Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhổ răng khôn: Nên hay không?

Theo SGTT| 01/10/2012 11:30

Nhổ răng khôn phải tuỳ vào tình trạng của răng, nếu đáng nhổ mà cứ giữ thì sẽ rất nguy hiểm cho sức khoẻ.


Nhiều người mê tín cho rằng chiếc răng khôn mang lại nhiều may mắn nên ngay cả khi chiếc răng ấy gây ra những phiền toái, họ cũng ráng chịu đau mua thuốc uống cho qua để có thể giữ lại “điềm lành”.

Đây là quan niệm sai lầm, bởi giữ hay nhổ răng khôn phải tuỳ vào tình trạng của răng, nếu đáng nhổ mà cứ giữ thì sẽ rất nguy hiểm cho sức khoẻ.


Mọc trễ nên… khôn!

“Răng khôn” (wisdom tooth) được dùng để chỉ răng cối lớn thứ ba. Chiếc răng này có đặc trưng mọc trễ nhất trên cung răng (vào khoảng 18 – 25 tuổi). Khoảng thời gian này xương hàm ít tăng trưởng về kích thước, chất lượng xương cứng hơn, niêm mạc và mô mềm phủ bên trên dày chắc, cùng với một số yếu tố toàn thân khác góp phần làm răng khôn dễ bị lệch và ngầm.

Theo nghiên cứu thực hiện tại khoa răng hàm mặt đại học Y dược TP.HCM, răng khôn hàm dưới có tỷ lệ lệch và ngầm cao nhất. Răng mọc lệch và ngầm dễ bị nhồi nhét thức ăn, khó vệ sinh nên thường gây ra nhiều biến chứng cho bệnh nhân như sưng, đau, nhiễm trùng, há miệng hạn chế... các răng này cũng ít tham gia vào chức năng nhai. Chính vì vậy, can thiệp kịp thời có ý nghĩa quan trọng và nhổ răng khôn là chỉ định thường gặp.

Trục răng khôn có rất nhiều chiều thế khác nhau, điều này góp phần quan trọng đến độ khó và kỹ thuật nhổ răng khôn. Một số dạng có thể gặp: mọc thẳng, lệch ngoài, lệch trong, lệch gần, lệch xa, nằm ngang, nằm ngược và phối hợp các dạng này với nhau.

Biến chứng thường gặp

Khi răng khôn mọc bất thường sẽ gây ra một số biến chứng sau:
Viêm nướu trùm, viêm mô tế bào: các răng mọc lệch gây nhồi nhét thức ăn (vùng này lại rất khó vệ sinh làm sạch) nên lâu ngày gây hiện tượng viêm nhiễm, sưng đỏ, đau quanh thân răng, viêm nướu trùm, sau đó tạo túi mủ (ápxe), cứng hàm. Tình trạng viêm nhiễm kéo dài sẽ phá huỷ xương xung quanh răng này và các răng bên cạnh. Trong các trường hợp nặng có thể gây viêm xương hàm, nhiễm trùng huyết…

Sâu răng kế bên: khi răng khôn mọc lệch, kẹt nghiêng tựa vào răng kế bên, vị trí này thường bị nhồi nhét thức ăn, viêm nhiễm, rất khó làm sạch. Kết quả là bản thân các răng này và các răng kế cận bị sâu. Cần chú ý răng kế cận răng khôn là răng cối lớn thứ hai, có vai trò rất quan trọng tham gia quá trình nhai.

Nang thân răng: các răng khôn ngầm trong xương có thể tạo nang thân răng tiến triển âm thầm trong xương hàm. Nếu không được điều trị, xương hàm sẽ bị tiêu xương dần dần, làm tăng nguy cơ gãy xương hàm. Ngoài ra, khi răng khôn mọc lệch, làm xô đẩy có thể gây chen chúc các răng trước.

Khi nào nên nhổ răng khôn?

Các trường hợp có chỉ định nhổ răng khôn là răng mọc lệch hoặc ngầm đã gây biến chứng: đau, khít hàm, viêm sưng, sâu răng... Răng mọc lệch ra khỏi cung răng, không tham gia vào việc nhai, gây trở ngại cho vệ sinh răng miệng. Nhổ răng theo yêu cầu của chỉnh hình răng mặt, phục hình. Theo kinh nghiệm của một số chuyên gia, việc nhổ dự phòng răng khôn hàm dưới mọc ngầm hoặc lệch giúp tránh những tai biến đau nhức về sau và công việc hậu phẫu trở nên đơn giản hơn.

Trong 24 giờ sau khi nhổ răng khôn, chảy máu có thể xuất hiện vài giờ đầu. Sưng cũng có thể xuất hiện ở vùng nhổ răng với mức độ tuỳ thuộc độ khó của răng nhổ và cơ địa bệnh nhân. Khi thuốc tê hết tác dụng, bệnh nhân sẽ có phản ứng đau, cường độ đau tuỳ thuộc cơ địa mỗi người.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhổ răng khôn: Nên hay không?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.