LTS: “Nghề báo” chưa bao giờ ngừng cuốn hút với nhiều bạn trẻ, bởi nó gắn liền với những hành trình thú vị, những trải nghiệm đặc biệt và sự tôn trọng của xã hội…
Phóng viên Báo Hànộimới tác nghiệp tại Trường Sa. |
Những đêm trắng ở Trường Sa
Nói đến sự nhọc nhằn của người làm báo không thể không kể đến những chuyến công tác dài ngày tới các vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Chuyến đi đầu năm 2016 của nhóm phóng viên Báo Hànộimới trên tàu HQ 936 - Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân ra Trường Sa thăm và chúc Tết quân dân trên các đảo đã để lại kỷ niệm khó quên. Ngoài đảo, hạ tầng mạng internet còn hạn chế nên việc truyền tin, bài, ảnh, video về tòa soạn luôn phải tính toán chặt chẽ để bảo đảm thông suốt, nhằm mang đến bạn đọc bức tranh sinh động nhất về cuộc sống người lính đảo. Một kỷ niệm khó quên là việc dựng bản tin truyền hình cho Báo Hànộimới điện tử. Sau khi đã thu thập đầy đủ tư liệu, hình ảnh, nhóm phóng viên chúng tôi dựng, cắt hình trên máy tính xách tay, đọc và ghi âm bằng máy điện thoại di động ngay trên tàu. Bản tin truyền hình đầu tiên hoàn thành có dung lượng hơn 100Mb, gửi trên tàu Hải quân không được, chúng tôi đã chuyển máy móc lên đảo Đá Lớn tác nghiệp. Sau khi biết được thông tin mạng 2G khoảng giữa đêm sẽ mạnh hơn, truyền dữ liệu sẽ thuận lợi..., đêm hôm đó chúng tôi đã thức trắng, gửi bản tin từ 11h đêm hôm trước đến 7h sáng hôm sau. Kinh nghiệm này được chia sẻ với một số đồng nghiệp ở Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa, Báo Bình Thuận, Báo Pháp luật Việt Nam, Báo Hải Dương…
Trong chuyến công tác trên tàu HQ 936, chúng tôi được phân công luân phiên vào các đảo, vì thế để bảo đảm tư liệu đầy đủ, cánh phóng viên giúp đỡ nhau hết sức có thể. Nhà báo Nguyễn Viết Hiện (đoàn nhà báo tỉnh Hải Dương), dù là người cao tuổi nhất trong đoàn nhưng luôn đi đầu và gương mẫu trong mọi hoạt động. Trong lần giao lưu với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Sinh Tồn, ông đã đọc tặng bài thơ “Đêm Sinh Tồn” do chính ông sáng tác ngay trên hải trình ra đảo Trường Sa. Nhà báo Nguyễn Viết Hiện tâm sự: “Quãng đời làm báo của tôi đã trải mấy chục năm, nhưng chuyến công tác Trường Sa lần này là một kỷ niệm không bao giờ phai mờ. Không chỉ mình tôi tích lũy được những tư liệu quý giá mà những người làm báo chúng ta tự hào vì đã được chạm đến trái tim của Tổ quốc giữa ngàn trùng sóng gió”.
Đoàn phóng viên Báo Hànộimới trong chuyến tác nghiệp và cứu trợ tại vùng cao Tây Bắc. |
Những bữa cơm lúc “sểnh nhà…"
Làm báo, đồng nghĩa với việc chấp nhận lăn lộn, chuyện ăn uống, nghỉ ngơi là thứ yếu, quan trọng phải lấy được tin, viết được bài. Thế nên bụng réo ầm ầm vẫn phải viết, rồi lúc đến bữa mà đi cả chục cây số đường rừng không kiếm nổi một quán nhỏ là chuyện thường. Nhưng trên những hành trình vất vả ấy, chúng tôi đã nhận được nhiều tấm chân tình của những người không quen biết. “Một miếng khi đói hơn một gói khi no”. Có lần nhóm phóng viên chúng tôi được giao đi tìm hiểu về tình trạng bắt cóc, buôn bán phụ nữ, trẻ em tại các tỉnh biên giới. Hơn chục ngày trèo đèo, lội suối, cùng lực lượng biên phòng mật phục các ổ nhóm tội phạm, chúng tôi đã đi qua Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, chỉ còn lại Hà Giang. Chạy xuyên đêm vắt từ Lào Cai sang đến Hà Giang lúc 7h sáng. Trao đổi nhanh với Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Hà Giang, chúng tôi lại "chạy" một mạch hơn trăm cây số vào đồn biên phòng Bạch Đích (huyện Yên Minh). Vào tới nơi đã 13h20, xung quanh đồn không có bất cứ một quán hàng nào. Đói, mệt, say xe. Chúng tôi đánh liều hỏi trực ban: Đồn còn cơm nguội hay mỳ tôm không? Anh lính trẻ gãi đầu gãi tai: "Giờ này chỉ huy nghỉ trưa, em cũng không biết…". Uể oải, anh em lại leo lên xe quay ngược ra tuyến đường liên huyện.
