Văn hóa

Báo chí cách mạng trước cuộc cạnh tranh thông tin thời 4.0: Giữ vững bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp

Hoàng Lân 21/06/2024 09:48

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có ảnh hưởng lớn đến mọi lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có báo chí.

Nhiệm vụ chuyển đổi số được đặt ra với nhiều cơ hội và thách thức cho các tòa soạn và người lám báo, đòi hỏi người làm báo không chỉ nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ mà còn phải luôn giữ vững đạo đức nghề nghiệp.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi:
Nêu cao đạo đức người làm báo

4.jpg

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút và trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng...”. Trong thời đại 4.0, trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của các phương tiện thông tin đại chúng cùng áp lực thông tin, đạo đức của người làm báo càng phải được đề cao.

Tôi cho rằng, trong bất cứ thời đại nào, đạo đức người làm báo luôn được coi trọng hàng đầu. Người làm báo cần tự học, tự rèn luyện, đó là quá trình không bao giờ được ngừng lại. Tính chính trực, bản lĩnh nghề nghiệp là vô cùng quan trọng, giúp nhà báo vượt qua được cám dỗ để giữ cho ngòi bút không bị “bẻ cong”...

Trong thời đại 4.0, khi công nghệ là một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội thì bản lĩnh, kiến thức, kỹ năng của người làm báo càng cần phải được nâng cao. Xã hội thông tin có rất nhiều thông tin độc hại, khó kiểm chứng; thông tin từ mạng xã hội đôi khi gây “nhiễu”, tạo dư luận xấu. Trong bối cảnh đó, người làm báo cần phải giữ vững bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp; có tư duy nhạy bén, kỹ năng khai thác thông tin chuẩn mực và nhanh nhạy. Người làm báo phải có ý thức, trách nhiệm khi khai thác thông tin qua mạng xã hội, đăng tải, phát ngôn.

Ban Biên tập các cơ quan báo chí cần coi trọng vấn đề giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho nhà báo gắn liền với việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ; nghiêm khắc xử lý những trường hợp vi phạm.

Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Đây được xem là bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp mang tính dẫn dắt, hướng dẫn, đòi hỏi mỗi người làm báo phải luôn tuân thủ bằng cả lương tâm và trách nhiệm của mình. Hội Nhà báo Việt Nam luôn quan tâm đến việc đào tạo, nâng cao đạo đức báo chí cho phóng viên, coi đây là điểm nhấn trong các mô hình đào tạo trong thời gian tới.

Nhà báo Tô Quang Phán, Chủ Tịch Hội nhà báo Thành phố Hà Nội:
Cơ hội và thách thức song hành

5(1).jpg

Cuộc cách mạng 4.0 với sự phát triển của khoa học, công nghệ, kỹ thuật đã mở ra vô vàn cơ hội cũng như thách thức đối với báo chí. Hòa cùng xu hướng phát triển của báo chí thế giới, báo chí Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc trong nhiều năm trở lại đây cả về số lượng và chất lượng. Trong môi trường truyền thông hiện đại, các nhà báo có nhiều cơ hội sáng tạo những tác phẩm báo chí mới, hiện đại, hấp dẫn cả về nội dung và hình thức. Nhiều sản phẩm báo chí đa phương tiện với những dạng thức hiện đại như Megastory, E-magazine, Longform, Podcast... góp phần đáp ứng nhu cầu của bạn đọc trong kỷ nguyên số.

