năm qua, câu lạc bộ do anh thành lập không chỉ giúp đỡ, hỗ trợ những phụ nữ và trẻ em kém may mắn, mà còn có nhiều hoạt động khác như: Kêu gọi hiến mô, tạng; tặng gạo các trại phong, cặp cứu sinh cho học sinh vùng lũ...
Trao đổi về việc làm của mình, Lê Thành Trung chia sẻ: "Một chiếc cặp phao vừa có thể giúp học sinh đến trường, vừa có thể cứu được tính mạng các em khi lũ về. Vì thế, câu lạc bộ đã tặng 4.000 cặp phao cho học sinh vùng lũ”.
Nuôi một đứa con đã khó, nuôi một trẻ bại não càng không đơn giản. Bởi thế, những người mẹ có con bị bệnh này thường gọi con mình là "siêu nhân", với mong muốn chúng dũng cảm, mạnh mẽ. Là người mẹ như thế nên chị Đinh Thị Lan Anh (giảng viên Học viện An ninh nhân dân) đã sáng lập Hội thiện nguyện “Gia đình siêu nhân”…
Chị Đinh Thị Lan Anh chia sẻ: "Mục đích của hội là trở thành nơi kết nối các tấm lòng nhân ái trong xã hội hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống và hòa nhập xã hội cho trẻ bại não. Đến nay, hội đã hỗ trợ kết nối nhiều gia đình với các trung tâm phục hồi chức năng, để các bé được tập luyện và điều trị không thu phí. Cùng với đó, hội gửi tặng miễn phí hàng nghìn lọ thuốc cho các bé trên cả nước và hỗ trợ tìm việc làm cho cha mẹ các em".
Đó chỉ là số ít những tấm gương dung dị trong đời sống hằng ngày, cho thấy việc học theo Bác về tinh thần tương thân tương ái đã thấm đẫm trong xã hội. Những hành động thiết thực vì cộng đồng của họ không chỉ khiến người khác cảm phục, học tập, mà còn giúp cuộc sống trở nên đẹp hơn do đã tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ.
Học Bác để việc tốt lan xa
Việc học Bác không đơn thuần là làm việc thiện để phục vụ cộng đồng mà còn là cống hiến hết mình để xây dựng đất nước.
Đó là chị Đinh Thị Thu Hằng, phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đã phối hợp sản xuất nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giúp người dân phòng, chống dịch bệnh tốt hơn.
Hay ông Phan Tuấn Vinh (Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội), người đã trực tiếp chủ trì và tham gia nhiều đồ án quy hoạch được các cấp thẩm quyền phê duyệt, để góp phần cho Thủ đô Hà Nội ngày một tươi đẹp hơn.
Còn ông Tô Văn Định, Giám đốc Hợp tác xã Sơn Du, huyện Đông Anh bao năm qua luôn trăn trở về tình trạng "được mùa rớt giá" của sản phẩm nông nghiệp và tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nên đã vận động, hướng dẫn bà con sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng đến thị trường tiêu thụ rau an toàn.
“Nhờ ứng dụng khoa học, kỹ thuật, 20 hộ thành viên hợp tác xã triển khai trồng rau theo quy trình chất lượng với diện tích 30ha, thu nhập tăng gấp đôi so với trước, đặc biệt làm giảm đáng kể tình trạng “rau hai luống, lợn hai chuồng”, ông Tô Văn Định cho biết.
Còn biết bao tấm gương không ngừng học và làm theo Bác, thầm lặng cống hiến trong cuộc sống thường ngày. Đáng trân trọng là mỗi điển hình được biểu dương trong buổi giao lưu của Cụm thi đua số 16 đã tạo động lực thôi thúc nhiều người khác tiếp tục phấn đấu noi gương Bác làm thêm nhiều việc tốt.
Như chị Trần Hồng Vân, Phó Trưởng ban Điện tử Báo Hànộimới, một điển hình tiên tiến trong việc học và làm theo Bác chia sẻ: “Qua câu chuyện của mỗi người, tôi được tiếp thêm năng lượng tích cực để tiếp tục nỗ lực hơn nữa...”.
Phó Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội Đinh Việt Thắng cho rằng, việc tổ chức giao lưu trực tuyến để vinh danh các gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt là hình thức tổ chức độc đáo, góp phần lan tỏa sâu rộng hơn những giá trị tốt đẹp trong đời sống xã hội.
“Thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục phát hiện những gương điển hình tiên tiến, đặc biệt là trong các đơn vị sự nghiệp”, ông Đinh Việt Thắng nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.