Đi gần 20 cây số không gặp bất cứ quán hàng nào, chúng tôi đành gõ cửa một ngôi nhà tuềnh toàng nằm ven đường. Một mế người dân tộc tuổi thất thập ngồi nhai trầu bỏm bẻm. Gặp khách dưới xuôi lên, lại đi ô tô, mế ngạc nhiên lắm. Dù không nói được nhiều tiếng Kinh, nhưng nhìn bộ dạng của khách, bà hiểu chúng tôi đang đói. Mế lập cập đứng dậy mở thùng lấy ra mấy gói mỳ tôm. Bốn chúng tôi như "chết đuối vớ được cọc". Người nhóm bếp, người rửa nồi... Mỳ chín, chúng tôi chỉ kịp mời mế một câu rồi ăn như thể chưa bao giờ được ăn vậy. Mế nhìn chúng tôi cười sung sướng…
Những “bữa cơm chiến trường” của cánh phóng viên đi công tác dài ngày đều giống nhau ở cái vội vã, vừa làm vừa ăn, vừa đi vừa ăn… Cũng không hiếm chuyện “cười ra nước mắt”. Một lần, chúng tôi đi cùng bạn đồng nghiệp Báo Quảng Trị đến bản A Ho của xã Thanh, huyện Hướng Hóa để viết về già làng Pả Ai, người được gọi là “Lưỡng quốc già làng”. Sống ở bản A Ho nhưng Pả Ai là già làng của cả bản Đenvilay - một bản thuộc tỉnh Savannakhet nước bạn Lào bên kia dòng Sêpôn, nghe đã thấy xa! Tuyến đường số 9 đoạn từ thành phố Đông Hà đến ngã ba chợ Tân Long, huyện Hướng Hóa dài ngót 70km, xe ô tô chỉ chạy trong hơn một giờ đồng hồ. Nhưng từ chợ Tân Long vào đến bản A Ho của xã Thanh, chúng tôi mất đến gần hai giờ cho quãng đường chỉ 15km. Mưa trắng trời. Những đoạn đường rừng dốc dựng thành những máng nước lớn, trút xuống cơ man nào là đất đá, cành cây khô. Con đường đã từng được trải nhựa nhiều năm trước, giờ đã bị xe ô tô tải chở sắn nguyên liệu cho Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa cày nát; ngổn ngang ổ voi, ổ trâu, nước ngập trắng xóa. Có những đoạn, bạn đồng nghiệp phải xắn quần, đội mưa lội xuống dò đường. Đường rừng vắng ngắt. Liên tiếp đọc những biển báo vùng nguy hiểm sạt lở đất, cột báo lũ… tôi thật sự thấy lo!
Gần hai giờ chiều, chúng tôi mới đến được nơi cần đến. Đói lả người, nên khi các chiến sĩ Đồn biên phòng Tam Thanh mời cơm, không ai khách khí. Trong mâm có Chủ tịch UBND xã Thanh là người Vân Kiều và cũng là hàng xóm, họ hàng thân thiết với già làng Pả Ai. Được lãnh đạo đồn biên phòng giới thiệu như vậy, chúng tôi mừng lắm vì trong lúc chờ già Pả Ai đi rẫy về, dự định sẽ tranh thủ hỏi chuyện. Như đoán được ý nghĩ của nhóm nhà báo, “anh” Chủ tịch còn khá trẻ thủng thẳng: “Nhà báo à, nhà báo đã đến đây thì phải uống ba chén rượu rồi hỏi gì thì hỏi”. Nhìn cái chén to như chiếc cốc dưới xuôi, tôi hết hồn, cố gắng thanh minh rằng mình phụ nữ không biết uống rượu, đường rừng về thì xa… “Anh” Chủ tịch chăm chú nghe hết nhưng nhất quyết hỏi gì cũng không trả lời khiến tôi vô cùng bối rối. Lúc này bạn đồng nghiệp mới ghé tai nói: “Bà con trên này là vậy! Không uống sẽ bị coi là không thật cái bụng, không được yêu quý đâu”. Một liều ba bảy cũng liều, đã lên được đến đây, chả lẽ… Tôi cầm cốc rượu, nhắm mắt định tu một hơi. Chưa được non nửa thì nghe thấy tiếng cười vui vẻ và “anh” Chủ tịch giơ tay ngăn lại. Từ đó cho đến lúc già Pả Ai về, câu chuyện cứ giòn như pháo…
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.