Không thể phủ nhận rằng, những tác phẩm báo chí hiện đại đã tạo sức hút với người đọc, tăng lượng truy cập cho các báo. Tuy nhiên, cơ hội, thời cơ cũng luôn đi kèm với thách thức và yêu cầu nâng cao trách nhiệm của người làm báo. Các tòa soạn báo phải đối diện với sự cạnh tranh lớn, đặc biệt là từ mạng xã hội, phải đổi mới không ngừng để không bị tụt hậu. Để trở thành kênh thông tin được lựa chọn, tạo được sức cạnh tranh mạnh mẽ đối với mạng xã hội với vô vàn tin giả, tin chưa được kiểm chứng, báo chí phải bảo đảm giá trị thông tin, kiểm chứng thông tin nhằm bảo đảm sự chuẩn xác, độ tin cậy. Vai trò của người làm báo rất lớn, cần không ngừng nâng cấp bản thân, trau dồi kiến thức, học hỏi các kỹ năng, kỹ thuật làm báo hiện đại, mặt khác cần phải có sự nhạy bén, năng động nắm bắt thông tin nhanh, xác minh thông tin kịp thời, chuẩn xác.

Để đáp ứng xu thế báo chí hiện đại, những năm gần đây, Hội Nhà báo thành phố Hà Nội thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên thuộc các liên chi hội, chi hội nhà báo của các cơ quan báo chí thành phố về kỹ năng làm báo trong thời đại 4.0, như lớp tập huấn viết và dựng các sản phẩm Longform, Megastory; kỹ năng chụp ảnh, xử lý ảnh; kỹ năng quay, dựng video... Nhiều chuyến đi thực tế được Hội tổ chức đã giúp phóng viên các cơ quan báo chí Thủ đô có thêm kiến thức, tư liệu mới để hình thành những tác phẩm báo chí chất lượng. Nhiều sản phẩm từ các chuyến đi thực tế và các lớp tập huấn có sức hút với bạn đọc và được trao giải báo chí.

Tiến sĩ Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội:
Kiến thức, văn hóa là căn cốt của một nhà báo chuyên nghiệp

6.jpg

Chuyển đổi số về bản chất là quá trình sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi phương thức hoạt động, phát triển của đời sống con người. Báo chí, truyền thông và công tác đào tạo báo chí cũng không nằm ngoài guồng quay chuyển đổi đó.

Tôi cho rằng, nền báo chí toàn cầu có 3 xu hướng lớn cần phải được cập nhật trong cả nghiên cứu cũng như đào tạo báo chí. Thứ nhất, đó là việc cập nhật các công nghệ mới trong sản xuất và chuyển tải nội dung báo chí. Thứ hai là những thay đổi về nội dung của báo chí. Thứ ba là những thay đổi về kinh tế báo chí. Tuy nhiên, dù sự ảnh hưởng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số có lớn đến đâu thì giá trị bất biến của báo chí vẫn là nội dung. Nói như vậy không phải là xem nhẹ giá trị của chuyển đổi số, mà để thấy rằng không nên vì quá chú trọng vào chuyển đổi số mà quên mất giá trị cốt lõi của báo chí, truyền thông.

Ở Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, chúng tôi hiểu rằng kỹ năng nghề nghiệp là chiếc áo, còn kiến thức, chiều sâu văn hóa là căn cốt của một nhà báo chuyên nghiệp. Nhưng nếu không có chiếc áo ấy, nhà báo rất có thể bị tụt hậu trước sự thay đổi mạnh mẽ của báo chí truyền thông thế giới. Bên cạnh việc kiên trì với chủ trương đào tạo kiến thức nền tảng, chương trình đào tạo đại học của Viện đã đưa các kiến thức, kỹ năng về truyền thông đa phương tiện, truyền thông xã hội, truyền thông hội tụ... vào giảng dạy cho người học. Trong lần chỉnh sửa chương trình đào tạo mới nhất, chúng tôi đã đưa vào môn học Công nghệ truyền thông số. Kiến thức, kỹ năng liên quan tới công nghệ báo chí, truyền thông mới được cập nhật và đưa vào chương trình giảng dạy cho sinh viên, như hệ thống hội tụ SMAC, thuật toán và ứng dụng thuật toán trong báo chí truyền thông, công nghệ Big Data, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thực tế ảo...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Báo chí cách mạng trước cuộc cạnh tranh thông tin thời 4.0: Giữ vững bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.