Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm soát quyền lực là giải pháp căn cơ để phòng, chống tham nhũng

Đình Hiệp| 08/06/2023 11:50

(HNMO) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái thay mặt Chính phủ trả lời chất vấn các vấn đề đại biểu quan tâm. Trong đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, kiểm soát quyền lực là giải pháp căn cơ trong phòng, chống tham nhũng, giúp loại bỏ, phát hiện, ngăn ngừa, xử lý nghiêm sai phạm.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trả lời chất vấn.

Bảo đảm quyền lực được thực thi trong khuôn khổ

Phát biểu tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Quảng Ninh) cho biết, một trong những giải pháp cốt lõi để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phải kiểm soát quyền lực, bảo đảm quyền lực được thực thi trong khuôn khổ. Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng cho biết đâu là giải pháp cốt lõi để kiểm soát quyền lực?

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Quảng Ninh) chất vấn.

Trả lời câu hỏi, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, thực tiễn cho thấy phải kiểm soát quyền lực chặt chẽ tại các cơ quan quản lý nhà nước, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, cần thiết lập được cơ chế kiểm soát quyền lực với người có chức vụ, quyền hạn, nhốt quyền lực vào lồng cơ chế.

Trả lời chất vấn liên quan đến các sai phạm, tiêu cực tại các trung tâm đăng kiểm thời gian qua, Phó Thủ tướng cho rằng, những sai phạm này đã diễn ra từ lâu, đối tượng vi phạm nhiều, rộng khắp ở nhiều tỉnh, thành. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực chỉ đạo Bộ Công an nhanh chóng điều tra, xử lý.

Để giải quyết vấn đề này, cần phải rà soát để hoàn thiện các cơ chế, chính sách, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của trung tâm đăng kiểm một cách công khai, minh bạch, rõ ràng. Đồng thời, chú trọng tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong quá trình hoạt động, tăng cường công tác thanh tra… sẽ giúp đảm bảo được yêu cầu "đập chuột mà không làm vỡ bình".

Tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản

Đại biểu Sùng A Lềnh (Đoàn Lào Cai) nêu rõ, thời gian qua, thị trường bất động sản đóng băng, doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, thanh khoản dòng tiền. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể nói là khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp bất động sản chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu, nhất là trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 là rất lớn. “Đề nghị Phó Thủ tướng cho biết trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này, những giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường này phát triển an toàn, lành mạnh”, đại biểu chất vấn.

Đại biểu Sùng A Lềnh (Đoàn Lào Cai) chất vấn.

Trả lời nội dung này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, hiện nay, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến điều hành kinh tế vĩ mô. Nguyên nhân là bởi quản lý, sử dụng dòng tiền trong đòn bẩy tài chính còn chưa hợp lý, có một số vi phạm, sai phạm trên thị trường, các doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính sau đại dịch…

Phó Thủ tướng phân tích, thị trường bất động sản gặp khó khăn do nguyên nhân pháp lý, cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý, chưa phù hợp, năng lực của chủ đầu tư còn hạn chế. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập hai tổ công tác do hai Phó Thủ tướng làm tổ trưởng, để nghiên cứu, đánh giá những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, từ đó đưa ra giải pháp.

Các đại biểu tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

“Hai Tổ công tác đã có báo cáo, Chính phủ đang tiếp tục chỉ đạo để hoàn thiện căn cứ pháp lý, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp hoạt động thông suốt, hiệu quả. Cùng với đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo công khai, minh bạch, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức, pháp luật, ổn định tâm lý”, Phó Thủ tướng cho biết.

Hiện nay, Chính phủ cũng đã ban hành, sửa đổi nhiều Nghị định, chỉ đạo trực tiếp các dự án bất động sản. Gần đây, dù còn nhiều khó khăn, nhưng việc phát hành, thanh toán, gia hạn, đáo hạn đã ổn định, dần tháo gỡ khó khăn trên tinh thần thực hiện trách nhiệm trong hợp đồng dân sự. Tuy nhiên, Nhà nước phải tham gia kiểm tra, kiểm soát để thúc đẩy việc thực hiện theo các cam kết, nghĩa vụ, xử lý nghiêm nếu có sai phạm để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, nhà đầu tư.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Vương Thị Hương (Đoàn Hà Giang) về việc chậm phân bổ đầu tư công, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thông tin, giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm đạt 22,2%, tương đương mức giải ngân cùng kỳ năm 2022. Qua tương quan so sánh với 5 tháng đầu năm của những năm trước, Phó Thủ tướng cho rằng, mức giải ngân này không phải là chậm so với các năm, mà đang chậm so với kỳ vọng đưa vốn vào nền kinh tế để làm động lực cho sự tăng trưởng, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Đại biểu Vương Thị Hương (Đoàn Hà Giang) chất vấn.

Phó Thủ tướng cho rằng, các bộ, ngành, các địa phương cần thúc đẩy nhiều hơn nữa. Về giải pháp, cần tích cực giải phóng mặt bằng, cải thiện trình tự thủ tục đầu tư, nâng cao năng lực nhà đầu tư, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân để đạt được đồng thuận trong giải phóng mặt bằng.

Trả lời câu hỏi về tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp chưa đạt kế hoạch đề ra và nguyên nhân, giải pháp cho vấn đề này của đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn Kiên Giang), Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định đây là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Nhiệm kỳ vừa qua và hiện nay, công tác cổ phần hóa thực hiện không đạt yêu cầu do có một số khó khăn, vướng mắc về quan điểm chỉ đạo. Tại doanh nghiệp lớn, khi tiến hành cổ phần thoái vốn hay bán vốn được rất ít nên phải tính toán xu thế sắp tới, khả năng hoạt động hiệu quả, ngành nghề đó hỗ trợ cho những hoạt động chính hay hỗ trợ cho điều hành kinh tế vĩ mô để quyết định danh mục phù hợp.

Ngoài ra, trong quá trình cổ phần hóa, vấn đề khó nhất hiện hay là phương án sắp xếp về đất đai và xác định giá trị doanh nghiệp; khó khăn về nguồn vốn của xã hội đầu tư. Thời gian tới, các đơn vị liên quan sẽ đánh giá lại đầy đủ, cụ thể. Trên cơ sở đó có giải pháp, kể cả về kế hoạch, phương án sắp xếp, về trình tự, thủ tục, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và bảo tồn, phát triển được vốn, góp phần thúc đẩy và phát triển kinh tế - xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát quyền lực là giải pháp căn cơ để phòng, chống tham nhũng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.