Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhức nhối tình trạng đi du lịch trá hình

Lâm Vũ| 20/01/2016 06:18

(HNM) - Những ngày qua, dư luận lại


Tìm mọi cách qua mắt lữ hành

Ngày 11-1, chuyến bay do các công ty du lịch Hoàng Việt, Thế giới mới, Vietrantour, Hanoi Red Tours cùng thuê để đưa khách sang đảo Jeju cất cánh từ Hà Nội. Sau khi đến Jeju một ngày, 56 người đã tự ý tách đoàn và 27 người đã bị bắt trong các ngày từ 13 đến 16-1, trong đó cảnh sát Hàn Quốc phát hiện 3 người đang làm việc tại các cơ sở chế biến thực phẩm ở ấp Hanlim, đảo Jeju.

Lợi dụng con đường du lịch, nhiều người Việt Nam bỏ trốn ở lại Hàn Quốc.


Những năm gần đây, việc người Việt Nam đi du lịch rồi trốn lại nước bạn không còn là chuyện mới. Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông và Đài Loan là những quốc gia, vùng lãnh thổ có nhiều người Việt lợi dụng đi du lịch để trốn ở lại lao động trái phép. Để ngăn chặn tình trạng này, một số quốc gia đã có chính sách visa hoặc kiểm duyệt rất chặt với khách du lịch Việt Nam như: Không cấp visa cho khách đến từ một số tỉnh, địa phương có nhiều người trốn ở lại, công ty du lịch để lọt người trốn lại sẽ bị phạt rất nặng hoặc không cấp phép hoạt động ở nước sở tại từ 3 đến 6 tháng… Để giữ uy tín, các công ty lữ hành kinh doanh nghiêm túc đã có nhiều biện pháp sàng lọc kỹ lưỡng để phát hiện những đối tượng có khả năng trốn lại cao như chứng minh tài chính, xác định nơi cư trú, nghề nghiệp rõ ràng, phỏng vấn… Tuy nhiên, tình trạng khách du lịch bỏ trốn vẫn xảy ra.

Thực tế, hầu hết người có ý định bỏ trốn thường có rất nhiều "chiêu trò" để qua mắt các công ty du lịch. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Kinh doanh Công ty Du lịch TransViet chia sẻ, dù rất dày dạn kinh nghiệm, nhưng TransViet vẫn "dính" một cú lừa kinh điển. Một vị giám đốc của một công ty xây dựng có số vốn đăng ký lên tới vài chục tỷ đồng đã từng đi tour Hàn Quốc của TransViet, nay tổ chức cho hơn chục lao động và chính vợ con mình đi du lịch. Khi sang đến nơi, hai khách trong đoàn bỏ trốn. Tìm hiểu kỹ, công ty mới biết vị giám đốc này đã đứng ra bảo lãnh hợp đồng lao động, tài chính, thu nhập... cho hai lao động này. "Nếu người lao động bị phía Hàn Quốc bắt, họ sẽ bị phạt tiền rồi trục xuất về nước, trong khi vị giám đốc nhận bảo lãnh có thể "bỏ túi" cả chục nghìn đến vài chục nghìn USD. Họ đã ngụy trang rất khéo. Người giám đốc đã đi trước để tạo uy tín với TransViet và lần này cho cả vợ con đi để qua mặt công ty du lịch", ông Nguyễn Tiến Đạt phân tích.

Đồng quan điểm trên, ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Lữ hành Golden Tour cũng chỉ ra các thủ đoạn của lao động đi du lịch trá hình, chẳng hạn như với những người ở các vùng nằm trong "sổ đen" của nước bạn như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An... chuyển hộ khẩu từ quê ra Hà Nội để dễ bề qua mắt công ty du lịch cũng như đơn vị cấp thị thực. Bên cạnh đó, có những người dù đang có công việc với thu nhập ổn định, có số tài khoản, có sổ tiết kiệm nhưng... vẫn bỏ trốn.

Cần rà soát lại quy trình sàng lọc khách

Trong 4 hãng lữ hành có du khách bỏ tour ở Hàn Quốc nêu trên, lữ hành Hoàng Việt có 32/43 khách bỏ trốn ngay trong ngày đầu; tiếp đó là Vietrantour với 8/32 khách bỏ trốn (trong đó có 3 khách do lữ hành Hoàng Nguyên gửi); lữ hành Thế giới mới có 4 khách bỏ trốn và lữ hành Hanoi Red Tours với một trường hợp bỏ trốn vào ngày cuối cùng (khách do lữ hành Việt Á gửi).

Nhận định về sự việc này, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho rằng: Đây là việc xảy ra ngoài ý muốn của các hãng lữ hành. Cả 4 công ty có khách bỏ trốn lần này đều là những doanh nghiệp có uy tín. Họ không đánh đổi tất cả để tiếp tay cho những người có toan tính ở lại. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quý Phương cho rằng, trong số 56 người bỏ trốn thì có hãng lữ hành có khách bỏ trốn ngay trong ngày đầu tiên tới Jeju, do đó đơn vị này cũng cần phải xem xét lại quy trình rà soát, sàng lọc khách của mình cũng như công tác tổ chức quản lý đoàn. Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Quý Phương khẳng định, chính phía các quốc gia đối tác cũng cần có chính sách quản lý chặt các đơn vị lữ hành của mình, tránh tình trạng những đối tác này thông đồng với người đi du lịch bỏ trốn.

Nhân sự việc này, ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng giám đốc Hanoi Red Tours cho rằng, Tổng cục Du lịch cũng cần có ý kiến với các đại sứ quán về việc công khai những doanh nghiệp hay để xảy ra tình trạng khách bỏ trốn (có visa). Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch cũng nên đề xuất Bộ Công an có chính sách chế tài xử phạt nặng những hãng lữ hành này nếu tái phạm, từ đó xác định những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc và áp dụng chính sách visa thông thoáng hơn cho đơn vị có uy tín.

Ba khách Việt bỏ tour đang làm việc tại các cơ sở chế biến thực phẩm ở ấp Hanlim, đảo Jeju đã bị cảnh sát Hàn Quốc bắt. Những người bị bắt cho biết, họ phải trả khoảng 15.000 USD cho môi giới ở Việt Nam để tới Jeju. Báo Hàn Quốc cho biết, kể từ khi đảo Jeju bắt đầu áp dụng luật miễn visa du lịch vào năm 2002, đây là cuộc bỏ trốn có quy mô lớn nhất, với tổng cộng 56 người Việt Nam.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhức nhối tình trạng đi du lịch trá hình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.