Điểm đến

Hủa Phăn - điểm đến hấp dẫn cho du khách Việt

Bài và ảnh: Linh Tâm 30/03/2024 - 06:09

Tỉnh Hủa Phăn thuộc vùng đông bắc Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào. Do nằm sát biên giới Lào - Việt, Hủa Phăn có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, lịch sử và điều kiện tự nhiên với Việt Nam nhưng vẫn mang những sắc thái đặc trưng, hấp dẫn.

hua-phan.jpg
Thác Nậm Nưa, một trong những điểm đến thu hút du khách.

“Thành phố ẩn trong hang động”

Để sang được đất bạn, du khách có thể bắt đầu từ Mộc Châu (Sơn La), đi khoảng 35km tới cặp cửa khẩu Lóng Sập (Việt Nam) - Pa Háng (Lào). Từ đây đi tiếp 100km nữa sẽ tới Sầm Nưa - tỉnh lỵ của Hủa Phăn. Việc đi lại giữa hai tỉnh của hai nước khá dễ dàng, vì thế, đây là điểm đến thích hợp được nhiều du khách Việt Nam lựa chọn.
Tỉnh Hủa Phăn có 10 huyện và 9 dân tộc cùng chung sống. Bên cạnh các điểm đến tại Sầm Nưa như chùa Ông Tứ, Bảo tàng dân tộc Bản Tày, Công viên Hữu nghị..., du khách đừng quên ghé thăm huyện Viêng Xay, nơi từng tồn tại “thành phố ẩn trong hang động” với các công trình nhà ở, bệnh viện, trường học, chợ, chùa... dành cho 20.000 người Lào sinh sống, ẩn náu suốt từ năm 1964 đến năm 1973, trong thời kỳ chống Mỹ. Bên trong mạng lưới hang động dày đặc này còn là nơi các nhà lãnh đạo Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đặt trung tâm chỉ huy kháng chiến để giành độc lập cho đất nước. Tới đây, du khách sẽ được tham quan Khu di tích Chủ tịch Kaysone Phomvihane có tổng diện tích 15ha, hiện còn bảo tồn nguyên vẹn các công trình: Nhà Kaysone Phomvihane, phòng họp Bộ Chính trị, hang Bí thư, hầm chống bom Mỹ... Mỗi năm, khu di tích này đón khoảng 13.000 lượt khách, trong đó phần lớn là khách nội địa và khách đến từ Việt Nam.

Viêng Xay nằm cách tỉnh lỵ Sầm Nưa khoảng 30km. Khung cảnh nơi đây thanh bình bởi bốn bề núi non bao quanh những ngôi làng nhỏ. Cuộc sống diễn ra chậm rãi, thư thái. Du khách hãy tranh thủ đạp xe khám phá Viêng Xay, lưu trú trong những ngôi nhà truyền thống làm bằng gỗ và đá, hay thưởng thức ẩm thực phong phú theo mùa. Măng và rau hấp ăn kèm với nước chấm cay là món ăn được yêu thích ở Hủa Phăn, cùng các món “thực phẩm rừng” như sâu chiên giòn, dế và nhộng ong hấp.

Ngoài ra, du khách cũng có thể thưởng thức các món Việt như cá chép om dưa, gà tần thuốc bắc, nem rán... Mặc dù đất nước Lào không có biển, nhưng du khách vẫn có thể thưởng thức các món hải sản tươi ngon được nhập từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An của Việt Nam. Đây là những món ăn vô cùng hấp dẫn đối với người Lào. Vợ chồng ông bà Lê Văn Hưng - Lê Thị Hoàn là những người Việt Nam đã sinh sống tại bản Viêng Xay (huyện Viêng Xay) gần 30 năm cho biết: “Gia đình tôi sang Lào làm kinh tế từ những năm 1990. Đến năm 2014, chúng tôi mở nhà hàng Hồ Mặt trời nhằm phục vụ nhu cầu của các đoàn khách đến tham quan Khu di tích Chủ tịch Kaysone Phomvihane. Nhà hàng có thể phục vụ 1.000 khách/ngày, tạo việc làm ổn định cho 8 nhân viên người Việt và Lào. Nhưng điều khiến chúng tôi vui nhất là đã góp phần quảng bá ẩm thực, bản sắc văn hóa, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến với các bạn Lào”.

