Chuyện đó đây

Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024): Để “chất” nhân văn sáng mãi: Công cụ hữu hiệu giúp thay đổi nhận thức xã hội ở Uganda

Quỳnh Dương 21/06/2024 - 06:37

“Sứ mệnh nhân văn” của báo chí đòi hỏi những hành động cụ thể, đặt trọng tâm bảo vệ những đối tượng yếu thế trong xã hội.

Nỗ lực của các đồng nghiệp Cộng hòa Uganda, một đất nước châu Phi còn nhiều khó khăn, cho chúng ta thêm cái nhìn rộng mở về trách nhiệm và sức mạnh thay đổi mà báo chí có thể mang lại.

4(1).jpg
Hai tờ báo lớn của Uganda tham gia tích cực vào chiến dịch bảo vệ trẻ em.

Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Uganda có tỉ lệ tảo hôn cao thứ 16 trên thế giới và số lượng cô dâu trẻ em cao thứ 10 toàn cầu. Có tới 7% bé gái kết hôn trước 15 tuổi và 34% kết hôn trước 18 tuổi. Ngoài ra, 10,6% thiếu nữ ở độ tuổi 15 - 19 đang kết hôn với nam giới có từ 2 vợ trở lên. Theo đánh giá của các chuyên gia, tình trạng này kéo dài phần lớn do phong tục tập quán và nền tảng giáo dục ở nhiều khu vực tại Uganda còn thấp. Bởi vậy, vai trò của báo chí được đánh giá là công cụ hữu hiệu giúp thay đổi nhận thức đối với toàn xã hội ở quốc gia Trung Phi này.

Chia sẻ trong một cuộc hội thảo gần đây, do tổ chức phi chính phủ chuyên bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền của phụ nữ và trẻ em gái Equality Now thực hiện, các đại diện báo chí từ Uganda cho biết, các chiến lược hiệu quả để phản ánh tác động tiêu cực từ tình trạng tảo hôn gồm các bài viết làm nổi bật hậu quả về văn hóa, xã hội, y tế kết hợp với phân tích, nhận định của các chuyên gia nổi tiếng thế giới để tăng tính thuyết phục và dần dần tạo ra sự chuyển biến về nhận thức của xã hội. Nhằm tăng sức hấp dẫn và tạo ra sự đồng cảm của độc giả, nhiều tờ báo đã chuyển những sự kiện có thật thành câu chuyện có nội dung xúc động, dễ hiểu để có thể tiếp cận nhiều đối tượng độc giả và thu hút sự đồng cảm, khuyến khích người dân tìm hiểu sâu hơn các vấn đề chính sách, pháp luật, qua đó ngăn chặn tình trạng tảo hôn. Ngoài ra, tình trạng bất bình đẳng giới, thói gia trưởng và phân biệt đối xử cũng được báo chí Uganda thường xuyên đề cập thông qua các bài lấy ý kiến, quan điểm của trẻ em gái, phụ nữ, nam giới, hoặc tạo diễn đàn để người dân ở nhiều tầng lớp có thể lên tiếng phá vỡ những định kiến thiếu tiến bộ làm ảnh hưởng tới quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái.

Đối với các vấn đề khác như nạn buôn bán trẻ em, lao động vị thành niên, bạo lực gia đình, trẻ em bị ảnh hưởng tại các khu vực xung đột, mỗi năm báo chí Uganda có hàng nghìn bài viết phản ánh và đấu tranh ở nhiều khía cạnh. Trong đó, New Vision và Daily Monitor là 2 tờ báo được đánh giá là đi đầu trong “cuộc chiến” này.

New Vision có phạm vi “phủ sóng” rộng hơn với sự kết hợp cân bằng giữa tin tức và các bài phóng sự. Điều đó có nghĩa là các câu chuyện về bảo vệ trẻ em được coi như một chủ đề thường xuyên của tờ báo. Về tần suất, hầu hết các số báo trong tuần đều có tin hoặc bài về bảo vệ trẻ em. Đỉnh điểm là số báo vào thứ bảy, New Vision làm hẳn chuyên đề mở rộng về lĩnh vực này gồm các bài báo cáo, điều tra dư luận. Trong khi đó, Daily Monitor mạnh hơn về việc đưa tin nhưng ít loạt phóng sự hơn. Các ấn phẩm vào ngày thứ ba và Tạp chí Sunday Life là điểm nhấn của tờ báo liên quan đến chủ đề bảo vệ trẻ em.

Xu hướng các bài viết của cả hai tờ báo là vạch trần những hành vi sai trái, đưa ra thông điệp kêu gọi chính quyền và người dân bắt tay vào hành động, trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với người phạm tội, đưa ra nhiều chính sách hơn để bảo vệ trẻ em, cải thiện chế độ pháp lý...

Trong bối cảnh Uganda đăng cai tổ chức loạt sự kiện Ngày Trẻ em châu Phi (16-6), báo chí nước này được ghi nhận đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy trách nhiệm giải trình của chính quyền đối với các vụ việc liên quan tới trẻ em, vạch trần các vụ việc bao che tội phạm và thúc đẩy thay đổi. Báo chí cũng tích cực tham gia vào các chiến dịch bảo vệ và vận động cho quyền trẻ em.

Tuy nhiên, để chấm dứt hoàn toàn tình trạng xâm phạm quyền trẻ em, chính quyền và người dân Uganda còn rất nhiều việc phải làm. Để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả của truyền thông trong lĩnh vực này, các tổ chức thế giới khuyến nghị cần đào tạo nhà báo và những người hoạt động trong giới truyền thông về cách thức cũng như nguyên tắc viết tin bài liên quan tới trẻ em như bảo vệ quyền riêng tư, tránh những cách tiếp cận có thể gây hại cho sức khỏe tâm lý, thể chất của trẻ... Như vậy, sức mạnh của phương tiện báo chí và truyền thông mới có thể tiếp tục sứ mệnh thúc đẩy một cách căn bản và bền vững những chủ đề liên quan tới quyền lợi của trẻ em.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024): Để “chất” nhân văn sáng mãi: Công cụ hữu hiệu giúp thay đổi nhận thức xã hội ở Uganda

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.