Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhốt quyền lực vào “lồng” cơ chế

Gia Khánh| 30/09/2019 07:09

(HNM) - Xin được mượn ý trên để nói về công tác cán bộ và Quy định số 205-QĐ/TƯ về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, do Bộ Chính trị vừa ban hành.

1. Xin được mượn ý trên để nói về công tác cán bộ và Quy định số 205-QĐ/TƯ về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, do Bộ Chính trị vừa ban hành.

Thực tế ai cũng biết, thẩm quyền của tổ chức, cá nhân trong công tác cán bộ là một dạng quyền lực, thậm chí rất lớn, lại liên quan đến con người - cái gốc của mọi công việc, quyết định sự thành, bại của công việc. Vì thế, liên quan đến công tác cán bộ cũng nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực, gây bức xúc dư luận. Đó là tình trạng "chạy chức, chạy quyền" mà Đảng ta, qua Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), đã chỉ rõ nguy cơ, biểu hiện của nó. Đó là trong công tác giới thiệu, quy hoạch cán bộ, có lúc, có nơi vẫn lợi dụng danh nghĩa tập thể quyết định để né trách nhiệm cá nhân..., từ đó cài cắm, cất nhắc thân hữu, "nhóm lợi ích", người nhà vào các vị trí quan trọng.

Đặc biệt nguy hiểm là chỉ một bước ngắn, từ việc "chạy chức, chạy quyền" dẫn đến suy thoái đạo đức, lối sống, tham ô, tham nhũng... Khi được trao quyền lực mà không có cơ chế kiểm soát dễ dẫn đến lạm quyền; quyền lực đó không để phục vụ nhân dân, đất nước mà phục vụ cho mục đích riêng, thu vén cá nhân, gia đình. Cá nhân, nhóm người được trao quyền hình thành nên những "nhóm lợi ích" cùng trở nên tha hóa, vi phạm pháp luật như trường hợp Đinh La Thăng kéo cả em ruột là Đinh Mạnh Thắng lẫn "đàn em" thân tín Trịnh Xuân Thanh vào tù. Bóng đen của "hậu duệ", "đồ đệ", "tiền tệ" còn hiện rõ qua hàng loạt các vụ việc mà Đảng, Nhà nước đã nghiêm khắc xử lý kỷ luật đối với những cán bộ, đảng viên được giao trọng trách đứng đầu bộ, ngành, địa phương.

Đơn cử như các trường hợp: Ông Lê Phước Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam; ông Phạm Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai... đều vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ, thiếu gương mẫu, đề nghị vun vén, bổ nhiệm người thân không đủ tiêu chuẩn. Hay vụ Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG), làm thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước; trong đó có cả "một dây" bộ trưởng, nguyên bộ trưởng cùng nhiều cán bộ khác bị truy tố.

2. Nhốt quyền lực vào "lồng" cơ chế, bằng các quy định pháp luật..., kiểm soát quyền lực và người được trao quyền lực, nhất là quyền lực liên quan đến công tác cán bộ, là việc vô cùng quan trọng. Coi công tác cán bộ là gốc của mọi công việc nên sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Quốc lệnh với 10 điều thưởng, 10 điều phạt, vừa khuyến khích cán bộ làm tốt công việc nhưng cũng vừa răn đe, ngăn chặn cá nhân được trao quyền lạm quyền, làm sai. Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta cũng ban hành nhiều quy định cụ thể về công tác cán bộ, về trách nhiệm của cá nhân gắn với quyền lực được trao... với mục đích là chọn cho được người có tài, có đức, sử dụng quyền lực được trao để phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân.

Tuy nhiên, Quy định số 205/QĐ-TƯ, Bộ Chính trị vừa ban hành là quy định mang tính tổng quát, toàn diện, cụ thể nhất về công tác cán bộ. Thứ nhất, quy định đã giải quyết vấn đề mấu chốt của kiểm soát quyền lực là xác định rõ các mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân cán bộ; mối quan hệ giữa cá nhân với đơn vị, tổ chức công tác của cán bộ; quan hệ giữa cá nhân với cơ quan tổ chức cán bộ; quan hệ giữa cơ quan tổ chức cán bộ với nhân dân và các thành phần liên quan. Các mối quan hệ đều được kiểm soát, gắn với trách nhiệm cụ thể, dễ thực hiện, giám sát. Thứ hai, giao trách nhiệm cụ thể cho tổ chức, cá nhân và kiểm soát theo trách nhiệm được giao; trách nhiệm đến đâu kiểm soát đến đó. Thứ ba, quy định rõ, xử lý kỷ luật nghiêm khắc cá nhân sai phạm. Thứ tư, quy định bổ sung xử lý cả việc người thân của cán bộ lãnh đạo can thiệp vào công việc nội bộ, công tác cán bộ. Thực tế có việc cán bộ lãnh đạo không ra mặt nhưng người thân nhận quà rồi đề nghị lãnh đạo hoặc cá nhân liên quan cân nhắc, thỏa mãn yêu cầu "chạy chức, chạy quyền"...

Hơn thế, Quy định số 205/QĐ-TƯ còn được coi là thông điệp, quyết tâm chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống "chạy chức, chạy quyền" của Đảng ta trong bối cảnh hiện nay. Sẽ không thể có chuyện cá nhân người đứng đầu thao túng tổ chức, lợi dụng việc tập thể quyết định để né trách nhiệm, bổ nhiệm thân hữu, người nhà...; bộ phận tham mưu cũng không thể "đứng ngoài cuộc"; đặc biệt bất kỳ ai có biểu hiện "chạy chức, chạy quyền" đều bị loại trừ ngay.

Hiện, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Rất nhiều lần, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc các cấp ủy, tổ chức Đảng từ trung ương đến cơ sở phải dè chừng với tiêu cực, "chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu"; cán bộ có biểu hiện "chạy", "lựa theo chiều gió", "nói một đằng, làm một nẻo"... thì kiên quyết không sử dụng. Cùng với đó, những cá nhân, tập thể được nhân dân trao quyền lực phải sử dụng đúng quyền, làm thật tốt nhiệm vụ được giao.

Nói cách khác, Quy định số 205-QĐ/TƯ chính là cái "lồng" nhốt quyền lực, ngăn những kẻ cơ hội chính trị, chống sự tha hóa quyền lực từ khâu cán bộ - "gốc" của mọi công việc. Đây còn là phương cách hữu hiệu để chọn lựa được thật nhiều những cán bộ đủ đức, đủ tài, liêm khiết, thật sự là công bộc của dân, là rường cột của đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhốt quyền lực vào “lồng” cơ chế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.