“Bắt tay” cùng phát triển

Đến với Viêng Xay, ngoài tham quan Khu di tích Chủ tịch Kaysone Phomvihane, du khách còn có thể khám phá thác Nậm Nưa cao 7 tầng giữa núi rừng. Nơi đây thường xuyên thu hút hàng nghìn lượt khách vào mỗi cuối tuần; đặc biệt, dịp tết Lào (diễn ra từ ngày 14 đến 16-4 hằng năm) thu hút khoảng 10.000 người tới té nước cầu may theo phong tục truyền thống. Với mong muốn đưa du lịch Hủa Phăn ngày càng phát triển và bắt kịp với xu hướng trong khu vực, ông Thăn Thi - Chủ đầu tư dự án thác Nậm Nưa đã sang Mộc Châu (Sơn La) để học hỏi kinh nghiệm của một số khu du lịch tại Việt Nam. Ông cho biết, trong hai năm tới, dự án sẽ được hoàn thiện các hạng mục về cơ sở hạ tầng, giao thông, đường dẫn lên thác... Cùng với đó, ông còn đầu tư xây dựng khu cắm trại glamping cùng hệ thống nhà hàng, khu vui chơi, tổ chức sự kiện, vườn hoa theo mùa dưới chân núi để phục vụ du khách.

Chia sẻ về tiềm năng du lịch của tỉnh, bà Mặn - Phênh Khạ Tị Nhạ, Giám đốc Sở Thông tin, Văn hóa và Du lịch Hủa Phăn cho biết: Tỉnh hiện có 158 điểm du lịch, trong đó có 64 điểm du lịch tự nhiên, 30 điểm du lịch văn hóa và 64 điểm du lịch lịch sử. Trên địa bàn tỉnh có 12 khách sạn (3 khách sạn của doanh nhân Việt Nam đầu tư), 80 nhà nghỉ, 2 resort, 121 nhà hàng, 79 quán ăn, 2 quán giải trí và 3 quán karaoke... “Mặc dù cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch còn khiêm tốn nhưng với những nét văn hóa độc đáo và tài nguyên thiên nhiên phong phú, chúng tôi mong sẽ đón được nhiều hơn nữa khách du lịch Việt Nam đến Hủa Phăn bởi đây là thị trường khách quan trọng đối với tỉnh” - bà Mặn - Phênh Khạ Tị Nhạ nói.

Là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên khai thác tuyến du lịch Hà Nội - Sơn La - Hủa Phăn, Trưởng ban Đối ngoại và Xúc tiến CLB Lữ hành UNESCO, Giám đốc Công ty Tiên Phong Travel Phùng Xuân Khánh cho biết: “Việc kết nối các điểm đến tại Sơn La, Hủa Phăn sẽ mang lại “làn gió mới” cho các sản phẩm vốn quen thuộc, đồng thời mang lại những trải nghiệm và cảm xúc mới mẻ cho du khách. Nếu có thể rút ngắn thời gian làm thủ tục xuất nhập cảnh, đồng thời tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở lưu trú chất lượng cao cùng hệ thống giao thông thuận lợi... chắc chắn sẽ thu hút được nhiều khách Việt Nam và khách quốc tế từ nước thứ ba đến với Hủa Phăn”.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La Trần Xuân Việt, hiện nay tỉnh Sơn La đã có quy hoạch chi tiết về phát triển cửa khẩu quốc tế Lóng Sập - Pa Háng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại, du lịch giữa hai tỉnh của hai nước trong thời gian tới. Cùng với đó, việc Mộc Châu sắp trở thành Khu du lịch quốc gia cũng góp phần tích cực cho sự kết nối, phát triển du lịch giữa Sơn La với Hủa Phăn, hay từ Lào, Thái Lan sang Việt Nam. Đây chính là cơ hội tuyệt vời để các quốc gia “bắt tay nhau” cùng phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hủa Phăn - điểm đến hấp dẫn cho du khách Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.